Trong 3 năm người dân Thanh Hóa hiến gần 1,5 triệu m2 đất xây dựng nông thôn mới

VHO – Tính riêng giai đoạn 2021-2023, người dân Thanh Hóa đã hiến gần 1,5 triệu m2 đất; di dời, phá dỡ khoảng 650 nhà ở dân cư; đóng góp tiền mặt hơn 640 tỉ đồng và 590.000 ngày công lao động… trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Trong 3 năm người dân Thanh Hóa hiến gần 1,5 triệu m2 đất xây dựng nông thôn mới - Anh 1

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích trong thực hiện CTMTQG XDNTM và phong trào hiến đất xây dựng NTM

Mới đây, Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia (BCĐ THCCTMTQG) tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 và biểu dương các điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào thi đua hiến đất chung sức XDNTM.

Theo báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện CTMTQGXDNTM năm 2023 của tỉnh Thanh Hóa, tính riêng giai đoạn 2021-2023, người dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã hiến gần 1,5 triệu m2 (trong đó, đất ở hơn 600.000 m2, đất khác gần 900.000 m2); di dời, phá dỡ khoảng 650 nhà ở dân cư (trị giá hơn 57 tỉ đồng); phá dỡ hơn 2.400 công trình tường rào, cổng nhà, sân, nhà vệ sinh..., trị giá hơn 90 tỉ đồng. Nhân dân trong tỉnh còn đóng góp tiền mặt hơn 640 tỉ đồng và hơn 590.000 ngày công lao động (trị giá khoảng 202 tỉ đồng) để xây dựng lại tường bao, công trình công cộng mới cũng như mở rộng và hiện đại hóa hệ thống giao thông nông thôn. Điển hình như: Nhân dân huyện Triệu Sơn đã hiến hơn 350.000m2; Nhân dân huyện Quảng Xương hiến hơn 111.000m2, Nhân dân huyện Đông Sơn hiến hơn 90.000m2 đất các loại. Nhiều huyện miền núi, mặc dù điều kiện khó khăn, nhưng người dân vẫn nhiệt tình tham gia hiến đất để XDNTM, như: Nhân dân huyện Thạch Thành hiến hơn 83.000m2; Nhân dân huyện Như Xuân hiến hơn 99.000m2; Nhân dân huyện Ngọc Lặc hiến gần 95.000m2...

Trong 3 năm người dân Thanh Hóa hiến gần 1,5 triệu m2 đất xây dựng nông thôn mới - Anh 2

Các tuyến đường nội thôn xã Hợp Thành (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) được mở rộng, nâng cấp từ việc vận động hiến đất của Nhân dân

“Chìa khóa” trong phong trào hiến đất xây dựng công trình công cộng, nhất là mở rộng hệ thống giao thông ở Thanh Hóa chính là thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Những công trình, phần việc liên quan đến vận động Nhân dân tự nguyện đóng góp phải được công khai, bàn bạc, thống nhất để tạo động lực, khơi dậy sức mạnh và nguồn lực trong Nhân dân. Từ đó, các ngành, đoàn thể và các địa phương triển khai nhiều phong trào liên quan như: cải tạo cảnh quan môi trường, mở rộng và trồng cây xanh, trồng hoa dọc đường làng, ngõ xóm.

Trong năm 2023 và quý I năm 2024, từ sự đồng thuận và chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, toàn tỉnh Thanh Hóa có thêm 1 đơn vị cấp huyện, 17 xã và 17 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM; 40 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 14 xã và 173 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 187 sản phẩm được công nhận OCOP. Bình quân toàn tỉnh đạt 16,85 tiêu chí/xã. Lũy kế đến nay, Thanh Hóa đã có 13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 363 xã và 717 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM; 97 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 23 xã, 480 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Gần đây, nhiệm vụ chuyển đổi số trong xây dựng NTM đã mang lại kết quả tích cực. 100% hồ sơ công việc cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã đã được xử lý trên môi trường mạng, vượt so với mốc chỉ tiêu ban đầu là năm 2025. Toàn tỉnh đã triển khai xây dựng được 23 thôn thông minh thuộc các xã NTM kiểu mẫu; có 6 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu với lĩnh vực nổi trội về chuyển đổi số.

So với các kế hoạch của tỉnh đề ra, tính riêng năm 2023, số lượng xã NTM nâng cao đạt và vượt 150% kế hoạch; số lượng sản phẩm OCOP đạt và vượt 130% kế hoạch. Thanh Hóa có số lượng xã đạt chuẩn NTM thuộc tốp đầu cả nước. Chất lượng của các xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu được nâng lên. Số lượng sản phẩm OCOP thuộc top 5 cả nước và đa dạng về chủng loại.

Mục tiêu năm 2024, toàn tỉnh Thanh Hóa phấn đấu có thêm 1 huyện, 19 xã và 60 thôn/bản miền núi đạt chuẩn NTM; 2 huyện và 19 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 10 xã và 30 thôn/bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 120 sản phẩm OCOP được cấp có thẩm quyền công nhận. 

Tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh, với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, BCĐ tỉnh, cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, chương trình xây dựng NTM của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện. Qua triển khai, đã xuất hiện hàng trăm gương điển hình tiên tiến là các tập thể, cá nhân, gia đình tự nguyện tham gia hưởng ứng tích cực, hiệu quả phong trào chung sức xây dựng NTM thông qua việc góp công, góp của, hiến đất để xây dựng NTM.

Trong 3 năm người dân Thanh Hóa hiến gần 1,5 triệu m2 đất xây dựng nông thôn mới - Anh 3

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng phát biểu tại Hội nghị

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, có mặt yếu kém trong thực hiện CTMTQGXDNTM thời gian qua. Trong đó, nền nông nghiệp phát triển chưa ổn định, phụ thuộc nhiều vào khí hậu, thời tiết, thị trường tiêu thụ; dự báo cung cầu, thị trường còn hạn chế. Chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp chưa cao; sản xuất chủ yếu vẫn là kinh tế hộ, nhỏ lẻ, chưa có nhiều mô hình sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo chuỗi giá trị; chưa có nhiều sản phẩm mới, có thương hiệu. Kết quả xây dựng NTM giữa các vùng, miền; giữa các huyện, xã vẫn còn chênh lệch khá lớn. Trong khi tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh đạt 78,06%, thì vùng đồng bằng đã đạt trên 98%, miền núi mới đạt 41,1%. Đến nay, chưa có huyện miền núi nào được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và còn huyện Mường Lát chưa có xã đạt chuẩn NTM…

Kết quả thực hiện Chương trình OCOP ở một số địa phương còn hạn chế. Công tác bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn sạch đẹp gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống chưa được triển khai thực hiện đồng bộ.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trong năm 2024, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm trách nhiệm với các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, thiết kế, thi công để chậm trễ trong triển khai dự án đầu tư.

Các cấp, các ngành cần chủ động rà soát, đánh giá lại hệ thống các cơ chế, chính sách của tỉnh còn hiệu lực để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách mới phù hợp... Không được chủ quan, thỏa mãn với kết quả đạt được, phải quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa. Khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương để đẩy mạnh xây dựng NTM gắn xây dựng “Nông nghiệp sinh thái - Nông thôn hiện đại - Nông dân thông minh”.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân và toàn thể xã hội trong thực hiện CTMTQG nói chung và xây dựng NTM nói riêng. Chú trọng việc nâng cao chất lượng các phong trào, cuộc vận động liên quan đến xây dựng NTM, đặc biệt là phong trào thi đua hiến đất XDNTM; biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân điển hình tiên tiến, có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua, cuộc vận động, đồng thời phê bình, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân thiếu quyết liệt, thiếu tinh thần trách nhiệm, để xảy ra sai phạm trong tổ chức thực hiện.

NGUYỄN LINH

Ý kiến bạn đọc