Quảng Ngãi:

Nghề làm bánh tráng, tạo việc làm cho phụ nữ miền núi Minh Long

NHƯ ĐỒNG

VHO - Bằng sức trẻ và lòng nhiệt huyết với nghề, vợ chồng anh Nguyễn Văn Tuấn (SN 1991), thôn 3, xã Long Hiệp, huyện Minh Long (Quảng Ngãi) đã gây dựng được cơ sở sản xuất bánh tráng với hệ thống máy móc khá hiện đại, cho thu nhập ổn định, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Đặc biệt, sản phẩm bánh tráng của cơ sở anh đã được công nhận OCOP 3 sao vào năm 2023.

Nghề làm bánh tráng, tạo việc làm cho phụ nữ miền núi Minh Long - ảnh 1
Cơ sở sản xuất bánh tráng Hoàng Long ở thôn 3, xã Long Hiệp

Chúng tôi về thăm cơ sở sản xuất bánh tráng Hoàng Long, đúng lúc vợ chồng anh Nguyễn Văn Tuấn cùng với nhiều nhân công đang tích cực sản xuất để cho ra lò mẻ bánh tráng đầu tiên trong ngày.

Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Tuấn chia sẻ, sinh ra và lớn lên ở xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành vùng đất nổi tiếng làm nghề làm bánh tráng, nên khi bén duyên cùng vợ và lập nghiệp ở Minh Long, vợ chồng anh đã phát triển nghề làm bánh tráng với mong muốn gắn bó với nghề gia truyền.

“Nhận thấy ở địa phương có nhiều lao động nhàn rỗi, có nguồn nguyên liệu dồi dào và thị trường tiêu thụ, anh bàn bạc với người thân rồi quyết định phát triển nghề sản xuất bánh tráng”, anh Tuấn nói.

Nghề làm bánh tráng, tạo việc làm cho phụ nữ miền núi Minh Long - ảnh 2
Bình quân mỗi ngày cơ sở anh Tuấn (bên phải) làm ra khoảng 11 nghìn bánh tráng

 Năm 2022, vợ chồng anh đầu tư trên 400 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng và mua sắm dây chuyền sản xuất khá hiện đại gồm máy xay bột, hệ thống máy tráng và máy nướng bánh khép kín và các loại vật tư, phụ kiện khác...

“Cơ sở sản xuất bánh tráng của gia đình tôi chủ yếu áp dụng công nghệ máy móc khá hiện đại, bình quân mỗi ngày làm ra khoảng 11 nghìn bánh tráng. Tính doanh thu mỗi tháng khoảng 240 triệu đồng”, anh Tuấn chia sẻ.

Nghề làm bánh tráng, tạo việc làm cho phụ nữ miền núi Minh Long - ảnh 3
Chị Đinh Thị Hai dân tộc Hrê đang làm nhân công tại cơ sở sản xuất bánh tráng

Hiện cơ sở sản xuất bánh tráng của anh Tuấn hoạt động khá hiệu quả, thị trường tiêu thụ ổn định trong và ngoài tỉnh. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho 7 lao động ở địa phương, với mức thu nhập 200 – 250 nghìn đồng/ ngày.

Chị Đinh Thị Hai dân tộc Hrê đang làm nhân công tại cơ sở sản xuất bánh tráng chia sẻ: “Tôi làm việc ở cơ sở sản xuất bánh tráng của anh Tuấn thu nhập cũng khá ổn định, có việc làm thường xuyên và khá nhẹ nhàng, lại gần nhà nên thuận lợi cho việc chăm sóc gia đình. Chủ cơ sở cũng rất quan tâm đến anh, chị em nhân công...”.

Nghề làm bánh tráng, tạo việc làm cho phụ nữ miền núi Minh Long - ảnh 4
Cơ sở sản xuất bánh tráng với hệ thống máy móc hiện đại

Hiệu quả hơn từ mô hình này là có thể chủ động sản xuất được bánh tráng quanh năm nên vẫn đảm bảo được nguồn cung cho thị trường.

Ông Nguyễn Ngọc Tạo, Công chức VHXH xã Long Hiệp cho biết, trên địa bàn xã có cơ sở sản xuất bánh tráng Hoàng Long của vợ chồng anh Tuấn là mô hình tiêu biểu, áp dụng công nghệ hiện đại, không những nâng cao lợi nhuận cho gia đình, mà còn giải quyết được việc làm cho một số lao động nông thôn.

“Địa phương luôn điều kiện thuận lợi để gia đình anh Tuấn mở rộng quy mô sản xuất, nhằm nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của xã”, ông Tạo cho biết thêm.