Làng Chăm Châu Phong làm du lịch

PHƯƠNG NGHI

VHO - Xã Châu Phong (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang cũ, nay là xã Châu Phong, tỉnh An Giang mới) có đông đồng bào dân tộc Chăm sinh sống và phát triển, gắn với đó là nhiều nghề truyền thống tồn tại rất lâu đời. Với những giá trị văn hóa độc đáo, các làng Chăm đang thu hút sự quan tâm của du khách gần xa, nhất là khách du lịch nước ngoài đến khám phá.

 Làng Chăm Châu Phong làm du lịch - ảnh 1
Tổ hợp tác du lịch cộng đồng làng Chăm Châu Phong nỗ lực bảo tồn và phát huy nghề dệt truyền thống của dân tộc

 Từ khi nghề dệt thổ cẩm đồng bào Chăm xã Châu Phong (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang cũ) được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tour du lịch làng Chăm, tìm hiểu đời sống văn hóa cộng đồng, thưởng thức ẩm thực và thăm cơ sở dệt thổ cẩm đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc của các công ty lữ hành trong và ngoài nước.

Để nghề dệt thổ cẩm đồng bào Chăm vươn xa, cuối năm 2024, Tổ hợp tác du lịch cộng đồng làng Chăm Châu Phong được thành lập với 12 thành viên, mục đích khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, tạo ra sản phẩm du lịch đa dạng, tăng thu nhập cho cộng đồng; bảo tồn, phát huy văn hóa Chăm và tăng cường tính liên kết cộng đồng. Những lợi ích mà tổ hợp tác mang lại đó là du khách sẽ có cơ hội trải nghiệm một loại hình du lịch mới lạ, độc đáo, khám phá văn hóa và con người ở làng Chăm một cách sâu sắc hơn.

Ông Mohamad (Chủ cơ sở dệt thổ cẩm Chăm xã Châu Phong) làm tổ trưởng, các thành viên là mỗi hộ gia đình đều gắn với một sản phẩm để phục vụ du khách khi đến tham quan, du lịch làng Chăm như hộ ông Vách Gia (chuyên chế biến món ăn cà ri bò); hộ ông Hứa Hoàng Vũ (chuyên chế biến lạp xưởng bò)…

Ông Mohamad cho biết: “Với nét độc đáo này, những năm qua, làng Chăm xã Châu Phong đón hàng chục ngàn lượt du khách trong nước và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm, mua sắm sản phẩm. Đồng thởi tăng cường sự gắn kết, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, phục vụ phát triển du lịch. Đối với địa phương, hoạt động này nhằm góp phần phát triển du lịch bền vững, tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút du khách đến với An Giang”.

Thời gian qua, mỗi lần có khách đến làng Chăm, Hứa Thị Rokyah con gái ông Hứa Hoàng Vũ, chuyên chế biến lạp xưởng bò ở ấp Phũm Xoài luôn đồng hành suốt chương trình, vừa hướng dẫn du khách trải nghiệm, thưởng thức lạp xưởng bò, vừa giới thiệu về lịch sử hình thành món ăn gắn với tập quán sinh hoạt, văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm.

Thông qua hình thức phát triển du lịch cộng đồng, không chỉ góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, mà còn giúp đồng bào dân tộc Chăm có thêm được nguồn thu nhập từ việc giới thiệu, bán những sản phẩm.

Thông qua hình thức phát triển du lịch cộng đồng, không chỉ góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, mà còn giúp người dân ở địa phương có thêm được nguồn thu nhập từ việc giới thiệu, bán những sản phẩm. Chị Saphynah (con gái út của nghệ nhân Mohamad, cơ sở dệt thổ cẩm Chăm Châu Phong) sau nhiều năm đi du học và làm việc ở nước ngoài, quyết định quay về quê hương, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống cùng gia đình.

Chị Saphynah cho biết: “Sau những lần về thăm nhà, được gặp gỡ, trao đổi, giới thiệu những sản phẩm truyền thống cho bạn bè, du khách trong và ngoài nước đã khiến tôi có suy nghĩ khác. Từ đây, tinh thần trách nhiệm tiếp nối nghề của ông cha, góp công sức cùng với cộng đồng gìn giữ nghề truyền thống đã không ngừng thôi thúc tôi. Hiện tại, gia đình bố trí khung dệt ngay tại cơ sở, sẵn sàng trình diễn hoặc cho du khách trải nghiệm, tham quan các công đoạn hoàn thành một sản phẩm khăn rằn, thổ cẩm...Đặc biệt là khách nước ngoài rất trân quý những sản phẩm được làm thủ công của làng nghề”.

Khi đến với làng Chăm Châu Phong, du khách sẽ trải nghiệm các làng nghề lâu đời, thưởng thức các món ăn truyền thống. Bà Trần Thị Hòa Bình, nguyên Phó Chủ tịch UBND thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang cũ cho biết: “Tổ hợp tác du lịch cộng đồng làng Chăm là mô hình mới, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế bền vững cho cộng đồng Chăm nơi đây. Là địa phương thụ hưởng dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, với việc thành lập Tổ hợp tác du lịch cộng đồng làng Chăm Châu Phong, du khách sẽ được tham quan, trải nghiệm, mua sắm những sản phẩm chất lượng, tìm hiểu khái quát, đầy đủ hơn về văn hóa truyền thống của dân tộc Chăm An Giang. Hy vọng, với sự chung tay trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống, nghề dệt thổ cẩm sẽ phát triển, để bà con có cuộc sống sung túc hơn”.

Với sự quan tâm của các cơ quan chuyên môn, cùng sự hỗ trợ của địa phương, loại hình du lịch cộng đồng Chăm sẽ có nhiều bước tiến. Trong đó, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Chăm ở xã Châu Phong đã trở thành điểm đến quen thuộc của du khách thập phương.