Dồn sức xây dựng NTM ở miền núi Quảng Ngãi
VHO - Bước vào chặng đường “nước rút” xây dựng nông thôn mới (NTM) theo quy định giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương ở miền núi Quảng Ngãi đang dồn sức xây dựng kế hoạch, lộ trình hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt chuẩn bằng cách làm sáng tạo và bước đi phù hợp.
Khó khăn trong thực hiện các tiêu chí
Tại xã Long Mai, huyện Minh Long, tỷ lệ hộ nghèo hiện nay gần 25,5%. Đời sống người dân còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng thiết yếu điện, đường, trường, trạm vừa thiếu, vừa yếu. Nhiều tuyến đường liên thôn vẫn còn tình trạng nắng bụi, mưa bùn, nên người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Trần Văn Lịch, Chủ tịch UBND xã Long Mai cho biết, bên cạnh cơ sở hạ tầng thì cản trở lớn nhất trong xây dựng NTM của xã chính là thu nhập và mức sống thấp, cộng với tư duy của một bộ phận người dân còn hạn chế bởi suy nghĩ “xây dựng NTM là việc của Nhà nước”. Vì vậy, để thực hiện và hoàn thành 19/19 tiêu chí, xã Long Mai cần gần 55 tỉ đồng đầu tư hoàn thiện hạ tầng, phát triển sản xuất.
Xây dựng NTM đối với xã Sơn Trung, huyện Sơn Hà cũng đối diện nhiều thách thức, nhất là cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn cao (khoảng 35%), nhà tạm và dột nát nhiều (51 nhà), trong khi thu nhập quá thấp (khoảng 18,5 triệu đồng/người/năm).
Ông Đinh Sơn Hạ, Chủ tịch UBND xã Sơn Trung cho biết, các công trình thủy lợi, văn hóa bị hư hỏng, xuống cấp trong khi tiêu chí NTM yêu cầu cao. Công trình thủy lợi lâu nay chỉ tập trung phục vụ sản xuất, chứ chưa đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai. Còn 6/6 nhà văn hóa thôn cũng xuống cấp, lại chưa có trang thiết bị phục vụ nhu cầu văn hóa, thể thao cộng đồng. Chính vì vậy, nhu cầu vốn đầu tư thực hiện các tiêu chí NTM của xã Sơn Trung rất lớn và trông chờ vào ngân sách nhà nước.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Ba Tơ đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025, có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, qua rà soát thì rất khó để hoàn thành. Do đó, huyện đã điều chỉnh, đặt mục tiêu giữ vững 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới và phấn đấu đưa 3 xã Ba Liên, Ba Điền, Ba Vì về đích nông thôn mới. Nhưng khó khăn đối với các xã của huyện Ba Tơ trên tiến trình về đích nông thôn mới hiện nay là nguồn vốn đầu tư cho các tiêu chí hạ tầng.
Ông Phạm Giang Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho hay, do thu ngân sách hạn chế, chưa cân đối được thu - chi, nên huyện Ba Tơ chưa bố trí được vốn đối ứng thực hiện các dự án. Do vậy, UBND huyện đã đề nghị cấp trên quan tâm hỗ trợ kinh phí.
Nỗ lực cán đích NTM
Tuy đối diện với nhiều thách thức, nhưng xã Long Mai quyết tâm về đích NTM đúng lộ trình vào năm 2025. Thực hiện mục tiêu trên, xã Long Mai lựa chọn những tiêu chí dễ, ít kinh phí để vận động người dân làm trước, như hiến đất, góp ngày công để mở rộng nền, bê tông đường; thay đổi tập quán, thói quen sinh hoạt, canh tác gắn với dịch chuyển tư duy sản xuất kiểu “tự cung, tự cấp” sang tạo ra thu nhập...
“Song song với sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xã chú trọng thay đổi nếp sống, tư duy và trình độ sản xuất trong nhân dân qua các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, phù hợp. Cây lúa được cơ cấu các loại giống chất lượng gắn với thâm canh tốt. Cây keo chuyển từ sử dụng giống giâm hom sang cây nuôi cấy mô gắn với trồng rừng gỗ lớn. Chăn nuôi trâu chuyển từ thả rông sang nuôi nhốt vỗ béo... nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và giá trị sản phẩm, tạo sinh kế ổn định và bền vững cho người dân”, ông Trần Văn Lịch, Chủ tịch UBND xã Long Mai cho hay.
Từng là hộ khó khăn, cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau, đến nay, gia đình anh Đinh Văn Biên, ở thôn Trung Thượng, xã Long Mai đã thoát nghèo. Hơn 3 năm trước, nhờ vay vốn từ nguồn hỗ trợ giải quyết việc làm và sản xuất, kinh doanh, anh Biên đã có kinh phí đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi.
Anh Biên cho biết, tôi được hỗ trợ vay hơn 100 triệu đồng để đầu tư nuôi 30 con heo thịt, 2 con bò sinh sản và trồng hơn 1ha keo. Đến nay, riêng chăn nuôi bò và heo mỗi năm sau khi trừ hết chi phí gia đình tôi có lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng. Đây là mức thu nhập khá so với gia đình tôi trước đây, giúp tôi có chi phí nuôi con, trang trải cuộc sống tốt hơn.
Thực tế, so với tốc độ và tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh thì số xã đạt chuẩn NTM ở khu vực miền núi còn thấp. Nhưng nếu đánh giá điểm xuất phát và các yếu tố, điều kiện tự nhiên và xã hội, kết quả xây dựng NTM của 13 xã nêu trên đã có nhiều chuyển biến tích cực, khi đã đạt 13/19 tiêu chí. Nhất là ý chí phát triển kinh tế, nỗ lực thoát nghèo, chung sức xây dựng NTM của người dân ngày càng cao.
Đồng hành cùng các địa phương, tỉnh đã ưu tiên và tập trung các nguồn lực, riêng năm 2024 bố trí gần 290 tỷ đồng để tiếp sức 13 xã thực hiện và duy trì các tiêu chí NTM, đảm bảo 100% xã về đích NTM vào năm 2025. Qua đó góp phần hoàn thành chỉ tiêu trung ương giao là tối thiểu 80% số xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn NTM.
Ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Mục tiêu cao nhất của xây dựng NTM là “làm mới” diện mạo nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền núi, nông thôn và thành thị.
Vì vậy, NTM phải ngày càng đi vào chiều sâu, đảm bảo thực chất, hiệu quả và không chạy theo thành tích. Đây là chủ trương, chỉ đạo xuyên suốt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM”.