Chăm lo “cái chữ” cho con em đồng bào Khmer

PHƯƠNG NGHI

VHO - Đã trở thành thông lệ, mỗi dịp vào hè, các điểm chùa Nam Tông ở Cà Mau lại nhộn nhịp các hoạt động dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc Khmer, thu hút đông đảo con em đồng bào theo học.

 Chăm lo “cái chữ” cho con em đồng bào Khmer - ảnh 1
Thông qua các lớp dạy chữ Khmer, các em nhỏ đã hiểu thêm về bản sắc văn hóa dân tộc mình

 Những lớp học được hình thành từ sự chung tay góp sức của nhà chùa, quý sư sãi, chính quyền, ban ngành, đoàn thể và nhân dân địa phương... Đây là hoạt động không chỉ có ý nghĩa trong việc bảo tồn ngôn ngữ, văn hóa dân tộc Khmer mà còn giúp các em nhỏ có thêm không gian sinh hoạt hè lành mạnh, bổ ích.

 Lãnh đạo Sở GD&ĐT Cà Mau thông tin, hiện các địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện tổ chức dạy và học tại các điểm chùa, salatel, điểm trường và gia đình hộ dân trong vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống. Dịp hè năm 2024, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 18 điểm dạy với 27 lớp, thu hút gần 500 bạn nhỏ theo học, tập trung nhiều ở các huyện Đầm Dơi, Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình.

Dịp hè năm nay, huyện Thới Bình cũng tổ chức 5 điểm dạy với 8 lớp và 148 học sinh là con em đồng bào dân tộc Khmer ở các xã Tân Lộc, Thới Bình, Hồ Thị Kỷ, Tân Phú đến học tập. Phó Chủ tịch xã Hồ Thị Kỷ, ông Nguyễn Việt Bắc cho biết: “Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, xã đã tổ chức được 2 điểm dạy chữ Khmer ở chùa Rạch Giồng và Trường tiểu học Hồ Thị Kỷ B. Tại điểm dạy tại chùa được các sư, Ban quản trị, Ban hoằng pháp hỗ trợ, giúp đỡ rất nhiều về cơ sở vật chất, tạo điều kiện để các em thuận lợi học tập. Điều đó cho thấy, việc học chữ Khmer trong cộng đồng ngày càng được quan tâm. Đây là hoạt động đã có từ lâu và mang ý nghĩa thiết thực, góp phần bảo tồn, phát huy ngôn ngữ, chữ viết, văn hóa Khmer, đồng thời giúp các em học sinh ở vùng nông thôn có kỳ nghỉ hè thật sự vui tươi, bổ ích”.

Khuôn viên Sala chùa Rạch Giồng rộng rãi, thoáng mát với khu tăng xávà giảng đường khang trang. Phó trụ trì chùa Rạch Giồng, Đại đức Danh Béo là người trực tiếp đứng lớp giảng dạy chữ Khmer cho biết: “Những lớp học được thầy giáo mặc áo cà sa giảng dạy đều miễn phí. Không chỉ thế, nhà chùa còn vận động các nhà hảo tâm tặng quà để động viên, khích lệ các em có hoàn cảnh khó khăn. Đây thực sự là việc làm thiết thực và ý nghĩa trong việc gìn giữ chữ viết, tiếng nói dân tộc Khmer”.

Em Hữu Thắng ở ấp Cây Khô, xã Hồ Thị Kỷ, đang theo học lớp 2 chữ Khmer cho biết: “Đây là năm thứ 2 em đến chùa học. Nhờ các sư tận tình chỉ dạy, em đã biết đọc, biết viết chữ của dân tộc mình. Nhờ đó mà em hiểu thêm nhiều điều hay, lẽ phải trong cuộc sống. Vừa học được cái chữ, em vừa nhận được những phần quà do nhà chùa trao tặng. Em rất vui và sẽ cố gắng học tập thật tốt để sau này trở thành người có ích cho gia đình và xã hội”.

Thực hiện Quyết định số 1719/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025; trong đó có Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, đã góp phần giữ gìn và bảo tồn tiếng nói, chữ viết của cộng đồng dân tộc người Khmer thông qua việc triển khai thực hiện tại địa phương.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, ông Tạ Thanh Vũ cho hay: “Ngoài việc chú trọng gìn giữ, phát triển văn hóa vùng miền, tỉnh Cà Mau cũng rất chăm lo đến việc bảo tồn ngôn ngữ Khmer. Hoạt động này ngày càng được phụ huynh và học sinh ở vùng đồng bào dân tộc đặc biệt quan tâm. Những năm gần đây, không chỉ có con em Khmer mà cả các em người Kinh, người Hoa cũng đến đăng ký học”.

Được sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh Cà Mau, sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Dân tộc, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước, Sở GD&ĐT, Phòng Dân tộc các huyện, thành phố trong việc tổ chức các lớp dạy chữ Khmer, cộng với tâm huyết của các nhà sư, giáo viên và ý thức học tập tích cực của đa phần học sinh, hoạt động giảng dạy chữ Khmer cơ bản đạt yêu cầu và đi vào nề nếp. Việc bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số đã thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, khuyến khích thế hệ trẻ thuộc đồng bào dân tộc thiểu số học tập, hiểu biết, sử dụng thành thạo tiếng nói, chữ viết dân tộc mình, từ đó góp phần, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.