Khơi dậy nét đẹp dân ca truyền thống Mường ở Phù Yên
VHO - Sở VHTTDL Sơn La vừa bế mạc lớp tập huấn, truyền dạy dân ca của người Mường trên địa bàn huyện Phù Yên nhằm từng bước xây dựng và nhân rộng các mô hình CLB dân ca truyền thống của người Mường gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Lớp tập huấn là hoạt động thiết thực góp phần bảo tồn dân ca truyền thống, loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của người Mường tại huyện Phù Yên, đồng thời triển khai có hiệu quả Dự án 6 về "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn Sơn La.
Sau 7 ngày được các nghệ nhân am hiểu văn hóa Mường phổ biến, truyền đạt và luyện tập, gần 60 học viên người dân tộc Mường đang sinh sống tại các xã, bản trên địa bàn huyện Phù Yên đã thể hiện nhuần nhuyễn các làn điệu múa, hát dân ca Mường đặc sắc như "Đang Nếp", "Đang Ảng" và "Đang Vần Va"...
Nghệ nhân ưu tú Đinh Quang Chưởng cho biết, ông đến với Đang Mường, Ví Mường, Mo, Mợi Mường từ năm 15 tuổi. Đến nay, ông đã sưu tầm cho mình kho tàng tri thức, kỹ năng trình diễn Đang Mường trong sinh hoạt thường ngày, lao động sản xuất, phong tục tập quán và các nghi lễ truyền thống của người Mường. Bên cạnh đó, ông còn sáng tác, biên soạn hàng trăm tác phẩm biểu diễn và đoạt nhiều giải cao tại các hội thi, hội diễn trong, ngoài tỉnh.
Hiện nay, những chàng trai, cô gái Mường lớn lên ít được nghe tiếng Đang trong những dịp Tết, cưới hỏi, mừng nhà mới, tiếng Chiêng, tiếng Cồng trong bản cũng ít dần đi... Vì thế, ông rất tích cực tham gia truyền dạy biểu diễn dân ca dân tộc Mường cho các lớp tập huấn hạt nhân văn nghệ do xã, huyện, tỉnh tổ chức nhằm góp phần gìn giữ, truyền thụ và nhen nhóm tình yêu dân ca cho thế hệ trẻ Mường.
Điều ông tâm đắc nhất là được tham gia truyền dạy cho các em học sinh dân tộc Mường trên địa bàn, để từ đó giúp cho thế hệ trẻ trân trọng,gìn giữ các giá trị văn hóa quý báu của cha ông.
Ông cho biết thêm, dân ca của người Mường ở Phù Yên bình dị nhưng có sức sống mãnh liệt, phong phú về giai điệu, hàm súc về nội dung đã trở thành nét văn hóa độc đáo luôn được cộng đồng dân tộc Mường giữ gìn, phát huy trong sinh đời sống. Tuy lúc đầu còn bỡ ngỡ, nhưng qua thời gian 7 ngày truyền dạy và luyện tập, hầu hết các học viên đã nắm bắt được những làn điệu cơ bản, hát được các làn điệu dân ca thường được người Mường sử dụng trong các dịp giao lưu, biểu diễn trong các dịp Tết, lễ hội, đám cưới…
"Mong rằng các học viên khi trở về địa phương sẽ tiếp tục phát huy, duy trì việc tập luyện các làn điệu Đang Mường đã được học, bởi các làn điệu Đang Mường là một biểu tượng văn hóa đặc trưng của dân tộc Mường, là niềm tự hào và sức mạnh tinh thần của cộng đồng dân tộc Mường", Nghệ nhân Ưu tú Đinh Quang Chưởng nhấn mạnh.
Em Hà Gia Phúc (11 tuổi) học viên nhỏ tuổi nhất đến từ xã Mường Thải chia sẻ, từ nhỏ, em đã được mẹ, bà nội hát cho nghe những làn điệu Đang Mường nên rất thích học. Tham gia lớp tập huấn, em được Nghệ nhân ưu tú Đinh Quang Chưởng, nghệ nhân Đinh Thùy Thương truyền dạy các làn điệu Đang Mường. Qua 7 ngày học tập, em đã có thể múa, hát được những làn điệu cơ bản của Đang Mường như "Đang Nếp", "Đang Vần Va"...
Ước mơ của em là tìm hiểu, học tập thật nhiều phong tục, tập quán văn hóa và các làn điệu dân ca Mường từ những người am hiểu văn hóa dân tộc Mường như ông Chưởng, bà Thương để có thể nắm bắt kĩ càng các làn điệu Đang Mường của dân tộc góp phần lưu giữ, giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa Mường đến với bạn bè trên mọi miền Tổ quốc.
Chị Đinh Thị Thế đến từ xã Bắc Phong chia sẻ, khi biết có lớp truyền dạy đang Mường, chị cũng như nhiều chị em khác đã đăng ký tham gia để có cơ hội giao lưu, thổ lộ tâm tư, tình cảm qua tiếng hát mượt mà, đằm thắm của các làn điệu Đang.
Được tham gia học các làn điệu Đang Mường do Sở VHTTDL Sơn La tổ chức, chị rất tự hào, càng yêu hơn các làn điệu dân ca Mường của dân tộc mình và mong muốn được học tập, giao lưu nhiều hơn nữa để hiểu thêm vẻ đẹp của Đang Mường. Chị cũng mong muốn sau này sẽ trở thành một nghệ nhân để truyền dạy cho thế hệ trẻ Mường tại bản làng của mình. Bởi thông qua lời ca Đang Mường, mỗi người sẽ hiểu nhau hơn, trao cho nhau những gì tốt đẹp và cùng nhau xây dựng quê hương, bản làng giàu đẹp.
Việc Sở VHTTDL Sơn La tổ chức lớp tập huấn truyền dạy dân ca của người Mường trên địa bàn huyện Phù Yên, không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường, từ đó xây dựng, phát triển đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh cho đồng bào dân tộc, thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại cơ sở, mà còn góp phần thúc đẩy du lịch, kinh tế - xã hội của Phù Yên ngày càng phát triển.
Để cộng đồng Mường ở Phù Yên không chỉ bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống, mà còn tạo ra những lợi thế xây dựng môi trường văn hóa hiện đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc, từ đó, góp phần nâng cao đời sống tinh thần trong nhân dân. Thời gian tới, các cấp ngành và địa phương ở Phù Yên cần tạo điều kiện cho các chuyên gia, nghệ nhân tham gia bảo tồn, truyền dạy, giới thiệu nét đẹp văn hóa dân tộc Mường. Có chính sách đãi ngộ, tôn vinh đối với nghệ nhân tâm huyết, truyền dạy và phổ biến các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Mường nói riêng, các dân tộc trên địa bàn nói chung.