Phụ nữ Khmer vươn lên nhờ sáng tạo và hỗ trợ cộng đồng

PHƯƠNG NGHI

VHO - Thời gian qua, với sự quyết tâm, sáng tạo của bản thân cùng sự đồng hành, tiếp sức của Hội Phụ nữ các cấp, nhiều phụ nữ Khmer ở Trà Vinh đã vươn lên làm giàu chính đáng và khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong xã hội.

 Phụ nữ Khmer vươn lên nhờ sáng tạo và hỗ trợ cộng đồng - ảnh 1
Chị Thạch Thị Tím (bên phải) phơi các loại khô đặc trưng quê biển Định An

 Thực hiện Quyết định số 1898/ QĐ-TTg ngày 28.11.2017 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2018-2025”, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức 23 cuộc tuyên truyền với sự tham gia của 2.290 người; 12 cuộc tọa đàm với 920 người dự và triển khai 8 mô hình điểm tại các xã vùng DTTS. Riêng Hội Phụ nữ tỉnh Trà Vinh, trong thời gian qua, đã thực hiện rất tốt Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về Phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Câu chuyện khởi nghiệp của phụ nữ Khmer

Với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm cùng với sự quan tâm và hỗ trợ của chính quyền địa phương và Hội Phụ nữ các cấp, nhiều hội viên phụ nữ Khmer ở Trà Vinh đã biết phát huy tài nguyên bản địa, vượt qua khó khăn, vươn lên khởi nghiệp thành công, viết nên những câu chuyện đầy nghị lực và tâm huyết, truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ khác.

Chứng kiến cảnh người dân Khmer quanh năm chỉ sống dựa vào vài công dừa mà không có việc làm ổn định, chị Thạch Thị Chal Thi ở ấp Cây Hẹ, xã Phú Cần (huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) luôn trăn trở với khát vọng tăng giá trị cho cây dừa, phát huy và nâng cao giá trị nguồn tài nguyên bản địa, đồng thời tạo công ăn việc làm giúp bà con thoát nghèo.

Chị đã dày công tìm tòi, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm từ mật hoa dừa. Quyết tâm là vậy, nhưng để làm được là một hành trình dài với không ít lần “thất bại, làm lại”. Đến nay, Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm) của chị đã có các sản phẩm như mật hoa dừa cô đặc, mật hoa dừa tươi, hạt cacao mật hoa dừa, đường hoa dừa, mứt dứa mật hoa dừa, nước tương từ mật dừa… đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Sản phẩm đã góp phần nâng cao giá trị kinh tế của cây dừa ở vùng quê nghèo và bảo tồn ngành nghề truyền thống của người Khmer Trà Vinh.

Với thành tích đạt được, chị Thạch Thị Chal Thi đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Bằng khen và giải thưởng Lương Định Của lần thứ 16; là một trong 6 cá nhân tiêu biểu được vinh danh tại “Vinh quang Việt Nam” năm 2022. Chị chia sẻ: “Định hướng của Sokfarm là xây dựng một doanh nghiệp cộng đồng, một sản phẩm vùng miền gắn liền với văn hóa Khmer Trà Vinh, đưa khoa học và chế biến vào sản phẩm nông nghiệp để nâng cao tính chủ động, tạo ra giá trị kinh tế phù hợp với xu thế tiêu dùng”.

Cũng trong câu chuyện khởi nghiệp của phụ nữ Khmer, chị Thạch Thị Tím ở xã Định An (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) đã tận dụng lợi thế và tiềm năng nguồn tài nguyên thủy hải sản phong phú của địa phương để chọn sản phẩm mắm cá làm hướng khởi nghiệp. Chị phát triển mô hình mắm cá mề gà và các loại mắm chao, mắm ruốc đặc biệt mang thương hiệu Trà Cú. Ngoài ra, chị còn sản xuất nhiều loại cá khô đặc trưng của biển Định An, mỗi tháng cơ sở của chị cung cấp cho thị trường hơn 1 tấn cá khô và mực đủ loại, với các sản phẩm chủ lực như cá đù một nắng, cá lưỡi trâu, cá dứa, cá đuối...

Khẳng định vị trí của phụ nữ trong xã hội

Tiếp sức và đồng hành cùng phụ nữ DTTS, các cấp Hội Phụ nữ đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ chị em phát huy nội lực, thay đổi nếp nghĩ và cách làm, chuyển đổi sản xuất, phát triển kinh tế, khởi nghiệp; tổ chức đào tạo nghề, hỗ trợ vốn vay, thành lập và duy trì các tổ liên kết, tổ hợp tác; nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, đăng ký sở hữu trí tuệ, đặc biệt đối với các sản phẩm chủ lực và đặc sản của địa phương.

Chị Huỳnh Thị Hằng Nga, Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Trà Vinh cho biết: Từ năm 2017 đến nay, Hội Phụ nữ tỉnh đã hỗ trợ hơn 52 tỉ đồng cho hơn 1.600 phụ nữ kinh doanh và khởi nghiệp. Đặc biệt, Hội đã tổ chức nhiều chuyến tham quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm thực hiện mô hình phụ nữ khởi nghiệp tại một số tỉnh trong khu vực.

“Hội tiếp tục chỉ đạo các cấp hội thực hiện tốt các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, đặc biệt là các mô hình có hiệu quả; tiếp tục phối hợp với các sở, ngành hỗ trợ kết nối chuỗi cung ứng sản phẩm tiềm năng của địa phương, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nữ mở rộng thị trường, khẳng định vai trò và vị thế của phụ nữ trong tiến trình phát triển kinh tế”, chị Nga cho hay.

Các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình của Hội Phụ nữ các cấp đã thành công bước đầu, tạo điều kiện cho phụ nữ thích ứng với yêu cầu phát triển kinh tế trong giai đoạn mới, giúp chị em nâng cao thu nhập, đồng thời khẳng định vị trí của phụ nữ trong xã hội. Xác định khởi nghiệp và phát triển kinh doanh là giải pháp giúp phụ nữ tự tạo việc làm bền vững, mang lại giá trị cho bản thân và lợi ích cho xã hội, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Hội tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động chị em tham gia khởi nghiệp. Tới đây, Hội sẽ mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, giúp hội viên hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp, xây dựng các mô hình sản xuất sạch, nâng cao năng lực cạnh tranh và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc