Khơi dậy giá trị nghề truyền thống của người Dao gắn với du lịch ở Hòa Bình

QUỲNH VY

VHO - Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam vừa tổ chức bế mạc chương trình Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy nghề dệt của người Dao Tiền tại xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình. Đây là hoạt động góp phần lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc Dao nói riêng, các dân tộc thiểu số nói chung gắn với phát triển du lịch.

Khơi dậy giá trị nghề truyền thống của người Dao gắn với du lịch ở Hòa Bình - ảnh 1
Chương trình góp phần khơi dậy giá trị nghề truyền thống của người Dao Tiền ở Cao Sơn gắn với phát triển du lịch. Ảnh: Thu Hằng

Ông Bàn Văn Xuân, Phó Chủ tịch xã Cao Sơn cho biết, nghề dệt thổ cẩm bao  đời nay đã gắn liền với cuộc sống người Dao Tiềnxã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình. Đng bào Dao vẫn giữ thói quen tự dệt, nhuộm vải, may trang phục truyền thống để nhắc nhở con cháu về cội nguồn dân tộc. 

Trang phục truyền thống của người Dao Tiền độc đáo về kỹ thuật nhuộm, in hoa văn và thêu bằng tay với những hoa tiết tinh xảo, mỗi họa tiết trang trí trên trang phục của người Dao Tiền đều ẩn chứa những câu chuyện dài về lịch sử cội nguồn, là những ký ức văn hóa, thể hiện nhân sinh quan của người Dao Tiền trong dòng chảy cuộc sống.

Khơi dậy giá trị nghề truyền thống của người Dao gắn với du lịch ở Hòa Bình - ảnh 2
Học viên được các nghệ nhân có kinh nghệm truyền dạy nghề dệt dân tộc Dao. Ảnh: Thu Hằng

Theo phong tục từ xưa, phụ nữ Dao Tiền trước khi lấy chồng phải biết thêu thùa, may vá để khi lớn lên có thể tự tay may váy cưới cho mình. Từ khi lên 10 tuổi, họ bắt đầu học thêu, dệt và nhuộm vải. Các bà, mẹ dạy họ từ những công đoạn đơn giản đến phức tạp.

Không chỉ là nghề thủ công truyền thống, những mảnh vải thổ cẩm được dệt bởi bàn tay khéo léo của người dân địa phương còn gửi gắm nhiều nét đẹp trong văn hóa của đồng bào nơi đây.

Khơi dậy giá trị nghề truyền thống của người Dao gắn với du lịch ở Hòa Bình - ảnh 3
Học viên báo cáo kết quả học tập tại lớp truyền dạy

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của sản phẩm công nghiệp và quá trình hội nhập, nghề dệt truyền thống của các dân tộc nói chung và dân tộc Dao Tiền nói riêng đang đứng trước nguy cơ mai một. Chất lượng, mẫu mã sản phẩm không cạnh tranh được với các sản phẩm dệt may trên thị trường. Hàng hóa làm ra khó tìm thị trường tiêu thụ, đời sống người làm nghề gặp nhiều khó khăn...

Ông Bàn Văn Xuân nhấn mạnh, việc Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam phối hợp với UBND huyện Đà Bắc, Phòng Văn hóa  và Thông tin huyện Đà Bắc và UBND xã Cao Sơn tổ chức chương trình Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy nghề dệt của người Dao Tiền tại xã Cao Sơn với sự tham gia của gần 45 học viên là người Dao Tiền đang sinh sống tại xã Cao Sơn, trong đó học viên nhiều tuổi nhất là 50 tuổi, nhỏ nhất là 12 tuổi có chung niềm đam mê với nghề dệt, thêu, in hoa văn trên trang phục truyền thống của người Dao Tiền.

Thông qua chương trình, các nghệ nhân, người có uy tín có dịp phổ biến trao truyền rộng rãi bí quyết, kỹ thuật, kinh nghiệm trong nghề thủ công truyền thống trong cộng đồng, đặc biệt là trao truyền ngh cho thế hệ trẻ.

Khơi dậy giá trị nghề truyền thống của người Dao gắn với du lịch ở Hòa Bình - ảnh 4
Bà Tô Thị Thu Trang, Giám đốc Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam trao quà lưu niệm và tặng khung cửi, nguyên liệu phục vụ truyền dạy nghề dệt của người Dao Tiền xã Cao Sơn. Ảnh: Thu Hằng

Bà Tô Thị Thu Trang, Giám đốc Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam cho biết, chương trình Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy nghề dệt của người Dao Tiền tại xã Cao Sơn là hoạt động thiết thực nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Dự án 6 về "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. 

Qua đó, thể hiện sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Dao nói riêng, các dân tộc trên địa bàn huyện Đà Bắc nói chung, là tiền đề để đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng của đa phương.

Mong rằng sau chương trình này, các nghệ nhân có kinh nghệm và có uy tín trong cộng đồng tiếp tục trao truyền, tiếp lửa cho các thể hệ trẻ, các học viên tiếp tục tập luyện để bảo tồn các giá trị di sản của dân tộc góp phần khơi dậy giá trị nghề truyền thống của người Dao Tiền ở Cao Sơn gắn với phát triển du lịch.