Người nghệ nhân truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về âm nhạc truyền thống đồng bào Hrê

VHO - Từ niềm đam mê cháy bỏng với âm nhạc truyền thống của đồng bào Hrê, nghệ nhân Phạm Văn Sây đã nỗ lực học hỏi và trở thành một nhân vật truyền cảm hứng đến thế hệ trẻ ở xã Ba Thành, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) và các địa phương lân cận, góp phần bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị của văn hóa dân tộc Hrê.

Người nghệ nhân truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về âm nhạc truyền thống đồng bào Hrê - Anh 1

Anh Phạm Văn Sây (chính giữa) đang biểu diễn chiêng cùng các bạn thanh niên ở Khu bảo tồn văn hóa thôn làng Teng, xã Ba Thành

Đam mê nhạc cụ của người Hrê
Nghệ nhân Phạm Văn Sây (40 tuổi) ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành có vóc dáng chắc, khỏe, mái tóc xoăn, dài mang dáng dấp của nghệ sĩ nơi đại ngàn. Không chỉ am hiểu về chiêng và chơi chiêng điêu luyện, nghệ nhân Phạm Văn Sây còn nổi tiếng là người hát ka lêu, ka choi rất hay và từng đoạt giải cao trong các kỳ liên hoan văn nghệ trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, anh còn sử dụng thành thạo một số nhạc cụ tre, nứa, trong đó có chiêng tre của người Hrê, còn gọi là chinh kala.
Chiêng tre có mối liên kết với chiêng ba. Nhạc cụ này được làm từ đốt tre dài khoảng 30cm, có 3 dây đàn được làm từ nan tre. Hai đầu dây có những thanh gỗ hoặc thanh tre nhỏ làm ngựa cho dây đàn. Khi tấu lên, nhạc cụ phát ra những thanh âm tương tự chiêng ba. 
“Trước đây, cuộc sống của người dân miền núi quá khó khăn, không phải nhà nào cũng có tiền mua chiêng đồng đắt giá để sử dụng. Để đỡ nhớ chiêng, ông bà xưa mới sáng chế nên loại chiêng này. Thanh âm của chiêng tre tựa bộ chiêng ba truyền thống nhưng gọn nhẹ hơn. Bởi thế, người dân thường sử dụng phổ biến trong sinh hoạt giải trí hằng ngày, mang theo khi đi làm nương rẫy, lúc mệt nhọc lấy chiêng ra thư giản cho khuây khỏa tâm hồn”, nghệ nhân Phạm Văn Sây chia sẻ.
Anh Sây cho biết, say mê âm nhạc truyền thống của người Hrê từ nhỏ, nên anh thường hay lân la tới những người rành nhạc cụ của người Hrê để nghe và theo dõi cách chơi, cách chế tác các nhạc cụ. May mắn của anh Sây là được sinh ra ở một ngôi làng hội tụ đầy đủ các loại hình văn hóa truyền thống của người Hrê, trong một gia đình mà các thành viên luôn có ý thức giữ lửa đam mê với chiêng. 

Người nghệ nhân truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về âm nhạc truyền thống đồng bào Hrê - Anh 2

Nghệ nhân Phạm Văn Sây đang truyền cảm hứng văn hóa dân tộc đến các bạn trẻ

Năm 14 tuổi, anh Sây đã biết đánh chiêng và một vài loại nhạc cụ âm nhạc truyền thống của người Hrê. Từng có thời gian, nhiều người bạn biết anh có niềm đam mê âm nhạc, hát hay nên khuyên anh nên đi học các nhạc cụ hiện đại, biểu diễn ở các đám cưới, có thu nhập cao, cải thiện đời sống gia đình. Thế nhưng, đi ngược lại với suy nghĩ ấy, anh vẫn dành thời gian tìm đến những nghệ nhân nổi tiếng ở xã Ba Thành và xã lân cận như Ba Vinh để tìm hiểu về các giá trị văn hóa của người Hrê, trong đó có Chiêng Ba.
“Chiêng ba là sợi dây gắn kết vững chắc giữa các thành viên trong gia đình, họ hàng, làng xóm với nhau. Trong mỗi nhịp chiêng luôn hàm chứa sức mạnh, niềm tin của con người với đấng siêu nhiên, niềm tin vào cộng đồng, vào cuộc sống để từ đó có thêm hy vọng về một ngày mai tươi đẹp hơn. Bởi thế, tôi ý thức rất rõ về việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Là đàn ông Hrê, nhất thiết phải biết đánh chiêng, hiểu biết về chiêng”, anh Sây bộc bạch.
Càng tiếp xúc với nhạc cụ truyền thống, anh Sây càng say mê và quyết tâm học và chơi thành thạo các loại nhạc cụ của người Hrê. Năm 20 tuổi anh đã chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ của người Hrê, ngoài ra anh còn tham gia hát các làn điệu ka lêu, ka choi tại các hội thi trong và ngoài tỉnh và đã đạt nhiều giải cao. 

