Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá:

Nơi “chắp cánh” tình yêu văn hóa, lịch sử cho học sinh, sinh viên

NGUYỄN LINH

VHO - Việc xây dựng chương trình giáo dục, trải nghiệm tại bảo tàng nhằm tạo điều kiện để học sinh, sinh viên tiếp cận gần hơn với các giá trị lịch sử-di sản đã góp phần thiết thực vào nâng cao chất lượng dạy-học. Hiện nay Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức, duy trì được các chuỗi hoạt động giáo dục tiêu biểu, thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia.

Nơi “chắp cánh” tình yêu văn hóa, lịch sử cho học sinh, sinh viên - ảnh 1
Học sinh, sinh viên tham quan tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá

Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá là nơi trưng bày, lưu giữ và bảo quản khoảng 30.000 hiện vật, trong đó có 3 bảo vật quốc gia, nhiều hiện vật và sưu tập hiện vật quý hiếm. 

Hằng ngày, Bảo tàng đón tiếp công chúng đến tham quan với mong muốn tìm hiểu về di sản, câu chuyện lịch sử, trong đó lượng khách tham quan là giới trẻ học đường chiếm từ 60-70%.

Cùng với phục vụ khách tham quan tại các phòng trưng bày, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đã và đang tổ chức đa dạng các chương trình giáo dục và trải nghiệm thu hút hàng nghìn bạn trẻ trong và ngoài tỉnh tham gia, như “Ngày hội khám phá lịch sử”, “Học lịch sử qua hiện vật”, “Nghề làm hương truyền thống xứ Thanh”, “Hình tượng rồng trên cổ vật tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa”...

Trong năm 2024, Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá đã phối hợp với Thư viện tỉnh, một số nhà trường và nhóm khách gia đình tổ chức một số chương trình giáo dục chủ đề như: “Thanh Hóa thời tiền sử - Hành trình từ hang động xuống đồng bằng”, “Văn hóa Đông Sơn và câu chuyện trống đồng”, “Hậu phương Thanh Hóa với chiến dịch Điện Biên Phủ”, “Anh Kim Đồng - người thiếu niên dũng cảm”, “Chị Võ Thị Sáu - người nữ anh hùng trên quê hương Đất Đỏ”, “Anh hùng Nguyễn Bá Ngọc - tấm gương hy sinh quên mình cứu các em nhỏ”, “Câu chuyện về anh hùng Tô Vĩnh Diện hy sinh thân mình cứu pháo”...

Nơi “chắp cánh” tình yêu văn hóa, lịch sử cho học sinh, sinh viên - ảnh 2
Các chương trình giáo dục và trải nghiệm do Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá tổ chức đã thu hút hàng nghìn bạn trẻ trong và ngoài tỉnh tham gia

Đây là những chủ đề hấp dẫn, sự kiện và nhân vật lịch sử đã được đưa vào nội dung học tập ở các nhà trường, song khi đến với bảo tàng, học sinh được tận mắt chứng kiến hiện vật, hình ảnh và thông qua cách truyền đạt của đội ngũ thuyết minh viên đã giúp các bạn trẻ dễ cảm nhận, nắm bắt kiến thức.

Từ đó, nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên trong việc bảo tồn, gìn giữ những giá trị di sản văn hóa của đất nước.

Theo đánh giá của Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá Trịnh Định Dương, các chương trình giáo dục tại bảo tàng đã đáp ứng phần nào nhu cầu tổ chức hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, cũng như bồi dưỡng kiến thức về di sản cho học sinh của các trường trên địa bàn tỉnh.

"Nhiều trường bày tỏ sự quan tâm và thường xuyên đăng ký cho học sinh tham gia chương trình giáo dục tại bảo tàng hằng năm vào đợt hoạt động ngoại khóa của nhà trường, tạo sự gắn kết giữa bảo tàng và trường học trong việc giáo dục di sản cho học sinh", ông Dương cho biết.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Điện Biên 2 (TP Thanh Hóa) Nguyễn Thị Nghiêm cho biết, cùng với các hoạt động ngoại khóa theo chủ đề được tổ chức tại trường, chúng tôi thường xuyên tổ chức đưa học sinh các khối lớp đến tham quan, học tập tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá.

