Quảng Ngãi:

Khai mạc Liên hoan cồng chiêng, đàn, hát dân ca

NHƯ ĐỒNG

VHO – Tối 8.8, Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi phối hợp UBND huyện Minh Long tổ chức Liên hoan cồng chiêng, đàn, hát dân ca và Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi năm 2024.

Khai mạc Liên hoan cồng chiêng, đàn, hát dân ca - ảnh 1
Tiết mục biểu diễn của huyện Sơn Tây

Tham gia Liên hoan cồng chiêng, đàn, hát dân ca và Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số có các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên người đồng bào dân tộc thiểu số của 5 huyện miền núi Sơn Tây, Sơn Hà, Trà Bồng, Ba Tơ và Minh Long. Các đơn vị mang đến Liên hoan những làn điệu dân ca, dân vũ, diễn xướng dân gian, hòa tấu nhạc cụ đậm đà bản sắc văn hóa của từng dân tộc, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho người xem.

Nghệ nhân Thanh Sơn, huyện Sơn Tây chia sẻ: “Tôi rất vui khi mang các tiết mục, bản sắc văn hóa của đồng bào Ca dong đến với Liên hoan để quảng bá những nét đẹp về bản sắc của dân tộc mình”.

Khai mạc Liên hoan cồng chiêng, đàn, hát dân ca - ảnh 2
Tiết mục biểu diễn mang bản sắc văn hóa của đồng bào Cor

Phát biểu khai mạc Hội thi, Phó giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Liên Phương cho biết, Quảng Ngãi là nơi hội tụ, cộng cư của đồng bào các dân tộc thiểu số: Hrê, Cor, Cadong. Trong quá trình hình thành và phát triển, đồng bào các dân tộc thiểu số đã sáng tạo ra những giá trị di sản văn hóa, các môn thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian quý báu, giàu bản sắc, được lưu truyền, gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Người Hrê tự hào với các làn điệu ta lêu, ca choi; nhạc cụ được chế tác nổi bật là đàn brook, đàn knâu, sáo tà lía, a mó, tà vố; bộ chiêng gồm 3 chiếc.

Người Cor phát triển nhiều loại hình dân ca, dân nhạc phong phú, mang sắc thái riêng, phổ biến là các làn điệu xà ru, a giới, a lát; nhạc cụ của đồng bào Cor tương tự với dân tộc Hrê anh em, nhưng tên gọi khác nhau như đàn brook, đàn ra ngoái, a máp; riêng bộ chiêng của người Cor có 2 chiếc kèm chiếc trống. Đặc biệt người Cor có điệu múa cà đáo độc đáo .

Người Ca dong lưu truyền nhiều loại hình diễn xướng dân gian phong phú, đa dạng, với các làn điệu dân ca tiêu biểu như ca lêu, ra nghế, dê ô dê; các nhạc cụ truyền thống kloong pút, vrook và 2 bộ chiêng hnăng và hlênh.

Khai mạc Liên hoan cồng chiêng, đàn, hát dân ca - ảnh 3
Đại biểu và khán giả xem, cổ vũ

Các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian như: đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, chạy, cà kheo được tổ chức nhằm bảo tồn, cố kết cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, quá trình hội nhập và phát triển đất nước đặt ra nhiều thách thức cho việc bảo tồn, phát huy những giá trị nghệ thuật truyền thống, trò chơi dân gian của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Nhiều giá trị có nguy cơ bị mai một, sinh hoạt dân ca, dân nhạc, dân vũ, trò chơi dân gian trong cộng đồng ngày càng thưa thớt, thậm chí ở một số nơi bị lãng quên. Thế hệ các nghệ nhân, diễn viên đang nắm giữ giá trị nghệ thuật quan trọng đã bước vào tuổi xế chiều, chưa kịp truyền lại sự đam mê, nhiệt huyết cho thế hệ kế tiếp.

“Tin tưởng qua Liên hoan lần này, thế hệ trẻ sẽ trân trọng và biết cách gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật, trò chơi truyền thống của chính dân tộc mình, để các giá trị đó luôn trường tồn với lịch sử văn hóa, con người Quảng Ngãi, hòa chung vào dòng chảy của 54 dân tộc Việt Nam; các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên sẽ cống hiến cho khán giả những tiết mục đặc sắc, tinh thần thi đấu đầy ấn tượng, tạo nên một Liên hoan và Hội thi có nhiều bản sắc, ý nghĩa và đáng nhớ”, ông Phương bày tỏ.