Sức sống mới trên vùng căn cứ địa cách mạng Long Môn

NHƯ ĐỒNG

VHO - Thôn Làng Ren, xã Long Môn, huyện Minh Long (Quảng Ngãi) từng là khu căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Qua 50 năm sau ngày giải phóng huyện Minh Long, vùng đất năm xưa nay đã khoác lên mình “màu áo mới”. Đó là cuộc sống yên bình, sung túc của bà con đồng bào dân tộc Hrê nơi đây.

Sức sống mới trên vùng căn cứ địa cách mạng Long Môn - ảnh 1
Đầu tư điện thắp sáng dọc tuyến đường

Con đường mòn trong chiến tranh ngoằn ngoèo, lởm chởm đá trái, vắt ngang lưng chừng núi lên vùng căn cứ cách mạng Long Môn, bây giờ đã được bê tông hóa mở rộng, ô tô đến được tận nơi.

Ở Trung tâm xã, đưa tầm mắt nhìn quanh các bản làng tôi thấy những ngôi nhà ngói mới, đường, trường, trạm đã được xây dựng trên đất này, điện thắp sáng đã kéo về đến tận các núi xa.

Sức sống mới trên vùng căn cứ địa cách mạng Long Môn - ảnh 2
Đồng bào Hrê một lòng sắt son theo Đảng, dốc sức giúp bộ đội đánh đuổi quân xâm lược

Cựu chiến binh Đinh Hoát (70 tuổi), thôn Làng Ren từng là du kích địa phương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng huyện Minh Long. Ông Hoát kể, ngày xưa trong chiến tranh, nơi đây rừng núi âm u, đồng bào Hrê sinh sống theo các triền núi, chăm lo sản xuất lương thực (lúa, mì) rồi có gạo góp gạo, có mì góp mì để nuôi bộ đội chủ lực đánh giặc. Đồng bào Hrê vẫn một lòng sắt son theo Đảng, dốc sức giúp bộ đội đánh đuổi quân xâm lược. 

“Ngày đó đâu biết khoa học kỹ thuật như bây giờ, nên mùa được thì có gạo nấu, mùa mất thì lên rừng đào củ mài về ăn lót dạ. Trong chiến tranh đâu được bình yên, năm thuận trời, lúa lên xanh đồng, xanh cả đồi nương, nhưng có mấy khi đồng còn nguyên vẹn - bởi máy bay thả bom làm nát cả đồng ruộng. Những lúc vậy bà con càng khao khát đất nước hòa bình, nên quyết tâm cùng với bộ đội chiến đấu giữ đất, giữ làng”, ông Hoát chia sẻ.

Sức sống mới trên vùng căn cứ địa cách mạng Long Môn - ảnh 3
Người dân trồng keo phát triển kinh tế

Sau 50 năm sau ngày giải phóng, vùng căn cứ cách mạng năm xưa đã có nhiều đổi thay. Người dân đồng lòng kiến thiết, xây dựng cuộc sống ngày càng sung túc, yên bình. Những năm qua, huyện Minh Long đã tập trung đầu tư hạ tầng điện, đường, trường, trạm nhằm thúc đẩy sản xuất, giao lưu hàng hóa, giúp đồng bào Hrê thôn Làng Ren, xã Long Môn tiếp cận với khoa học kỹ thuật, thiết chế văn hóa, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Ông Đinh Văn Mân, thôn Làng Ren cho biết, giờ hòa bình lập lại, các già làng thường hay kể những câu chuyện thời chiến để con cháu thấy được giá trị hòa bình  hôm nay mà ra sức làm ăn. Từ trong nội lực người dân ở đây đã ý thức khai hoang trồng lúa nước, chăn nuôi, trồng rừng.

“Do đặc thù là vùng cao, núi đồi nhiều, ruộng ít, nên để tận dụng lợi thế của miền rừng, những triền núi đồng bào trồng bắp, khoai lang. Nơi sỏi đá, sườn đồi bà con đã trồng keo. Bên cạnh trồng trọt, người dân Long Môn cũng đã biết chăn nuôi gia súc, chú trọng phát triển đàn trâu, bò được nuôi nhốt chuồng. Bà con đã biết phơi rơm rạ để làm thức ăn dự trữ cho gia súc trong mùa mưa”, ông Mân nói.

Sức sống mới trên vùng căn cứ địa cách mạng Long Môn - ảnh 4
Chuyển đổi số tại di tích lịch sử địa điểm thành lập đơn vị Lực lượng vũ trang 299

Mới đây, Đoàn thanh niên huyện Minh Long đã triển khai thực hiện chuyển đổi số quét mã QR tại di tích lịch sử địa điểm thành lập đơn vị Lực lượng vũ trang 299. Đây là một trong ba đơn vị vũ trang tập trung đầu tiên của tỉnh trong kháng chiến chống Mỹ và là lực lượng tiền thân của quân giải phóng Quảng Ngãi.

Anh Đặng Thái Bình, Bí thư Huyện đoàn Minh Long cho biết: “Việc tích hợp mã QR góp phần tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống lịch sử của quê hương và thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, du lịch”.

Sức sống mới trên vùng căn cứ địa cách mạng Long Môn - ảnh 5
Tặng quà cho người dân ở thôn Làng Ren

Long Môn là xã vùng cao, khó khăn nhất của huyện Minh Long. Sau 50 năm giải phóng, xã Long Môn đã được quan tâm đầu tư về giao thông, các chính sách giảm nghèo hỗ trợ đến từng hộ gia đình, đã làm thay đổi đời sống của người dân đồng bào Hrê nơi đây. Tỉ lệ hộ nghèo của xã Long Môn giảm xuống còn 34%, thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng/người/năm. Đó là một kết quả không dễ gì có được đối với một xã vùng cao như Long Môn. 

“Xã Long Môn trước đây bà con có cuộc sống rất khó khăn, những năm gần đây nhờ chính sách của Đảng và Nhà nước như Chương trình 135, 30a, chương trình DTTS thì bà con đã được hưởng lợi, qua đó đã thay đổi về đời sống của bà con. Nay nhà cửa được đầu tư khang trang, đường được đầu tư đến thôn bản. Bà con tập trung làm ăn phát triển kinh tế, phát triển các mô hình như trồng cây ăn quả”, Chủ tịch UBND xã Long Môn Đinh Trung Hiếu cho biết. 

Những đổi thay ở vùng căn cứ cách mạng là quả ngọt của sự đoàn kết một lòng, là quá trình phấn đấu, nỗ lực của chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân nơi đây. Thế hệ hôm nay đang tiếp tục kế thừa những thành quả mà cha ông để lại, xây dựng vùng căn cứ cách mạng năm xưa thêm yên bình, sung túc.