Quảng Ngãi:

Đội văn nghệ cồng chiêng của đồng bào Cor

NHƯ ĐỒNG

VHO - Đội văn nghệ cồng chiêng thôn Bắc 2, xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) là một trong những đơn vị đi đầu trong phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở địa phương. Thành viên trong đội thường xuyên biểu diễn phục vụ du khách và khán giả. Hoạt động này đã góp phần lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc Cor tới du khách.

Đội văn nghệ cồng chiêng của đồng bào Cor - ảnh 1

Nghệ nhân Hồ Văn Biên đang trò chuyện cùng du khách về văn hóa cồng chiêng của người Cor

Gìn giữ bản sắc văn hóa Cor

Từ bao đời nay, đồng bào Cor ở Trà Bồng đã ra sức gìn giữ và phát huy nghệ thuật cồng chiêng. Đây là giá trị văn hóa đặc trưng của người Cor, được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Theo nghệ nhân Hồ Văn Biên (60 tuổi), thôn Bắc 2, xã Trà Sơn giữ gìn giá trị văn hóa cồng chiêng cũng là giữ linh hồn của người Cor. Ông Biên cùng với các nghệ nhân trong huyện đã đi khắp nơi trong và ngoài nước để biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng, với niềm tự hào về di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Dáng người nhỏ con, ít nói nhưng khi đánh chiêng ông Biên khác hẳn, rất linh hoạt, thần thái khỏe khoắn. Ông Biên chia sẻ, ông học đấu chiêng từ năm lên 6 tuổi. Hằng năm, cứ đến ngày lễ, ngày Tết ngã rạ, đồng bào Cor lại diễn tấu cồng chiêng. Ấn tượng nhất là trong không gian lễ cúng trước sân nhà có dựng cây nêu đầy màu sắc. Thanh niên đánh trống, đấu chiêng phô diễn hình thể, kết hợp với những điệu múa cà đáo uyển chuyển của những cô thôn nữ người Cor. Dân làng đến xem rất đông, hò reo, cổ vũ làm huyên náo cả một vùng.

“Khi biết đánh chiêng, hễ trong làng có lễ hội ăn trâu, hay cúng giỗ, sinh hoạt vui chơi, giải trí... là tôi tham gia ngay. Nhờ biết đánh chiêng, nên năm 1983, Phòng VHTT huyện Trà Bồng mời tôi tham gia đội văn nghệ của huyện. Từ đó, tôi có cơ hội trình diễn, giao lưu, giới thiệu với khán giả về nét sinh hoạt văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình”, ông Biên nói.

Ông Biên cùng với các nghệ nhân trong huyện đã đi khắp nơi trong và ngoài nước để biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng, với niềm tự hào về di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Ông Biên kể: “Nhớ nhất là năm 2009, tôi cùng đoàn nghệ nhân dân gian tỉnh được cử đi giao lưu, biểu diễn tại đảo Jeju (Hàn Quốc). Tiết mục đấu chiêng của chúng tôi đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với người dân nước bạn. Thấy họ vỗ tay tán dương, lòng tôi vui lắm”.

Đội văn nghệ cồng chiêng của đồng bào Cor - ảnh 2

Tiết mục đấu chiêng của đồng bào Cor hấp dẫn du khách 

Trên 30 năm tham gia đội văn nghệ của huyện, ông đã nhiều lần trình diễn tiết mục tấu chiêng, đấu chiêng và đã đạt được nhiều giải thưởng như: Huy chương Bạc tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Nghĩa Bình lần thứ III - năm 1985, Huy chương Vàng tại Liên hoan Nghệ thuật “Gặp gỡ Cao Nguyên” - năm 1994 tại Gia Lai; Giải Biểu diễn nhạc cụ dân tộc xuất sắc tại Liên hoan Nghệ thuật và Trình diễn trang phục các dân tộc Việt Nam - năm 1996 tại Hà Nội...

Người trẻ góp sức quảng bá di sản

Huyện Trà Bồng đã mở các lớp học do nghệ nhân cao tuổi, người có uy tín truyền dạy các làn điệu dân ca phổ biến của dân tộc Cor như Agiới, Alát, Xàlu, Alía. Đồng thời, thực hành các bài như Tạ ơn thần linh, Gọi hồn trâu bò heo gà, Tình yêu đôi lứa... Tại đây, các bạn trẻ học và tiếp thu những làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc mình, được các nghệ nhân truyền đạt lại những hiểu biết và tâm huyết của mình, với mong muốn thế hệ trẻ sau này giữ gìn và phát huy hơn nữa các giá trị truyền thống của dân tộc, đặc biệt là các làn điệu dân ca Cor.

Đội văn nghệ cồng chiêng của đồng bào Cor - ảnh 3
Các cô gái trẻ trong trang phục đồng bào Cor

Theo nhịp cồng chiêng, cánh tay của phụ nữ Cor đưa lên rồi cả thân người nhẹ nhàng nghiêng về bên trái theo tiếng chiêng vang, sau đó lại nghiêng về bên phải theo tiếng chiêng dập. Phụ nữ Cor với đôi chân nhịp nhàng và thân hình uyển chuyển đã biểu hiện rõ sự dịu dàng và cả mạnh mẽ.

Chị Hồ Thị Mẩn (33 tuổi), đội văn nghệ cồng chiêng thôn Bắc 2 vừa múa cà đáo phục vụ du khách, vui vẻ nói: “Tôi rất vui khi được tham gia đội văn nghệ này, ở đây chúng tôi được cùng nhau hát những bài hát mà mình yêu thích. Nội dung các bài hát đối thường ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, lao động sản xuất và tình yêu đôi lứa. Hầu như người phụ nữ Cor nào cũng biết múa cà đáo, cầu mong được nhận những gì tốt đẹp từ thiên nhiên, núi rừng đại ngàn”.

Anh Hồ Văn Huy chia sẻ: “Với lòng nhiệt huyết cũng như sự cố gắng của mọi người trong đội, chúng tôi nhận được sự chào đón nồng nhiệt của du khách khi biểu diễn. Đó là niềm vui, là động lực cho chúng tôi tiếp tục cố gắn”.

Để giữ gìn giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, nghệ nhân Biên cùng với các nghệ nhân ở địa phương ra sức truyền dạy nghệ thuật cồng chiêng cho lớp trẻ. Nhờ thế mà nam, nữ thanh niên ở thôn Bắc 2, xã Trà Sơn ai cũng biết đánh chiêng, múa cà đáo và nơi đây được chọn là “hạt nhân” của nghệ thuật văn hóa cồng chiêng đồng bào Cor.

Đội văn nghệ cồng chiêng của đồng bào Cor - ảnh 4

Đội văn nghệ cồng chiêng thôn Bắc 2, xã Trà Sơn

Ông Hồ Thanh Sơn, Phó Trưởng phòng VHTT huyện Trà Bồng cho biết: “Đội văn nghệ cồng chiêng thôn Bắc 2, xã Trà Sơn thường xuyên biểu diễn vào những ngày lễ, Tết cùng với CLB, đội văn nghệ ở huyện thường xuyên tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương tới nhân dân dưới hình thức sân khấu hóa. Ngoài ra, tham dự các sự kiện trong và ngoài tỉnh tổ chức, nhằm quảng bá hình ảnh về văn hoá truyền thống dân tộc và con người Trà Bồng. Qua đó, giá trị văn hóa truyền thống dân tộc đã được nhiều người biết đến và đã trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương”.