Kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2024):

Chuyện những người mang họ Bác Hồ

NHƯ ĐỒNG

VHO - Với đồng bào Cor ở huyện miền núi Trà Bồng (Quảng Ngãi), việc được mang họ Bác Hồ là niềm tự hào và thể hiện lòng tôn kính, biết ơn vô hạn đối với Người. Bà con nơi đây học theo lời dạy của Bác luôn bảo tồn, gìn giữ các nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình...

Chuyện những người mang họ Bác Hồ - ảnh 1
Nghệ nhân Hồ Văn Biên cẩn thận lau những hạt bụi trên tấm ảnh Bác

Ngôi nhà nhỏ của nghệ nhân Hồ Văn Biên (60 tuổi) tại thôn Bắc 2, xã Trà Sơn nằm dưới chân núi, trên ban thờ, ảnh Bác Hồ được treo ở vị trí trang trọng. Lấy khăn cẩn thận lau những hạt bụi bám trên tấm ảnh Bác, ông Biên xúc động: “Có Đảng, có Bác Hồ thì mới có độc lập, tự do, đồng bào Cor mình mới có cuộc sống đủ đầy như ngày hôm nay. Tôi treo ảnh Người để nhắc nhở con cháu phải luôn khắc ghi công ơn của Đảng, của Bác và phấn đấu để xây dựng quê hương, đất nước”.

Nói rồi ông Biên đi lấy chiếc chiêng quý ra khoe: “Gia đình tôi luôn trân trọng và xem đó là báu vật cần được bảo vệ. Tôi có 7 người con thì 3 cô con gái biết múa Cà đáo, 4 anh con trai biết chơi chiêng. Đây là những nét văn hóa của người Cor mình phải gìn giữ, truyền lại cho con cháu đời sau”.

Ông Biên nhớ lại, ngày trước không điện, đường, trường, trạm nên cái nghèo cứ đeo bám mãi. Rồi khó khăn dần qua khi đường giao thông từng bước được bê tông hóa, điện lưới quốc gia đã kéo về tận thôn, xóm, trường học cũng được xây dựng khang trang. Xã Trà Sơn đã “thay da đổi thịt” khiến người dân nơi đây cũng ngỡ ngàng. “Đời sống của bà con đã đổi thay nhiều lắm, nhờ ơn Đảng, ơn Bác Hồ cả đấy!”, ông Biên phấn khởi nói.

Giờ đây, hình ảnh Bác và những lời dạy của Bác làm cho những buổi sinh hoạt tại Nhà văn hóa thôn Bắc 2 luôn phát huy tinh thần đoàn kết, trên dưới một lòng, thống nhất, đồng thuận mọi việc. Từ việc giúp đỡ các gia đình khó khăn đến việc hiến đất làm trường học, xây dựng nông thôn mới... chỉ cần đưa ra là bà con đều nhất chí thực hiện.

Làng Trà Dòn, thôn 2, xã Trà Thủy có 116 hộ, 100% dân số là đồng bào Cor. Nhờ làm tốt công tác bảo tồn văn hóa nên hiện nay làng còn gìn giữ được 80 bộ chiêng cổ, đàn Brood và nhiều trang phục dân tộc. Công lớn nhất trong việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa Cor phải nói đến nghệ nhân Hồ Ngọc An (66 tuổi) ở thôn 2, xã Trà Thủy. Ông đã dồn sức xây dựng đại gia đình của mình trở thành cộng đồng nhỏ yêu sắc màu văn hóa dân tộc. Nghệ nhân Hồ Ngọc An có 8 người con, 3 trai và 5 gái, các con trai của ông đều tham gia đội chiêng, còn con gái và vợ ông là bà Hồ Thị Thới tham gia đội múa Cà đáo của địa phương.

Đến nay, xã Trà Thủy đã thành lập Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Cor do nghệ nhân Hồ Ngọc An làm chủ nhiệm, hiện có 30 thành viên. “Vào dịp cuối tuần, những người Cor lớn tuổi lại truyền dạy cách đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Lớp trước dạy lớp sau, cứ thế bao đời nay, người Cor gìn giữ được vẹn nguyên văn hóa của mình”, ông An nói.

Bản thân ông An là lính Cụ Hồ, hơn 20 năm tuổi Đảng, niềm tin yêu nhất mực với Chủ tịch Hồ Chí Minh khiến ông luôn là người tiên phong trong việc tuyên truyền, vận động người dân học tập và làm theo Bác để gìn giữ bản sắc văn hóa, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, góp phần làm cho quê hương thêm giàu đẹp. “Nhờ có sự lãnh đạo của Người mà đất nước mới được hòa bình, bà con được ấm no, hạnh phúc. Tôi rất tự hào khi được mang họ Hồ, mai sau con, cháu của tôi cũng sẽ mang họ Hồ, cố gắng phấn đấu, chăm chỉ học hành để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội”, ông An bày tỏ.

Chuyện những người mang họ Bác Hồ - ảnh 2
Nghệ nhân Hồ Ngọc An chia sẻ về nghệ thuật tạo hình cây nêu

Theo ông An, việc đặt tên theo họ Hồ là nét đẹp văn hóa của đồng bào Cor quê ông. Cộng đồng dân tộc Cor đã đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, dần xóa đi cái đói, cái nghèo như Người từng mong muốn. Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm đặc biệt của Ðảng và Nhà nước, bản làng quê hương ông đã được bố trí nhiều chương trình, mục tiêu quốc gia để phát triển kinh tế - xã hội.

Bí thư Huyện ủy Trà Bồng Nguyễn Văn Dũng chia sẻ, tình yêu vô vàn với Bác Hồ không chỉ được khắc ghi trong tim mỗi người dân ở huyện Trà Bồng mà còn trở thành động lực biến tình yêu, lòng biết ơn ấy thành hành động cụ thể trong việc học tập và làm theo lời Bác.

“Những năm qua, diện mạo vùng đất Trà Bồng đã đổi thay đáng kể. Bà con đã dần bỏ cách làm ăn lạc hậu, biết áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Việc gìn giữ bản sắc văn hóa rất được chú trọng, đến nay cả 13/13 xã đã thành lập Câu lạc bộ văn hóa, 17 thôn thuộc 5 xã thành lập đội văn nghệ, 20 câu lạc bộ cồng chiêng. Điều đặc biệt là các nghệ nhân đã truyền dạy cho học sinh ở các trường học trên địa bàn huyện về bản sắc riêng độc đáo của đồng bào mình…”, ông Dũng cho biết. 

 Năm ấy, khi nghe tin Bác Hồ từ trần, sáng ngày 9.9.1969, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Cor đã vượt núi, băng rừng về Chiến khu Trà Lãnh dự lễ truy điệu Bác do Huyện ủy Trà Bồng tổ chức. Mọi người lắng nghe Di chúc của Người và điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Bức tượng Hồ Chủ tịch tạc từ thân cây quế, được đồng bào trang trọng đặt lên bàn thờ để mọi tấm lòng cùng hướng về.

Tại buổi lễ, các già làng người Cor đã đề đạt nguyện vọng của đồng bào “muốn mang họ Bác Hồ” để thể hiện tấm lòng trung kiên với Ðảng, ghi nhớ công ơn và làm theo lời dạy của Bác. Khi nhận được đề nghị thiêng liêng, tha thiết của đồng bào, Trung ương Ðảng đã đồng ý cho dân tộc Cor mang họ Hồ. Từ đó đến nay, người Cor vinh dự và tự hào được mang họ của Lãnh tụ Hồ Chí Minh.