An Giang phát triển du lịch gắn với văn hóa dân tộc thiểu số

PHƯƠNG NGHI

VHO - Thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, thời gian qua tỉnh An Giang đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm chung tay bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Khmer.

 An Giang phát triển du lịch gắn với văn hóa dân tộc thiểu số - ảnh 1
Du khách tham quan trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm Châu Giang của ông Mohamad của làng Chăm xã Châu Phong

 Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống

An Giang hiện có 8 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trong đó có 6 di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc thiểu số Khmer và Chăm. Mới đây, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với Hội Đua bò Bảy Núi; tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer. Ngoài ra, trong cộng đồng dân tộc thiểu số có 3 di tích được xếp hạng cấp quốc gia là Di tích chùa Ông Bắc (TP Long Xuyên) của dân tộc Hoa, thánh đường Hồi giáo Mubarak (thị xã Tân Châu) của dân tộc Chăm, chùa Svayton (huyện Tri Tôn) của dân tộc Khmer. Tỉnh còn có 2 di tích cấp tỉnh (chùa Snaydonkum (xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn) và chùa Svay Ta Hon (xã An Tức, huyện Tri Tôn) của dân tộc Khmer.

Theo Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang Chau Anne, thời gian qua, ngoài các lễ hội truyền thống được tổ chức trong cộng đồng, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh còn tổ chức nhiều ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch để tôn vinh bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều nghệ nhân, nhà sư được tạo điều kiện và hỗ trợ nguồn lực để truyền dạy đàn ngũ âm, dạy chữ viết, đàn Chà Pay, dệt thổ cẩm, làm gốm, múa Dù Kê… cho thế hệ trẻ.

“Các di tích lịch sử văn hóa được quản lý, hướng dẫn trùng tu, tôn tạo, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống. Qua đó, góp phần giữ gìn bản sắc, kiến trúc nghệ thuật, nét văn hóa truyền thống của cộng đồng. Đồng thời, đưa dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số vào du lịch để duy trì và bảo tồn các giá trị văn hóa của các dân tộc; đa dạng hóa các hoạt động trong khai thác du lịch tại địa phương, nhằm nâng cao chất lượng của các hoạt động du lịch; huy động sự tham gia của cộng đồng và mọi nguồn lực xã hội đầu tư và bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số”, ông Chau Anne cho biết thêm.

“Giữ lửa” nghề gắn với phát triển du lịch

Ông Mohamad (chủ cơ sở dệt thổ cẩm Châu Giang của làng Chăm xã Châu Phong, thị xã Tân Châu) cho biết, ông là đời thứ 3 “giữ lửa” nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Chăm, bằng việc đa dạng sản phẩm, kết hợp đưa khách tham quan trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình. Gần đây nhất, ông được bầu giữ chức Tổ trưởng Tổ du lịch cộng đồng làng Chăm với 12 thành viên.

Ông Mohamad nói: “Mỗi thành viên có 1 sản phẩm phục vụ khách du lịch như hộ ông Hứa Hoàng Vũ chuyên chế biến lạp xưởng bò; hộ ông Vách Gia chuyên chế biến món cà - ri bò… hoạt động của Tổ hợp tác nhằm góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa Chăm, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, tạo ra sản phẩm du lịch đa dạng, tăng tính liên kết cộng đồng. Chúng tôi mong muốn mang lại cho du khách cơ hội trải nghiệm loại hình du lịch mới lạ, độc đáo ở làng Chăm Châu Phong”.

Hiện An Giang có 23 xã đồng bào dân tộc thiểu số được xây dựng nhà văn hóa (hoặc trung tâm văn hóa và học tập cộng đồng, điểm sinh hoạt văn hóa). Xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn có đội văn nghệ gia đình, chủ yếu ca múa, Dù Kê; chùa Ô Lâm, xã An Phú, thị xã Tịnh Biên thành lập đội văn nghệ ngũ âm. Câu lạc bộ văn hóa dân gian trình diễn Dù Kê của đồng bào Khmer được thành lập tại xã Ô Lâm, với 24 nghệ nhân. Tỉnh hỗ trợ cấp trang thiết bị cho 2 nhà văn hóa, 7 đội văn nghệ truyền thống; tổ chức thi đấu đua bò thể thao truyền thống cấp tỉnh của đồng bào Khmer tại huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên...

Trong giai đoạn 2023-2026, tỉnh phấn đấu sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê hằng năm để lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về văn học dân gian các dân tộc thiểu trên địa bàn; sưu tầm, số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu số lĩnh vực này, góp phần lưu trữ, nghiên cứu, tổ chức xuất bản, phát huy, truyền dạy. Tỉnh phấn đấu 20% tác phẩm (có nguy cơ mai một) được bảo tồn, tư liệu hóa; 50% tác giả, nghệ nhân thuộc lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể nói chung, văn học dân gian của các dân tộc thiểu số nói riêng được hưởng chính sách hỗ trợ trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị; 40% trường dân tộc nội trú và các cấp trường tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số đưa văn học dân gian vào sinh hoạt ngoại khóa, ngày hội, giao lưu, liên hoan cho học sinh. Ngoài ra, phấn đấu hình thành 1 - 2 câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian vùng dân tộc thiểu số để thực hành, biểu diễn và trao truyền thể loại văn học dân gian.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, những năm qua, tỉnh quan tâm tổ chức sự kiện Văn hóa, thể thao và du lịch gắn với phát huy giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, nâng cao về chất lượng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của cộng đồng. “Thời gian tới, tỉnh tập trung phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn miền núi, hướng phát triển du lịch nội địa gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số. Đây là một trong những điểm rất thuận lợi để địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả Dự án 6”, ông Phước chia sẻ.

Từ các nội dung được đầu tư có thể thấy, nguồn lực mà tỉnh An Giang đưa về các phum sóc để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa Khmer mang tính toàn diện, có chiều sâu. Với đồng bào Khmer, sự hỗ trợ này có ý nghĩa to lớn, mang kỳ vọng sẽ giúp văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer được gìn giữ bền vững và ngày càng lan tỏa sức sống.