Người nghệ nhân truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về âm nhạc truyền thống đồng bào Hrê - Anh 3

Anh Sây tại Liên hoan cồng chiêng, đàn hát dân ca các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi 

Miệt mài gieo điệu cồng chiêng
Không chỉ am hiểu về chiêng và chơi chiêng điêu luyện, nhiều năm nay anh luôn tích cực truyền cảm hứng, đánh thức trách nhiệm và tình yêu với văn hóa dân tộc đến nhiều người trẻ ở địa phương và các xã lân cận. Với anh, dạy đánh chiêng cho thế hệ trẻ là bằng cả tâm huyết, giống như các thế hệ đi trước đã truyền lửa cho anh. Anh không mở lớp, nhưng khi có người nhờ chỉ cách đánh chiêng, chỉnh chiêng là anh luôn sẳn sàng. Thậm chí, khi nghe các thanh niên chơi chiêng chưa đúng nhịp, hoặc chưa có hồn là anh luôn tìm cách chỉ dạy cho giới trẻ. 
“Thời gian gần đây, huyện liên tiếp mở các lớp dạy về các nhạc cụ của đồng bào dân tộc Hrê, nên tôi có điều kiện thuận lợi để khơi dậy niềm đam mê cho các em. Điều quan trọng nhất là phải làm cho người học say chiêng, thực sự đam mê chiêng. Bản thân tôi phải thổi được hồn chiêng cho các em. Bởi lẽ, học chiêng phải kết nối hồn người với hồn chiêng, bằng không cũng chỉ là gõ chiêng. Mỗi ngày, các em học thêm một điều hay về chiêng đã là quý lắm rồi”, anh Sây bày tỏ.
Anh Sây cho biết, anh cùng đội văn nghệ quần chúng của huyện Ba Tơ đi biểu diễn trong và ngoài tỉnh, các tiết mục như “Đi tìm men say của Giàng”  và tiết mục “Ru con trên chân”. Bằng làn điệu dân ca của người Hrê bay bổng, bằng cách trình chiêng ba độc đáo, say đắm lòng người của anh, đã góp phần làm cho các tiết mục của đội Ba Tơ thành công rực rỡ. Trên sân khấu anh luôn cháy hết mình các với tiết mục biểu diễn. Theo anh, mình đã tham gia thì phải biểu diễn hết mình. Phải làm sao cho tiếng hát, tiếng chiêng đi vào lòng người. Tiếng chiêng ngoài đúng điệu, phải có hồn, ngân xa, bay xa mới thấy thỏa mãn. 

Người nghệ nhân truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về âm nhạc truyền thống đồng bào Hrê - Anh 4

Nghệ nhân Phạm Văn Sây  tại lớp truyền dạy đánh chiêng ba và dân vũ truyền thống Hrê cho các bạn trẻ ở xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành

Giờ đây, những lo ngại về việc người trẻ quay lưng với văn hóa truyền thống của dân tộc ở nơi anh Sây sinh ra và lớn lên đã dần vơi đi. Hồn chiêng, các giá trị văn hóa truyền thống ở Ba Tơ đang dần phục hồi và phát huy có hiệu quả, một phần cũng nhờ vào sự chung tay, góp sức của những nghệ nhân như anh Sây. Với cống hiến của mình cho công tác bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của người Hrê, anh Phạm Văn Sây đã vinh dự được Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. 
Đến nay, huyện Ba Tơ có 890 gia đình có chiêng, với hơn 900 bộ chiêng ba; có 740 người biết sử dụng chiêng. Huyện Ba Tơ được Bộ VHTTDL Quyết định công nhận hai Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Nghề dệt thổ cẩm Làng Teng, xã Ba Thành và Nghệ thuật trình diễn chiêng ba của người Hrê Ba Tơ.
Theo ông Phạm Minh Đát, Phó Trưởng Phòng Quản lý Văn hóa, Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi, nghệ nhân Phạm Văn Sây luôn có niềm tự hào và đam mê với văn hóa dân tộc, tích cực truyền dạy cho thế hệ trẻ, đó là điều mà không phải người trẻ nào cũng làm được. Danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” hoàn toàn xứng đáng với những nổ lực và cống hiến của anh. Đây còn là động lực để người nghệ nhân tâm huyết này tiếp tục có những đóng góp hơn nữa trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc