Người Xạ Phang ở Tủa Chùa giữ nghề làm giày thêu truyền thống
VHO - Người Hoa còn có tên gọi là Xạ Phang là một trong 19 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn Điện Biên. Đến nay, người Xạ Phang nơi đây vẫn gìn giữ, bảo lưu được nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo về phong tục tập quán, dân ca, dân vũ, trong đó có nghề làm giày thêu truyền thống.
Người Xạ Phang ở Điện Biên cư trú thành bản, theo dòng họ tại các xã Tả Sìn Thàng, Lao Xả Phình, huyện Tủa Chùa, xã Huổi Lèng, Sa Lông, huyện Mường Chà và xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ.
Với người Xạ Phang, đôi giày không chỉ để làm đẹp mà còn mang ý nghĩa tâm linh muốn gửi gắm qua sản phẩm của dân tộc mình. Từ nhiều đời nay, nghề thêu đã được trao truyền qua các thế hệ trong gia đình, cộng đồng người Xạ Phang. Ngay từ khi còn thiếu niên, các bé gái đã được các bà, các mẹ hướng dẫn, truyền dạy việc may vá, thêu thùa. Qua đó, tạo lập ý thức gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống của cộng đồng cho thế hệ trẻ, góp phần gắn kết cộng đồng, bảo tồn những tinh hoa văn hóa dân tộc.
Năm 2021, với giá trị văn hóa tiêu biểu, nghề làm giày thêu của người Xạ Phang ở Điện Biên đã được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đến nay, di sản được cộng đồng người Xạ Phang ở Điện Biên tích cực gìn giữ, bảo tồn, phát huy góp phần tác động tích cực đến việc giáo dục thế hệ trẻ, gắn kết cộng đồng, bảo tồn những tinh hoa văn hóa dân tộc.
Nghề làm giày thêu của người Xạ Phang không chỉ là truyền dạy tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, còn ẩn chứa những thông điệp nhân văn sâu sắc về lối sống tích cực, chăm chỉ, tính nhẫn nại, kiên trì của người Xạ Phang.
Giày thêu của người Xạ Phang có nhiều loại để phân biệt giới tính, độ tuổi và mục đích sử dụng hàng ngày. Điểm khác nhau giữa giày nam và giày nữ là giày nữ kín mũi, còn nam hở một phần phía trước và thân giày.
Để làm được một đôi giày, phải trải qua nhiều công đoạn chuẩn bị nguyên liệu, lựa chọn kiểu giày phù hợp với đối tượng sử dụng để cắt và khâu đế giày, tạo hình hoa văn, thêu hoa văn trên thân giày, khâu ráp thân giày, quai giày để có thể hoàn chỉnh. Việc chế tác và thêu các họa tiết hoa văn sặc sỡ, độc đáo thể hiện sự tinh tế, bàn tay khéo léo, tư duy thẩm mỹ sáng tạo của người phụ nữ Xạ Phang. Đôi giày sau khi hoàn thiện trở thành một tác phẩm nghệ thuật ẩn chứa tình cảm, tâm tư người tạo ra giày, thể hiện sự tự tin, lạc quan hướng tới niềm vui, sự may mắn.
Mới đây, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tủa Chùa đã phối hợp với UBND xã Lao Xả Phình tổ chức lớp truyền dạy nghề làm giày thêu cho 13 học viên người Hoa (Xạ Phang) là những người đam mê, có nhu cầu nắm bắt và thực hành kĩ năng làm giày thêu truyền thống của người Hoa tại xã Lao Xả Phình. Lớp truyền dạy được 2 nghệ nhân Giàng Cừ Lưu và Lừu Li Hoán là những người có kinh nghiệm, am hiểu và có khả năng truyền dạy kĩ năng làm giày thêu cho học viên.
Đây là hoạt động nhằm triển khai có hiệu quả các nội dung Dự án 6 về "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch" trên địa bàn huyện Tủa Chùa năm 2024.
Thông qua lớp truyền dạy hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nghệ nhân, người nắm giữ và thực hành văn hóa phi vật thể trao truyền cho thế hệ trẻ, là căn cứ để các cấp đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” qua đó tạo động lực để cộng đồng góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp các dân tộc nói chung, người Xạ Phang nói riêng trên địa bàn Tủa Chùa.
Lớp truyền dạy nghề làm giày thêu do Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tủa Chùa tổ chức tại xã Lao Xả Phình chính là cơ sở để đồng bào dân tộc Hoa (Xạ Phang)khơi dậy niềm tự hào, tiếp nối các thế hệ cha ông giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc mình.