Những nhà giáo nặng lòng “gieo chữ” Pali

PHƯƠNG NGHI

VHO - Việc nhà chùa tổ chức các lớp giảng dạy và bồi dưỡng chữ Khmer cho các vị tăng sinh, đồng bào, phật tử trong phum sóc đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy tiếng nói, chữ viết dân tộc…

Những nhà giáo nặng lòng “gieo chữ” Pali - ảnh 1
Thầy Huỳnh Thanh Tèo ôn lại bài cho các vị tăng sinh chuẩn bị tham gia kỳ thi tốt nghiệp Pali Rong ở chùa Sro Lôn, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng

Những lớp học chữ Pali đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy chữ viết dân tộc Khmer

Thầy Huỳnh Thanh Tèo ôn lại bài cho các vị tăng sinh chuẩn bị tham gia kỳ thi tốt nghiệp Pali Rong ở chùa Sro Lôn, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng

 Đến thăm chùa Prếk On Đơk (ấp Cần Đước, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên), chúng tôi chứng kiến hình ảnh người thầy đáng kính đang đứng trên bục giảng, tay cầm phấn viết lên những dòng chữ Pali.

Đó là thầy Lâm Lên (78 tuổi) ở ấp Prếk Chvêng (xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên). Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng hằng ngày thầy vẫn chạy xe một mình đến các điểm chùa “gieo chữ Pali” cho các vị tăng sinh.

Năm nay, ngoài dạy lớp 1, lớp 2 và lớp 3 tại chùa Prếk On Đơk, thầy còn được thỉnh giảng dạy chữ Khmer và tiếng Pali tại các điểm chùa Pôthi Satharam (phường 7, TP Sóc Trăng), Sala Pôthi (phường 2, TX Vĩnh Châu)…

Thầy Lâm Lên kể: “Sau khi về hưu theo chế độ (2004) cho đến nay, tôi được các trường, ngành, chùa Khmer mời đi giảng dạy, như Trường Bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam Bộ, Trường Đại học Trà Vinh, Trường Cao đẳng Hậu Giang…

Nhiều lúc tôi cũng nghĩđến việc từ chối không nhận đi dạy xa nữa, nhưng nghĩ đến học trò thân yêu, nhớ tiết học vui với những nụ cười rạng rỡ, tôi lại có thêm động lực tiếp tục công việc.

Niềm động viên lớn nhất của tôi là thấy học trò của mình thi tốt nghiệp Pali Roong đạt kết quả cao và tiếp tục theo học tại Trường Bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam Bộ”.

Những nhà giáo nặng lòng “gieo chữ” Pali - ảnh 2
Những lớp học chữ Pali đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy chữ viết dân tộc Khmer

Nhà sư Thạch Sây Nhật đang theo học lớp giáo lý Đệ tam niên tại chùa Sala Pôthi (phường 2, TX Vĩnh Châu). Mặc dù mới tu học được hơn 2 năm, nhưng sư đã bắt nhịp được với hình thức truyền dạy của thầy Lâm Lên.

Từ đó, trong sư đã hình thành lòng yêu quý văn hóa truyền thống và quyết tâm học hành để theo đuổi ước mơ.

Sư Thạch Sây Nhật bày tỏ: “Việc học giúp sư hiểu rõ về ngôn ngữ và lĩnh vực tôn giáo của mình. Mặt khác, sư phải cố gắng học để sự hiểu biết của mình được nâng lên hơn nữa.

Thầy Lâm Lên luôn động viên các sư cố gắng, gặp bài nào khó, thầy chỉ dẫn kỹ đến khi học trò hiểu mới dạy tiếp”.

Tại chùa Sro Lôn (hay còn gọi là chùa Chén Kiểu, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên), chúng tôi gặp thầy Huỳnh Thanh Tèo khi đang đứng trên bục giảng và trình chiếu bài lên màn hình để giải thích từ ngữ, dịch nghĩa từ tiếng Pali sang tiếng Khmer cho các vị tăng sinh.

Trò chuyện với tôi, thầy Thanh Tèo chia sẻ: “Hằng ngày tôi đến đây ôn lại bài cho các vị tăng sinh chuẩn bị tham gia kỳ thi tốt nghiệp Pali Rong, do Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng tổ chức.

Năm nay, ngoài dạy tiếng Pali lớp 3 tại chùa Sro Lôn, tôi còn được sư trụ trì của các chùa Tum Núp (xã An Ninh, huyện Châu Thành), chùa Tứk Sap (xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu), Prếk Tà Kuôl (xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên)... mời đi giảng dạy.

Niềm vui và tự hào lớn nhất của tôi là thấy các học trò thi đỗ tốt nghiệp Pali Rong và được tuyển chọn vào học Trường Bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam Bộ tại tỉnh Sóc Trăng”.

Là tăng sinh lớp cuối chuẩn bị tham gia kỳ thi tốt nghiệp Pali Rong của chùa Sro Lôn, em Thạch Khây cho biết: “Tiếng Pali rất khó, đôi lúc em học màcũng không thểnào nhớhết, nhưng được thầy Tèo tận tình chỉ dạy, dịch ngữ pháp từ tiếng Pali sang tiếng Khmer, em đã hiểu biết thêm nhiều hơn về ngôn ngữ của dân tộc mình.

Các tiết học của thầy rất vui vàchúng em nhớbài rất mau vìthầy hay cho học trò tựsuy nghĩxong phát biểu, chúng em thấy rất thoải mái khi được thầy chỉ bảo”.

Theo Đại đức Kim Hoàng Hưng, Trụ trì chùa Sro Lôn, thầy Huỳnh Thanh Tèo là một trong những nhà giáo giỏi và yêu nghề. Thầy đã gắn bó với chùa nhiều năm qua, nhờ vậy, các vị tăng sinh của chùa đều đã thi đỗ tốt nghiệp Pali Rong và được tuyển chọn vào Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ.

Tương tự, Hòa thượng Tăng Nô, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Xét về người có trình độ hiểu biết tiếng Pali và chữ Khmer, thầy Lâm Lên, thầy Huỳnh Thanh Tèo là những người dày dạn kinh nghiệm.

Khi chùa nào cần giáo viên hay Hội mời đến dạy, các thầy đều nhiệt tình nhận lời mà không quản ngại đường xa. Tấm lòng của các thầy dành cho tăng sinh thật đáng biểu dương và tôn kính”.

Với tinh thần cống hiến hết mình cho văn hóa truyền thống dân tộc, các thầy giáo dạy chữ Pali dù không có lương, nhưng ai cũng nhiệt tình không quản ngại khó khăn, gian khổ. Họ đã góp phần không nhỏ để ngôn ngữ dân tộc Khmer luôn đồng hành cùng với xu thế hội nhập và phát triển của đất nước trong thời kỳ đổi mới. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc