Người Khơ Mú ở Than Uyên giữ nghề làm trang phục truyền thống
VHO - Người Khơ Mú là dân tộc sinh sống lâu đời trên mảnh đất Lai Châu, trong đó cư trú chủ yếu tại các huyện Sìn Hồ, Mường Tè, Nậm Nhùn, Tân Uyên và Than Uyên.
Ở huyện Than Uyên người Khơ Mú sinh sống rải rác tại các bản Noong Ỏ, Noong Ma, xã Tà Hừa, bản Thẩm Phé, xã Mường Kim và bản Đốc, xã Khoen On. Tuy sống rải rác và chịu ảnh hưởng nhiều của người Thái, nhưng người Khơ Mú huyện Than Uyên vẫn lưu giữ được khá nhiều những nét văn hóa đặc trưng và tiêu biểu của dân tộc mình về phong tục, tập quán cùng nghệ thuật trình diễn dân ca, dân vũ cần được bảo tồn và phát huy.
Bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Khơ Mú còn được thể hiện qua trang phục truyền thống, nhất là trang phục của người phụ nữ.
Trang phục dân tộc của người Khơ Mú gồm khăn piêu, áo cóm đen, váy đen. Khăn Piêu của dân tộc Khơ Mú gần giống như khăn Piêu Thái, điểm khác là đầu khăn có khâu những đường viền xanh, đỏ đơn giản hơn. Áo của phụ nữ Khơ Mú là áo cóm đen, có hàng cúc bạc to hình chữ nhật, trên áo đính những đồng tiền bạc, hạt ngọc nhiều màu thể hiện mong ước giàu sang, phồn thịnh. Váy của dân tộc Khơ Mú được sử dụng bằng vải đen thường, độ dài váy ngắn ngang bắp chân để thuận tiện cho người phụ nữ làm các công việc đồng áng hằng ngày.
Do tác động của cơ chế thị trường, giao lưu kinh tế-xã hội ngày càng phát triển làm một số nét văn hoá truyền thống cũng như trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú đã và đang đứng trước nguy cơ mai một do nhiều yếu tố, từ trang phục đến các vật dụng được làm từ nghề thủ công truyền thống mất rất thời gian, qua nhiều công đoạn.
Hiện nay, trên địa bàn Than Uyên số lượng người Khơ Mú biết may trang phục truyền thống dân tộc còn khá nhiều, nhưng số lượng người trẻ biết may thì rất ít, hoặc không mặn mà với nghề truyền thống do đi học, đi làm xa hoặc không có nhu cầu nối nghề. Để tìm lại những nét đẹp riêng trong đời sống văn hóa của đồng bào Khơ Mú hiện nay là việc làm cần thiết nhằm gìn giữ, bảo tồn bản sắc của dân tộc này.
Thời gian qua, huyện Than Uyên luôn xác định, bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc là nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của địa phương. Coi đây là một trong những sản phẩm đặc trưng trong phát triển dịch vụ du lịch, trong đó huyện đã chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là khôi phục nghề truyền thống của các dân tộc.
Mới đây, Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Than Uyên đã tổ chức lớp truyền dạy kỹ thuật tạo hình trang phục Khơ Mú cho 30 học viên dân tộc Khơ Mú đang sinh sống tại xã Ta Gia và Tà Hừa nhằm gìn giữ, bảo tồn, phát huy những tinh hoa văn hóa của các dân tộc thiểu số tại huyện Than Uyên nói chung và dân tộc Khơ Mú nói riêng.
Tham gia lớp truyền dạy, các học viên được các chuyên gia, nghệ nhân am hiểu văn hóa truyền thống Khơ Mú giới thiệu tổng quan về dân tộc Khơ Mú, nét đẹp truyền thống trang phục dân tộc Khơ Mú. Được truyền dạy hướng dẫn kỹ thuật tạo hình trang phục nam, nữ người Khơ Mú.
Lớp truyền dạy là hoạt động thiết thực triển khai các nội dung Dự án 6 về "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch" trên địa bàn huyện Than Uyên với mục tiêu khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Qua đó, không chỉ khơi dậy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Khơ Mú để phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày, mà còn góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, hướng đến phát triển xây dựng thành sản phẩm du lịch ở địa phương.
Thời gian tới, huyện Than Uyên cần tiếp tục quan tâm xây dựng chính sách và hỗ trợ Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú người dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Khơ Mú nói riêng trong việc lưu truyền, phổ biến văn hóa truyền thống. Tích cực khai thác tiềm năng, lợi thế của những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy những cho thế hệ trẻ niềm tự hào và ý thức giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa quý báu của cha ông.