“Hành trình theo chân Bác”:
Khơi nguồn yêu nước từ những bước chân nhỏ
VHO - Một hành trình không chỉ tái hiện cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn lặng lẽ truyền lửa yêu nước cho thế hệ trẻ, qua những câu chuyện giản dị, ánh mắt hào hứng của học sinh và những tiếng cười rộn rã nơi góc bảo tàng.
Còn đó, chương trình giáo dục trải nghiệm “Hành trình theo chân Bác” do Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa tổ chức đang gieo những mầm non tri thức trong trái tim non trẻ, vun đắp tình yêu lịch sử từ những điều gần gũi và cảm động nhất.
Một lớp học không bục giảng, không sách vở

Không còn là không gian tĩnh lặng đến mức rụt rè với những tủ kính lạnh lùng và dòng chữ chú thích khô khan, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa hôm nay đã trở mình thành một không gian mở đầy sức sống, nơi lịch sử không nằm yên trong khung kính, mà bước ra đời thực, trở thành câu chuyện sống động được kể bằng cảm xúc, bằng ánh mắt say mê và sự nhập tâm trọn vẹn của người học.
Vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa, trong đó nổi bật là chương trình “Hành trình theo chân Bác”.
Chương trình được thiết kế dành cho học sinh, như một lớp học đặc biệt nơi các em không cần mang theo sách vở, mà chỉ cần một tinh thần háo hức khám phá. Trong phần đầu tiên, học sinh được đọc những cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thanh niên Nguyễn Tất Thành từ làng Sen, với khát vọng cứu dân, cứu nước mãnh liệt.
Không khí lớp học sôi động lạ thường khi các em được chia sẻ cảm nhận, đặt câu hỏi, tranh luận về “Búp sen xanh”, cuốn truyện nổi tiếng của nhà văn Sơn Tùng.
Em Nguyễn Hoàng Mạnh Dũng, học sinh lớp 8 tại Trường THCS Điện Biên (phường Hạc Thành, tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên em được học lịch sử theo cách như thế này. Em rất xúc động khi đọc về tuổi thơ và hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác. Em thấy Bác thật vĩ đại và gần gũi. Sau hôm nay, em muốn tìm đọc thêm nhiều sách về Bác nữa".
Chính những chia sẻ chân thành như thế đã chứng minh, lớp học về lịch sử, nếu biết cách tổ chức, sẽ trở thành “món ăn tinh thần” hấp dẫn. Sự tương tác trực tiếp, lồng ghép yếu tố kể chuyện, phản biện, cảm nhận giúp mỗi bài học không còn là những mốc năm khô cứng, mà trở thành câu chuyện chạm tới trái tim.
Lửa truyền từ tim đến tim
Điểm nhấn của chương trình là phần hai: Trò chơi “Chinh phục thử thách”, nơi học sinh hóa thân thành những “hướng dẫn viên nhí”, vừa học vừa chơi.
Các em sẽ vận dụng kiến thức tiếp nhận được để vượt qua loạt câu hỏi về quê hương, gia đình, hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi câu trả lời không chỉ kiểm tra kiến thức, mà còn là cơ hội để học sinh thể hiện sự tự tin, khả năng làm việc nhóm, tư duy phản biện.

Nguyễn Gia Bảo, học sinh lớp 2, vui vẻ kể lại: "Con thích nhất phần trả lời câu hỏi về hành trình Bác ra đi từ bến Nhà Rồng. Con thấy tự hào khi biết Bác đã đi rất xa, rất lâu để tìm đường cứu nước cho dân mình. Con ước sau này cũng làm được điều gì đó thật ý nghĩa như Bác".
Đặc biệt, phần trao quà cho những học sinh xuất sắc nhất diễn ra trong tiếng vỗ tay vang dội và những ánh mắt tự hào. Không chỉ các em vui, mà các thầy cô, phụ huynh chứng kiến cũng không khỏi xúc động khi thấy con em mình trưởng thành hơn sau một buổi trải nghiệm.
Chia sẻ về ý tưởng và hiệu quả của chương trình, ông Trịnh Đình Dương, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Chúng tôi mong muốn bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ hiện vật, mà còn là nơi 'kể chuyện', truyền cảm hứng. ‘Hành trình theo chân Bác’ là một trong những nỗ lực của chúng tôi nhằm lan tỏa tình yêu, lý tưởng và nhân cách Hồ Chí Minh đến thế hệ trẻ một cách sinh động, gần gũi và dễ nhớ nhất”.
Chương trình cũng nằm trong định hướng đổi mới của bảo tàng, theo chủ đề do ICOM (Hội đồng Bảo tàng Quốc tế) và Cục Di sản Văn hóa đề ra nhân Ngày Quốc tế Bảo tàng: “Tương lai của bảo tàng trong các cộng đồng thay đổi nhanh chóng”.
Trong bối cảnh ấy, việc đổi mới phương pháp giáo dục, tương tác, tạo sự gần gũi với cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, chính là chìa khóa để bảo tàng thực sự sống động và có sức sống lâu dài.

Những nụ cười tỏa nắng, ánh mắt say mê và tinh thần hào hứng từ các em nhỏ là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của phương pháp giáo dục mới, tiếp cận lịch sử bằng cảm xúc, bằng sự tương tác và trải nghiệm thực tế.
Với cách làm sáng tạo, gần gũi, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa không chỉ hoàn thành tốt vai trò là nơi bảo tồn giá trị văn hóa – lịch sử, mà còn trở thành mái nhà chung cho những trái tim yêu quê hương, đất nước.
Ở nơi ấy, lớp học không cần bảng đen, không cần phấn trắng, nhưng vẫn đủ sức gieo nên những hạt giống lý tưởng cao đẹp. Mỗi trang sử mở ra không khô khan mà đầy sức sống.
Mỗi câu chuyện về Bác không chỉ để biết, để nhớ, mà còn để thương, để học theo và làm theo. Đó mới chính là điều quý giá nhất mà “Hành trình theo chân Bác” mang lại hành trình của tri thức, tình yêu nước và nhân cách, được khơi nguồn từ những bước chân nhỏ.
Và nếu có ai hỏi, “lịch sử có thể sống dậy không?”, hãy mời họ đến một lớp học đặc biệt ở Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, nơi ánh sáng của ký ức vẫn bừng cháy trên những gương mặt trẻ thơ, nơi những bài học về Bác vẫn tiếp tục vang vọng như nhịp bước của cả một dân tộc đi theo Người.