Giữ gìn nghề đan gùi truyền thống của đồng bào Cor
VHO - Với đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi Quảng Ngãi, gùi là một vật dụng quen thuộc gắn bó mật thiết trong cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày. Gìn giữ những chiếc gùi truyền thống không chỉ đơn thuần là gìn giữ vật dụng phục vụ sản xuất, sinh hoạt mà còn giữ “hồn” của văn hóa cộng đồng các dân tộc.
Nghệ nhân ông Hồ Văn Biên miệt mài chẻ từng cọng nan, vót từng sợi mây đan gùi
Ở thôn 2, xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi), nghệ nhân ông Hồ Văn Biên (90 tuổi), vẫn luôn khắc khoải với những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nên đã gìn giữ và trao truyền cho lớp trẻ hôm nay. Hằng ngày, ông vẫn miệt mài chẻ từng cọng nan, vót từng sợi mây đan gùi, để người dân địa phương có vật dụng sử dụng trong mùa vụ mới.
Gùi do ông Biên làm ra đơn giản, không có nhiều hoạ tiết, hoa văn phức tạp. Tuy vậy, kỹ thuật đan rất tinh xảo, có độ bền, chắc, tiện lợi để cõng quế, củi, lương thực, thực phẩm. Gùi có kích cỡ to nhất dành cho thanh niên, đàn ông. Loại vừa, nhỏ hơn dành cho các mẹ, các chị.
Ông Biên cho hay, xung quanh nơi ông ở, nhà nào có gùi đều do ông làm ra. Những ngày này, người dân đến đặt hàng liên tục. Hàng xóm tổ chức lễ ăn trâu, ông chẳng thể đến chung vui vì bận đan gùi. Mỗi chiếc gùi, ông Biên “chia vốn” khoảng 300 nghìn đồng. Tuy vậy, để làm ra một chiếc gùi là cả một quá trình kỳ công. Ông phải lặn lội vào những cánh rừng, chọn những cây mây, hồ lô, tre, nứa loại tốt nhất, vừa ý mới mang về. Mây phải có độ bền và dẻo. Tre, nứa, hồ lô phải đúng độ già, đẹp màu và chắc. Mấy năm nay, do tuổi cao, sức khỏe không đảm bảo để đi rừng, việc tìm nguyên liệu đành cậy nhờ người thân những lúc họ rảnh rỗi.
Ông kể về cách đan gùi và văn hóa của đồng bào Cor
Mỗi lần có nguyên liệu, ông dồn tâm sức trong nhiều ngày liền đan thân gùi, đế gùi và quai gùi. Qua đôi bàn tay tài hoa, những chiếc gùi được đan thoăn thoắt, cẩn thận trong từng đường mây để cho ra một sản phẩm hoàn thiện. Sản phẩm do ông làm ra giờ đây không chỉ phục vụ cho thôn, xóm mà được người dân các nơi đến đặt hàng thường xuyên. Tuy vậy, ông chỉ đan 2 chiếc mỗi tuần. Ông không đan nhiều vì muốn mỗi chiếc gùi làm ra phải là một sản phẩm tinh tế, người dân hài lòng khi sử dụng.
“Đan gùi cần nhiều thời gian, tâm huyết và sự tỉ mỉ. Đây cũng là điều tôi trăn trở nhất. Một số đàn ông trung niên, thanh niên trong thôn, họ chẳng đủ đam mê để gắn bó vì để đan được chiếc gùi mất vài ngày công. Thay vì vậy, họ đi lột vỏ quế thuê, làm phu keo có tiền, cải thiện được đời sống gia đình”, ông Biên nói.
Gùi được đồng bào miền núi Quảng Ngãi sử dụng gắn với đời sống nương rẫy
Theo Chủ tịch UBND xã Trà Thủy Hồ Văn Tự, từ thuở xa xưa, ở thời điểm mà hầu hết người Cor đều dùng đồ thủ công từ mây, tre, nứa trong sinh hoạt hằng ngày và sản xuất, hầu như nhà nào cũng biết đan gùi. Cứ rảnh rỗi, mọi người lại gọi nhau đi tìm nguồn nguyên liệu để đan. Cứ thế mà nghề đan gùi được người đi trước chỉ dạy cho người đi sau và một số bậc cao niên trong thôn, trong đó có ông Biên đã giữ gìn cho đến hôm nay.
“Ở cái tuổi gần đất xa trời, ông vẫn ngồi bên hiên nhà, cần mẫn đan từng chiếc gùi. Đôi bàn tay ấy vẫn bám víu vào những sợi mây, tre, nứa để người dân trong thôn có dụng cụ sử dụng; nhắc nhở con cháu giữ gìn vật dụng gắn liền với đời sống nương rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và người Cor nói riêng”, ông Tự cho biết.
Ông Biên sinh ra và lớn lên ở thôn 2, xã Trà Thủy, nơi được xem là “bảo tàng” văn hóa người Cor. Ngày còn nhỏ, vào mỗi dịp lễ hội, ông đều cố chen chúc vào đám đông để được nhìn rõ các già làng đi trước thực hiện các phong tục lễ cúng; đắm say theo thanh âm của tiếng cồng chiêng, lời ca, điệu múa, tiếng đàn… Cứ thế, theo thời gian mà ông được trao truyền nhiều bản sắc văn hóa đậm nét của dân tộc Cor.
Chính vì thế, không chỉ đan lát giỏi mà còn là một nghệ nhân am hiểu các nghi thức, phong tục tập quán tốt đẹp trong các lễ hội và tục lệ từ xa xưa của người Cor; biết hát Xà ru, A giới, giỏi đánh chiêng, chơi trống.
Nhà ông Biên còn lưu giữ chiêng quý của đồng bào Cor
Đặc biệt, ông Biên rất thành thạo trong việc tạo hình trên cây nêu, bộ gu của người Cor, hai đồ vật linh thiêng không thể thiếu trong lễ hội ăn trâu. Qua đôi bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của ông, chỉ trong chốc lát, những thân cây rừng nhẵn nhụi trở thành một bức tranh đầy màu sắc, phản ánh sinh động đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng của người Cor, với những biến tấu khác nhau từ đường nét đến màu sắc, vô cùng phong phú và đẹp mắt.
Ở cái tuổi xưa nay hiếm, những nghệ nhân trạc tuổi ông Biên hiểu rõ về văn hóa của người Cor dần về với nguồn cội. Vì thế, ông được xem là cây đại thụ giữa núi rừng. Khi sức khỏe không còn như thời trẻ, bằng tình yêu với văn hóa dân tộc, ông Biên có nhiều trăn trở và tự thấy mình phải có trách nhiệm gìn giữ, trao truyền lại cho thế hệ hôm nay.
“Ông dành nhiều thời gian, tâm sức để truyền dạy những vốn quý mà bản thân tích lũy được cho con, cháu ở địa phương. Thỉnh thoảng, các thế hệ trẻ lại được nghe những câu chuyện văn hóa xa xưa của người Cor từ ông. Nhờ có những nghệ nhân như ông mà dây kết nối cộng đồng ở nơi ông sinh ra và lớn lên bớt phần lơi lỏng. Đặc biệt, vào những dịp xã, huyện tổ chức các sự kiện văn hóa, ông cũng sẵn lòng để hỗ trợ”, ông Tự chia sẻ thêm.
NHƯ ĐỒNG