Độc đáo lễ hội “Kin lẩu khẩu mẩu” của người Thái trắng ở Mường So

QUỲNH VY

VHO - Lễ hội “Kin lẩu khẩu mẩu” là một nghi lễ quan trọng gắn bó mật thiết trong đời sống nông nghiệp của người Thái trắng ở Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Đây là dịp người Thái trắng bày tỏ lòng biết ơn trời đất, thần linh đã ban cho bản làng mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ, sung túc.

Độc đáo lễ hội “Kin lẩu khẩu mẩu” của người Thái trắng ở Mường So - ảnh 1
Lễ hội “Kin lẩu khẩu mẩu” góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch" trên địa bàn Lai Châu

Lễ hội “Kin lẩu khẩu mẩu” dân tộc Thái năm 2024 được UBND xã Mường So, huyện Phong Thổ tổ chức góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp dân tộc Thái nói riêng, các dân tộc trên địa bàn nói chung nhằm giới thiệu rộng rãi đến nhân dân, du khách trong và ngoài nước.

Lễ hội  “Kin lẩu khẩu mẩu” còn được gọi là lễ tạ ơn hay lễ hội cốm mới. Đây là dịp để người dân tạ ơn thần linh, ông bà, tổ tiên đã ban cho một mùa vụ bội thu và để trai gái có cơ hội đua tài, tìm hiểu nhau, người dân trên địa bàn được giao lưu, vui chơi thoải mái và chuẩn bị cho vụ mùa sắp tới.

 Hàng năm, vào dịp rằm tháng 9 âm lịch, sau khi thu hoạch lúa mùa xong bà con người dân tộc Thái trắng ở xã Mường So huyện Phong Thổ lại nô nức tổ chức lễ hội cốm mới để tạ ơn các vị thần linh đã ban cho vụ mùa bội thu.

Độc đáo lễ hội “Kin lẩu khẩu mẩu” của người Thái trắng ở Mường So - ảnh 2
Nghi thức rước hồn lúa tại lễ hội “Kin lẩu khẩu mẩu”

 Độc đáo lễ hội “Kin lẩu khẩu mẩu” của người Thái trắng ở Mường So - ảnh 3

Lễ hội là dịp để người dân tạ ơn thần linh, ông bà, tổ tiên đã ban cho một mùa vụ bội thu, no đủ. Ảnh: Đình Cầu - Đỗ Nguyên

 Theo truyền thống, người Thái trắng ở Mường So thường lựa chọn lúa nếp non loại ngon nhất làm cốm, sản vật tinh khiết, ngon nhất của mùa vụ đem đến nhà để cúng tế trong lễ hội dâng lên trời đất, thần linh.  Lúa sử dụng làm cốm là lúa nếp thơm, nếp tan, nếp hoa... Thóc mới đem hơ lửa cho ấm rồi đem giã, tiếng chày giã càng to mới cầu vụ sau bội thu hơn. Cốm sau khi được làm sạch, mang vào nhà cúng tế cùng những lễ vật khác là nông phẩm của người dân trong vùng như bánh kẹo, gà, lợn, thóc cốm...

Độc đáo lễ hội “Kin lẩu khẩu mẩu” của người Thái trắng ở Mường So - ảnh 4
Người Thái trắng ở Mường So thường lựa chọn lúa nếp non loại ngon nhất để làm cốm

 Lễ hội được tổ chức gồm 2 phần. Phần lễ diễn ra các nghi thức rước hồn lúa, cúng hồn lúa, giã cốm cầu bình an, cúng thần linh cầu phúc và tạ ơn. Phần hội diễn ra chương trình văn nghệ, các trò chơi dân gian như kéo co, tung còn, én cáy..

 phần lễ, sau khi cúng tế xong, những người làm lễ cùng bà con vãi cốm ra xung quanh nhà cúng tế tượng trưng cho sự sung túc, no đủ, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Sau đó tất cả mọi người tham dự lễ hội ăn một chút cốm để được thần linh ban cho sự may mắn.

Sau phần lễ là đến phần hội, nhiều trò chơi dân gian như đánh cầu lông gà, ném còn, kéo co được đông đảo bà con tham gia. Những tiết mục của các đội văn nghệ quần chúng được giao lưu, chia sẻ tại lễ hội là sân chơi bổ ích cho bà con nông dân sau những ngày lao động vất vả.

 Trong lễ hội, người dân và du khách được trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa, thể thao dân gian truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Thái nơi vùng cao Tây Bắc. Không khí lễ hội là điểm nhấn thu hút sự tham gia của đông đảo người dân và du khách.

Độc đáo lễ hội “Kin lẩu khẩu mẩu” của người Thái trắng ở Mường So - ảnh 5
Độc đáo lễ hội “Kin lẩu khẩu mẩu” của người Thái trắng ở Mường So - ảnh 6
Người dân và du khách được trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa, thể thao dân gian truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Thái. Ảnh: Đình Cầu - Đỗ Nguyên

Ông Bùi Quang Lịch, Phó chủ tịch UBND xã Mường So cho biết, lễ hội “Kin lẩu khẩu mẩu” được duy trì tổ chức từ năm 2008 đến nay, giúp giữ gìn, lưu truyền bản sắc văn hóa dân tộc, những giá trị văn hóa, tâm linh cho các thế hệ mai sau. Việc phục dựng lễ hội nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu về “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch" giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn Lai Châu.

Hàng năm, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm với nhiều chính sách hỗ trợ nhằm phục dựng và lưu giữ nét văn hóa truyền thống độc đáo này. Các hoạt động của lễ hội góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp gắn với phát triển du lịch một cách hiệu quả, khơi dy tiềm năng, tài nguyên văn hóa, du lịch của địa phương, tạo điểm nhấn quảng bá hình ảnh con người Mường So đến du khách trong và ngoài nước.