Bắc Kạn:

Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Dao ở Chợ Đồn

QUỲNH VY

VHO - Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Dự án 6, Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam đã tổ chức chương trình hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy hát Páo dung và thêu trang phục truyền thống của dân tộc Dao (nhóm Dao Tiền) tại thôn Bản Ca, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.

Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Dao ở Chợ Đồn - ảnh 1
Lớp truyền dạy là hoạt động thiết thực triển khai Dự án 6 về "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Thu Hằng

Ông Bàn Văn Hiền, Phó chủ tịch UBND xã Bình Trung cho biết, xã Bình Trung có 7 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc Dao có 209 hộ 846 khẩu chiếm 24% dân số toàn xã. Người Dao Tiền nơi đây còn lưu giữ nhiều phong tục tập quán đặc sắc, nét đẹp văn hóa của dân tộc mình như lễ cấp sắc, lễ hội cầu mùa, dân ca, dân vũ, nghề truyền thống... Trong đó, hát Páo Dung và nghề thêu trang phục truyền thống là loại hình di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của người Dao. 

Hát Páo Dung ra đời và phát triển từ lao động sản xuất, từ nhu cầu đời sống tinh thần và tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc Dao. Qua đó, truyền tải tâm tư, tình cảm và ước muốn trong cuộc sống, được lưu truyền qua nhiều thế hệ và trở thành một nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người Dao trên địa bàn xã Bình Trung. 

Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Dao ở Chợ Đồn - ảnh 2
Tiết mục hát Páo Dungdo các nghệ nhân, diễn viên quần chúng biểu diễn tại lớp tập huấn. Ảnh: Thu Hằng

Năm 2020, hát Páo Dung của dân tộc Dao tỉnh Bắc Kạn đã được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như một sự tôn vinh nét văn hóa độc đáo này. 

Tuy nhiên, hiện nay đa phần lớp trẻ không mấy mặn mà với làn điệu hát Páo Dung và nghề thêu trang phục truyền thống dẫn tới nguy cơ mai một rất lớn. Điều này đặt ra cho chính quyền, ngành văn hóa và cộng đồng người Dao tỉnh Bắc Kạn và huyện Chợ Đồn những trăn trở, cần có nhiều giải pháp tích cực nhằm gìn giữ di sản văn hóa này.

Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Dao ở Chợ Đồn - ảnh 3
Người Dao Tiền hát Páo dung làn điệu giao duyên trên nương. Ảnh: Vũ Long Thăng

Bà Tô Thị Thu Trang, Giám đốc Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam cho biết, chương trình hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy hát Páo dung và thêu trang phục truyền thống của dân tộc Dao (nhóm Dao Tiền) tại xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn là hoạt động góp phần triển khai hiệu quả các nội dung Dự án 6 về "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch" theo Quyết định số 2787 /QĐ-BVHTTDL của Bộ VHTTDL giao cho Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024.

Chương trình được tổ chức tại thôn Bản Ca, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn tỉnh Bắc Kạn từ ngày 9 đến 15.10 với các nội dung nghiên cứu, khảo sát đánh giá thực trạng về loại hình di sản văn hóa phi vật thể hát Páo dung và thêu trang phục truyền thống của dân tộc Dao (nhóm Dao Tiền) làm cơ sở để đề xuất các hình thức bảo và phát huy tồn loại hình di sản này tại địa phương và tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Dao ở Chợ Đồn - ảnh 4
Các nghệ nhân truyền dạy thêu trang phục truyền thống dân tộc Dao cho các học viên tham gia lớp tập huấn. Ảnh: Thu Hằng

Cùng với đó, chương trình còn tổ chức cho các nghệ nhân dân gian, người uy tín am hiểu trao truyền những làn điệu Páo Dung và thêu trang phục truyền thống dân tộc Dao cho lớp trẻ là con em đồng bào trong thôn. Lớp truyền dạy có sự tham gia của 8 nghệ nhân và 40 học viên là người Dao Tiền đang sinh sống tại thôn Bản Ca xã Cao Sơn, trong đó học viên nhiều tuổi nhất là 40 tuổi, nhỏ nhất là 10 tuổi. 

Thông qua chương trình nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của nhà nước, xã hội và cộng đồng trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Dao tiền tỉnh Bắc Kạn nói riêng.

Từ đó, nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số  trong cộng đồng, đề cao vai trò năng lực chủ thể văn hóa của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay.

Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Dao ở Chợ Đồn - ảnh 5
Học viên được nghệ nhân hướng dẫn thực hành các bước trong quy trình làm trang phục truyền thống. Ảnh: Thu Hằng

Ông Bàn Văn Hiền cho biết thêm, thời gian qua các cơ quan chuyên môn trên địa bàn đã tập trung chỉ đạo ngành chuyên môn tham mưu hướng dẫn các đơn vị, cơ sở từng bước thực hiện tốt việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc. Đng thờitập trung các nguồn lực để phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc trên địa bàn nói chung, bản sắc văn hóa người Dao nói riêng. Trong đó, chú trọng xây dựng và tạo điều kiện cho các CLB văn hóa, nghệ ở cơ sở hoạt động góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho người dân, tích cực xây dựng đời sống văn hoá ở địa phương. 

Việc Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam triển khai chương trình cũng là hoạt động góp phần quan trọng từng bước xây dựng thành công Đề án về quản lý và phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch của huyện Chợ Đồn giai đoạn 2020 – 2025.