Văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc miền núi tỉnh Quảng Ngãi và Nam Trung Bộ trong tình hình mới

NHƯ ĐỒNG

VHO – Sáng 16.8, UBND tỉnh Quảng Ngãi phối hợp Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc miền núi tỉnh Quảng Ngãi và Nam Trung Bộ trong tình hình mới.

Văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc miền núi tỉnh Quảng Ngãi và Nam Trung Bộ trong tình hình mới - ảnh 1
Chủ trì Hội thảo

GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; TS Nguyễn Đăng Vũ, Chủ tịch Hội Văn Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi và Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng đồng chủ trì Hội thảo.

Dự Hội thảo có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn; các nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú là người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc miền núi tỉnh Quảng Ngãi và Nam Trung Bộ trong tình hình mới - ảnh 2
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn cho biết, Quảng Ngãi là nơi hội tụ, cộng cư của đồng bào các dân tộc thiểu số Hrê, Co, Ca Dong, tập trung chủ yếu ở 5 huyện miền núi (Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ, Minh Long). Trong quá trình hình thành và phát triển, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã sáng tạo ra những giá trị di sản văn hóa, truyền thống, giàu bản sắc, được lưu truyền, gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Nhiều loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc miền núi được gìn giữ, bảo tồn và phát huy; các loại hình ngữ văn dân gian như: sử thi, ca dao, dân ca, tục ngữ, hò, vè, câu đố, truyện cổ tích, truyện trạng, truyện cười, truyện ngụ ngôn, hát ru; các loài hình nghệ thuật trình diễn dân gian như: âm nhạc, múa, hát, sân khấu… cùng với đó là tập quán xã hội, các lễ hội truyền thống, các nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian luôn được bảo tồn và gìn giữ giá trị.

“Một số loại hình đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: đấu Chiêng của người Co (Trà Bồng); nghề dệt thổ cẩm, đánh Chiêng Ba của người Hrê (Ba Tơ)... Với kho tàng, truyền thống văn hóa, văn nghệ đa dạng, mang đậm bản sắc, các thế hệ dân tộc tỉnh Quảng Ngãi đã góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam”, ông Tuấn chia sẻ.

Văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc miền núi tỉnh Quảng Ngãi và Nam Trung Bộ trong tình hình mới - ảnh 3
GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phát biểu

Phát biểu đề dẫn Hội thảo GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam chia sẻ, với những thay đổi nhanh chóng của đời sống chính trị, xã hội và đặc biệt là sự phát triển như vũ bão của công nghệ hiện đại, thiết nghĩ chúng ta cần lưu ý đến bảo vệ các di sản văn hóa tộc người thiểu số trong khu vực cũng như toàn quốc. Điều chúng ta đã và đang làm đó là sưu tầm, ghi chép, tư liệu hóa những giá trị, những hiện tượng văn hóa dân gian trong thời gian qua.

GS.TS Lê Hồng Lý lưu ý, bên cạnh giữ gìn, lưu giữ đối với những người nghiên cứu, thì việc sưu tầm này giúp cho bản thân mỗi tộc người thấy được giá trị của mình trước sự đa dạng văn hóa chung của toàn quốc và cao hơn là giúp cho chính họ dùng văn hóa tộc người của mình để nuôi dưỡng, vun trồng, làm phong phú đời sống tinh thần của họ và gìn giữ bản sắc văn hóa tộc người, giáo dục các thế hệ gìn giữ truyền thống của cha ông mình cũng như tìm thấy chỗ đứng riêng của họ trong vườn hoa nhiều hương sắc của văn hóa Việt Nam.

 “Điều vô cùng quan trọng hiện nay đó là làm thế nào để đem những giá trị văn hóa nói chung, văn hóa dân gian nói riêng của một tộc người phục vụ cho cuộc sống hiện tại, vừa để giáo dục thế hệ trẻ, vừa để bảo tồn bản sắc văn hóa của cha ông và quan trọng hơn nữa là để phát triển kinh tế của mỗi địa phương.

