Đổi thay ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng Trà Bồng

NHƯ ĐỒNG - NHỊ PHƯƠNG

VHO - Những ngày này, về các địa phương ở vùng cao Quảng Ngãi mới thấy được sự vượt khó vươn lên của người dân nơi đây. Trên những nóc nhà, lá cờ đỏ sao vàng phất phới bay trong gió như là một minh chứng thể hiện niềm tin son sắt và lòng biết ơn Đảng, Bác Hồ của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền Tây Quảng Ngãi.

Đổi thay ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng Trà Bồng - ảnh 1
Vùng đất cách mạng Trà Bồng năm xưa giờ đã đổi thay từng ngày

Phát huy truyền thống cách mạng, đồng bào các dân tộc ở huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) đã đoàn kết, thi đua phát triển kinh tế, tạo nên bộ mặt miền Tây Quảng Ngãi nhiều khởi sắc. Mỗi nóc nhà, khu dân cư khoác lên mình tấm áo mới, cuộc sống của người dân ngày càng phát triển.

Đến nay, nhiều KDC mới được xây dựng đã tô điểm cho bộ mặt nông thôn vùng cao Trà Bồng. Trên những cánh đồng lúa chín vàng ươm, rừng xanh ngút ngàn, đường sá từng bước được thảm nhựa, bê tông và cứng hóa... Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã biết cách làm giàu từ đồi rừng, chăn nuôi gia súc...

Đổi thay ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng Trà Bồng - ảnh 2
Khu tái định cư Trà Khương xã Trà Lâm

Đời sống của 49 hộ dân tại khu tái định cư Trà Khương xã Trà Lâm sau hơn 5 năm tái định cư đã thực sự thay đổi. Gìa làng Hồ Nhất Hương chia sẻ, bà con chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế, thanh niên đi xuống các khu công nghiệp của tỉnh làm việc, có thu nhập ổn định, người lớn tuổi hơn thì ở nhà nuôi bò, làm ruộng, làm rẫy.

“Trẻ em được học tập ở trường ngay khu tái định cư, có nhà văn hoá thôn để bà con hội họp, bàn bạc việc chung, đường đi trong khu tái định cư cũng xây dựng bê tông bằng phẳng, bà con rất phấn khởi….”, già Hương vui vẻ nói.

Đổi thay ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng Trà Bồng - ảnh 3
Người dân phát triển sản phẩm từ quế

Gia đình anh Hồ Văn Cưu, ở thôn Kà Tinh, xã Trà Sơn là một trong những gia đình trẻ tiêu biểu trong làm ăn, phát triển kinh tế. Từ các nguồn hỗ trợ của Nhà nước, vợ chồng anh bàn bạc, cùng nhau làm kinh tế.

Năm 2023, anh được nhà nước hỗ trợ bò giống, sẵn đất vườn nhà anh mở rộng chuồng trại, nuôi heo lấy thịt, nuôi cá trê….vợ buôn bán nhỏ với quày hàng tạp hoá. Nhận thức được muốn thoát nghèo thì phải nỗ lực làm lụng, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, 2 vợ chồng đồng lòng, chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế.

“Cuộc sống đồng bào đã đổi thay, đường làng ngõ xóm sạch đẹp. Người dân Trà Sơn tự hào với truyền thống quê hương, nỗ lực làm ăn, xứng đáng với những gì cha ông đã dựng xây”, anh Cưu bày tỏ.

Trong thời gian qua, huyện Trà Bồng đã phát huy tối đa nguồn lực từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn gồm: Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Riêng Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trong 3 năm qua, đầu tư trên  224 tỷ  đồng , xây dựng 26 công trình cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng 1.847 nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo.

Nhờ đó, tỉ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Phấn đấu đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 20,19%, giảm 22,33% hộ nghèo so với năm 2019, bình quân mỗi năm giảm 5,5 % hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025).

“Rất phấn khởi, thấy quê hương đổi thay rất nhiều, nhờ Đảng, Nhà nước chăm lo cho đồng bào”, anh Hồ Minh Phương xã Trà Tây nói.

Đổi thay ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng Trà Bồng - ảnh 4
Quan tâm, chăm lo cho giáo dục

Cùng với bức tranh cuộc sống ngày một tươi sáng hơn, một sự đổi thay rất lớn trong đời sống đồng bào ở vùng cao Trà Bồng phải kể đến là trong nhận thức, chăm lo học hành, tìm kiếm con chữ để hướng về tương lai tốt đẹp.

Trong 5 năm qua, huyện Trà Bồng đã đầu tư xây dựng mới 111 phòng học, 9 nhà hiệu bộ và 49 phòng học bộ môn, nâng tổng số phòng học được xây dựng kiên cố đạt trên 71%, có 17 trường đạt chuẩn quốc gia. Chuyển đổi 5 trường thành mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú, duy trì 16 xã, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng.

Anh Hồ Văn Bảo, xã Trà Lâm cho biết: “Người dân rất quan tâm đến việc học của con em. Phụ huynh sẵn sàng tham gia các hoạt động cùng nhà trường để con em có nơi học tập tốt hơn”.

Đổi thay ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng Trà Bồng - ảnh 5
Gìn giữ bản sắc văn hóa đồng bào Cor

Bên cạnh đó, đời sống tinh thần của người dân được quan tâm, văn hoá dân tộc thiểu số được bảo tồn, gìn giữ, phát huy. Trên địa bàn hiện có 1 Câu lạc bộ bảo tồn di sản văn hoá. Hầu hết các thôn, xã đều có đội nghệ thuật cồng chiêng.

Ngoài ra, các trường học còn đưa nội dung truyền dạy văn hoá dân tộc trong học đường, góp phần nâng cao ý thức bảo tồn, giữ gìn văn hoá dân tộc trong con em đồng bào ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Các nghệ nhân người đồng bào dân tộc thiểu số tích cực truyền dạy văn hoá dân tộc cho thế hệ trẻ, lưu giữ, phát huy những giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc.

“Là người dân tộc Cor, tôi cảm thấy rất phấn khởi khi văn hoá dân tộc được quan tâm bảo tồn, phát huy”, Chị Hồ Thị Liễu xã Trà Lâm nói.

Đổi thay ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng Trà Bồng - ảnh 6
Đầu tư làm đường giao thông nông thôn

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Hồ Văn Thịnh, tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Trà Bồng tiếp tục phát huy tinh thần của ngọn lửa quật khởi, quyết tâm xây dựng và phát triển quê hương, để âm vang của tiếng chiêng, âm vang của núi rừng Trà Bồng mãi vang xa.

Những chiếc cầu nối nhịp bờ vui, những con đường bê tông rộng mở đến tận thôn xóm, những nhà văn hoá mới, trạm y tế xây dựng khang trang, mạng lưới trường học phủ khắp, đường điện thắp sáng đến từng nhà dân, nước sạch về tận nhà, … góp phần đem lại cuộc sống mới cho đồng bào dân tộc thiểu số của huyện.

“Mong rằng thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục được quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa để đồng bào các dân tộc thiểu số ở Trà Bồng có động lực vươn lên, phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, bảo tồn và làm sống dậy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc”, ông Thịnh chia sẻ.