Văn hóa là động lực xây dựng nông thôn mới

VHO- Xác định văn hóa là một trong những tiêu chí then chốt, bảo đảm tính bền vững và là nền tảng, động lực thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới (XDNTM), nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm, đầu tư bằng những hoạt động thiết thực, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao chất lượng đời sống tinh thần nhân dân, đồng thời gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, tạo nên mối quan hệ gắn bó cộng đồng ở các khu dân cư trên địa bàn.

Văn hóa là động lực xây dựng nông thôn mới - Anh 1

 Nhà văn hóa thôn Hòa Triều (xã Tiến Nông, huyện Triệu Sơn) được người dân đóng góp xây dựng

 Gắn kết các phong trào

Từ khi bắt tay XDNTM đến nay, diện mạo xứ Thanh đã có nhiều thay đổi tích cực, văn minh, hiện đại. Thành quả này có sự đóng góp, thúc đẩy to lớn từ phong trào xây dựng đời sống văn hóa. Đây là giải pháp hiệu quả, tạo tiền đề để hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM ở xứ Thanh.

Cách thành phố Thanh Hóa hơn 20 km, là địa phương còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, song huyện Triệu Sơn rất quan tâm phát triển lĩnh vực văn hóa. Trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa địa phương, Triệu Sơn xác định lấy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới làm nội dung trọng tâm. Hiện tại, Triệu Sơn là một trong số ít các huyện trong tỉnh Thanh Hóa duy trì các hoạt động như: Hội thi “tiếng hát Người cao tuổi liên thế hệ”, “bé với làn điệu dân ca”, “giai điệu tuổi hồng”, cuộc thi “Học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”; tổ chức triển lãm và hội chợ sinh vật cảnh; xuất bản các ấn phẩm nghệ thuật… Quyết tâm của huyện còn được cụ thể hóa trong đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa. Xác định đây là một nội dung cần nguồn kinh phí lớn, do đó, huyện đã tiến hành quy hoạch diện tích đất xây dựng các thiết chế văn hóa xã và thôn. Vận dụng sáng tạo cơ chế, chính sách, lồng ghép hiệu quả các nguồn lực. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư, tập trung xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa. Theo đó, đối với sửa chữa nhà văn hóa huyện sẽ hỗ trợ 50 triệu đồng, xây mới là 100 triệu đồng. Đến nay, 100% xã và thôn đạt chuẩn văn hóa, 90% số gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, trong đó có 229/229 thôn có nhà văn hóa - khu thể thao đạt chuẩn; 32/32 xã có nhà văn hóa…

Ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn cho biết, trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa địa phương, huyện xác định lấy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới làm nội dung trọng tâm. Không chỉ thúc đẩy phong trào XDNTM nhanh “về đích”, văn hóa còn được xác định là động lực giúp các địa phương nâng cao chất lượng danh hiệu này. Nhờ đó, công tác chăm lo cho lĩnh vực văn hóa được thực hiện thường xuyên, rộng khắp và đạt chất lượng cao. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức thường xuyên, sôi nổi. Nhiều di tích, di sản văn hóa được quan tâm phục dựng và phát huy giá trị. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực. Những kết quả đạt được từ việc phát triển văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới tại huyện Triệu Sơn, sẽ là nền tảng vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Triệu Sơn phấn đấu xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao năm 2024.

Là một trong các thôn của huyện Triệu Sơn dẫn đầu về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, thôn Hòa Triều (xã Tiến Nông) luôn duy trì và giữ vững thành quả đã đạt được. Trong đó, “mặt trận” văn hóa được chú trọng với vai trò huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị nhằm tiếp tục đưa các tiêu chí nông thôn mới phát triển bền vững, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”. Nhờ đó, các phong trào đóng góp xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao, đường làng ngõ xóm gắn với xây dựng nông thôn mới đều được Nhân dân trong thôn bàn bạc, đồng thuận và cùng nhau thực hiện. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân trong thôn đã đồng hành cùng chính quyền xây dựng các tuyến đường, đóng góp 720 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa, mua sắm trang thiết bị, tăng âm loa đài.

Tạo dựng môi trường lành mạnh, đa màu sắc

Theo ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa, việc thực hiện tiêu chí văn hóa gắn với XDNTM đã tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đa màu sắc trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nông thôn ở Thanh Hóa. Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tập trung nguồn lực hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa từ cấp huyện, xã, thôn. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 532/559 cơ sở vật chất văn hóa, thể thao cấp xã, 4.287/4.357 thôn, bản, khu phố có Nhà Văn hóa - Khu Thể thao, việc duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở được chú trọng, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng tổ chức tại Nhà văn hóa - khu thể thao thôn, phố ngày càng sinh động, phong phú, hình thức đa dạng, hấp dẫn, thu hút người dân tham gia, từ đó nâng cao ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa tạo ra môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh cho cộng đồng dân cư.

Ông Hồng chia sẻ thêm, phong trào xây dựng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động, tác động sâu sắc đến tư tưởng, ý thức của từng gia đình và cộng đồng. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 83,7% số hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, 83,3% thôn, bản, tổ dân phố được công nhận khu dân cư văn hóa, 365/469 xã đạt tiêu chí về văn hóa, đạt tỷ lệ 77,8%.

“Chúng tôi không đặt quá nặng mức hoàn thành chỉ tiêu cụ thể giao hằng năm vào đánh giá kết quả phong trào, nên không tạo áp lực cho các địa phương phải chạy theo thành tích”, ông Hồng cho biết. Cũng theo ông Hồng, việc xây dựng tiêu chí về văn hóa trong nông thôn mới trên cơ sở hoàn thiện đồng bộ hạ tầng văn hóa, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống không chỉ đổi thay bộ mặt nông thôn mà còn nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, tạo môi trường lành mạnh để nhân lên các giá trị văn hóa truyền thống. Trong thời gian tới để tiếp tục xây dựng, duy trì tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, các địa phương trong tỉnh sẽ tiếp tục tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quan tâm bố trí nguồn lực, kinh phí để quy hoạch quỹ đất, đầu tư hoàn thiện các thiết chế trung tâm văn hóa , thể thao xã, nhà văn hóa, khu thể thao thôn, đầu tư mua sắm các trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, từng bước hoàn thiện, đồng bộ cơ sở vật chất văn hóa đặc biệt cơ sở vật chất văn hóa cấp thôn, bản… 

NGUYỄN LINH

Ý kiến bạn đọc