Việc giáo dục di sản có thêm một vấn đề nữa là đưa vào trường học để dạy cho lớp trẻ. Dưới nhiều hình thức khác nhau như các bài học về văn học dân gian (ca dao, tục ngữ, truyền thuyết, truyện cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười…), các trò chơi dân gian, các làn điệu dân ca, nhạc cụ truyền thống, các nghề thủ công, cách chế biến các món ăn dân gian…

Đó là cách giáo dục trực quan sinh động nhất đối với lớp trẻ, làm cho học sinh từ quen đến yêu quý trân trọng văn hóa dân tộc của mình”, GS.TS Lê Hồng Lý cho biết.

Văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc miền núi tỉnh Quảng Ngãi và Nam Trung Bộ trong tình hình mới - ảnh 4
Các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú là người đồng bào dân tộc thiểu số

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, TS Nguyễn Đăng Vũ, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ về Lễ ăn trâu nên duy trì hay loại bỏ (qua khảo sát lễ ăn trâu cuả người Ca dong ở huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi), cùng với cây nêu - một loại hình nghệ thuật tạo hình mang đặc trưng của tộc người, lễ ăn trâu Ca dong còn là dịp để trao truyền các loại hình di sản văn nghệ dân gian của tộc người.

Đó là các loại hình dân ca, dân nhạc, mà trước hết là chơi chiêng. Chiêng gắn liền với đời sống sinh hoạt văn hoá của người Ca dong, đặc biệt là sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng. Xem chiêng là nhạc cụ thiêng, nên chiêng cũng có hồn, cũng có “sự sống” riêng. Những nghi lễ nhỏ tiết gà, tiết heo lên chiêng, lễ thổi hồn chiêng, khai chiêng (garih) trong lễ ăn trâu đã minh chứng điều đó.

Đến với lễ ăn trâu, lớp trẻ còn được người lớn tuổi trao truyền các bài chiêng cổ, những bài chiêng cúng trâu bằng chiêng hanâng, còn được dạy cho nhau những bài chiêng hlênh mà nhiều người chưa biết, hoặc chưa thuộc lòng.

Và không phải chỉ trao truyền sự trân trọng đối với chiêng, diễn tấu chiêng, mà trong lễ ăn trâu, người Ca dong còn đánh thức ý thức di sản cồng chiềng cho người già và tạo cơ hội để người già trao truyền cho lớp trẻ những bài caleo, yê ô dê, ra nghế…, biết điệu múa cacheo đi ngược chiều quanh cây nêu, được nghe kể những amoan về sự hình thành tộc người, hình thành làng xóm, về sự tích núi sông, về nàng Y Dật dẹp, dịu dàng trong nhiều truyện cổ tích…; được trao truyền các loại hình nhạc cụ, như t’rưng, akhung, vrook krâu, vrook t’ru, rauốt, chinh kala…; được nghe những câu thành ngữ, tục ngữ, câu đố mà người nhiều người lớn tuổi còn ghi nhớ trong ký ức.

“Từ những ý kiến của người Ca dong trong cuộc, những băn khoăn của các cơ quan quản lý văn hoá và các cấp chính quyền, để tìm ra lời giải cho vấn đề đặt ra là loại bỏ hay duy trì lễ ăn trâu của người Ca dong lẫn các đồng tộc của họ ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên là vấn đề không hề dễ.

Nếu loại bỏ, thì chắn hẳn di sản văn hoá của tộc người sẽ mất dần, bởi trong lễ ăn trâu hội tụ dường như đầy đủ các thành tố văn hoá của tộc người", TS Vũ cho hay.

Văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc miền núi tỉnh Quảng Ngãi và Nam Trung Bộ trong tình hình mới - ảnh 5
Nghệ nhân Đinh Thanh Sơn, huyện Sơn Tây tham gia ý kiến tại Hội thảo

Hội thảo quy tụ 51 tham luận, các đại biểu tập trung vào các nhóm vấn đề: bảo tồn di sản văn hóa, văn học dân gian, tín ngưỡng – Lễ hội dân gian, âm nhạc, du lịch, ẩm thực…

Qua đó đã chỉ ra được vốn di sản văn hóa, văn nghệ dân gian khá đa dạng, phong phú và đặc sắc. Tuy nhiên, các địa phương cần có những giải pháp đồng bộ trong việc nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc để tạo sức hút mạnh mẽ với du khách, trở thành sản phẩm du lịch thế mạnh của tỉnh Quảng Ngãi và Nam Trung Bộ…