Việc giáo dục truyền thống cho học sinh thông qua các di sản văn hóa của quê hương đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đổi mới phương pháp dạy và học, gắn lý thuyết với thực tiễn của học sinh nhà trường.

Mặt khác, góp phần hình thành và hoàn thiện nhân cách, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho học sinh trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, di sản văn hóa của dân tộc .

Những tưởng thời đại công nghệ 4.0, học sinh tiếp xúc nhiều với các thiết bị công nghệ số sẽ ít hứng thú với hiện vật lịch sử, song thực tế mỗi chương trình ngoại khóa tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá đều trở nên lý thú, bổ ích đối với mỗi học sinh, sinh viên.

Học sinh Nguyễn Hoàng Mạnh Dũng, Trường THCS Điện Biên (TP Thanh Hoá) chia sẻ: “Chúng em rất hào hứng khi được tham gia các hoạt động trải nghiệm, học tập tại Bảo tàng tỉnh. Tại đây, em thích nhất khi được trực tiếp nhìn thấy các hiện vật, đặc biệt là các bảo vật quốc gia”.

Theo ông Dương, giới trẻ ngày nay, trong đó có học sinh, sinh viên đang sống trong một thế giới đầy ắp những thông tin và hình ảnh từ các phương tiện truyền thông hiện đại.

Chính vì vậy, để khơi gợi tình yêu văn hóa, lịch sử trong giới trẻ, cùng với đổi mới công tác trưng bày, cung cấp những thông tin tin cậy, sâu sắc về lịch sử, Bảo tàng tỉnh còn tổ chức đa dạng chương trình giáo dục gắn với trải nghiệm phù hợp với độ tuổi thanh, thiếu niên.

Các chương trình này không chỉ truyền tải những thông điệp, kiến thức về lịch sử, văn hóa của tỉnh Thanh Hoá nói riêng và cả nước nói chung mà còn khơi dậy sự sáng tạo, khám phá của giới trẻ.

Nơi “chắp cánh” tình yêu văn hóa, lịch sử cho học sinh, sinh viên - ảnh 3
Các em học sinh hào hứng khi được tham gia các hoạt động trải nghiệm, học tập tại Bảo tàng tỉnh

Ngoài ra, Bảo tàng tỉnh còn chú trọng tổ chức các cuộc trưng bày lưu động tại các huyện miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và các buổi gặp gỡ nhân chứng lịch sử, chuyên gia văn hóa... nhằm tạo sự hứng khởi để giới trẻ được học hỏi và giao lưu.

Với những kết quả đạt được, trong năm 2025, Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá tiếp tục đổi mới hình thức một số phòng trưng bày, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, đồng thời tổ chức 4 - 5 cuộc trưng bày chuyên đề và một số chương trình giáo dục phù hợp với đối tượng thanh, thiếu niên.

Những nỗ lực này không chỉ góp phần “Đổi mới hoạt động Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030”, mà qua đó còn góp phần bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước và ý thức về trách nhiệm bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc trong thế hệ trẻ.

Phát huy những kết quả đạt được, Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá tiếp tục tăng cường các hoạt động, chương trình giáo dục di sản văn hóa có chất lượng, hướng tới thế hệ trẻ tham quan chuyên sâu, muốn tìm hiểu, nghiên cứu về di sản văn hóa dân tộc.

Đồng thời, thực hiện tốt công tác nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày; tăng cường công tác chuyển đổi số trong các hoạt động của bảo tàng nhằm giới thiệu, trưng bày di sản văn hóa phù hợp với xu hướng phát triển trong thời gian tới.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc