Quảng Ngãi:

Uyển chuyển với điệu múa cà đáo của cô gái Cor

NHƯ ĐỒNG

VHO - Trong di sản văn hóa của mình, đồng bào Cor ở huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) vẫn lưu giữ nhiều nghi thức và loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo trong đó có điệu múa cà đáo mang dấu ấn riêng biệt.

Uyển chuyển với điệu múa cà đáo của cô gái Cor - ảnh 1

Phụ nữ Cor múa cà đáo đi liền với chiêng trống trong các lễ hội

Hầu như người phụ nữ Cor nào cũng biết cà đáo. Phụ nữ Cor không tham gia đánh chiêng nhưng múa lại đi liền với chiêng trống và cũng chỉ trong các lễ hội.

Ông Hồ Ngọc An nghệ nhân dân tộc Cor ở xã Trà Thủy cho biết: “Đội múa cà đáo của người Cor gồm nhiều phụ nữ mặc y phục cổ truyền với màu sắc rực rỡ, cườm trên trán, vai, hông và múa trên nền chiêng trống, di chuyển theo vòng tròn”.

Các động tác múa đều mục đích phục vụ thần linh và khoe động tác múa điêu luyện, vẻ đẹp dịu dàng của người phụ nữ Cor khi điểm lên những trang phục, trang sức truyền thống rực rỡ trong ngày hội vui của làng.

Uyển chuyển với điệu múa cà đáo của cô gái Cor - ảnh 2

Phụ nữ Cor nổi bật với bộ váy áo truyền thống

Theo nhịp cồng chiêng, cánh tay của phụ nữ Cor đưa lên rồi cả thân người nhẹ nhàng nghiêng về bên trái theo tiếng chiêng vang, sau đó lại nghiêng về bên phải theo tiếng chiêng dập.

Trong suốt diễn trình múa, phụ nữ Cor thật nổi bật với bộ váy áo truyền thống và những động tác múa giàu sức biểu cảm, luôn buông thõng và cứ thế cho đến khi điệu cà đáo kết thúc.

Đặc biệt khi tiếng chiêng dồn dập hòa lẫn vào nhau, phụ nữ Cor với đôi chân nhịp nhàng và thân hình uyển chuyển đã biểu hiện rõ sự dịu dàng và cả mạnh mẽ trước đất trời bao la. Trong điệu cà đáo, ấn tượng nhất là lúc những đôi tay dang ra và ngửa lên trời, đôi chân bám chặt lấy đất, cầu mong được nhận những gì tốt đẹp từ thiên nhiên, núi rừng đại ngàn.

Điệu cà đáo hoang dã, quyến rũ của những phụ nữ Cor thường có mặt trong các ngày lễ ăn mừng lúa mới, lễ ăn mừng nhà mới, tết mùa, lễ cưới xin...

Hiện nay, điệu múa cà đáo của đồng bào người Cor đã được phục hồi và truyền lại cho thế hệ trẻ. Trong các sự kiện văn hóa quy mô cấp huyện, cấp tỉnh và khu vực tổ chức thời gian gần đây, điệu cà đáo đã không ngừng được giao lưu, giới thiệu đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, du khách, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc ít người ở Việt Nam.

Uyển chuyển với điệu múa cà đáo của cô gái Cor - ảnh 3

Trang phục của phụ nữ Cor nổi trội nhất là các loại chuỗi cườm ngũ sắc

Trang phục lễ hội của người phụ nữ Cor khá rực rỡ. Áo váy luôn mới và đẹp đi cùng là đồ trang sức cầu kỳ và đắt giá, trong đó nổi trội nhất là các loại chuỗi cườm ngũ sắc, gồm có cườm đầu, cườm cổ, cườm hông và có các tua màu góp phần tô thêm vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ Cor.

Đẹp nhất là những chuỗi cườm ở hông, chúng được buộc chặt với nhau để vừa cùng tôn tạo sắc màu vừa hiện rõ hơn đường cong quyến rũ của cơ thể của người phụ nữ. Trong ngày hội, chúng ta sẽ thấy được sự dịu dàng uyển chuyển của các cô gái trong điệu múa cà đáo, sự vạm vỡ, lực lưỡng cơ bắp với tiếng chiêng ngân vang cả núi rừng với đôi tay khéo léo của chàng trai.

Trang phục đời thường của phụ nữ dân tộc Cor thường có áo màu trắng, váy xanh đen, các đường viền trang trí thường dùng màu xanh, đen hoặc màu trắng. Phụ nữ Cor thường mặc áo yếm hoặc áo cộc tay, váy thường vấn và giắt mối bên hông. Trên lưng thường mang gùi phục vụ lao động sản xuất hằng ngày.

Nhà nghiên cứu văn hóa Cao Văn Chư cho biết, múa cà đáo có nhịp điệu nhẹ nhàng, uyển chuyển do các cô con gái người Cor thể hiện trong các dịp lễ, tết… Múa cà đáo có 2 dòng: cà đáo trook đtăk nghĩa là cà đáo đường nước hay cà đáo vùng thấp; cà đáo trook gook nghĩa là cà đáo đường nước hay cà đáo vùng cao. Cà đáo đường nước chậm rãi, cà đáo vùng cao hơn dồn dập.

“Trong lễ ăn trâu, các đội múa cà đáo trong y phục truyền thống phải múa cà đáo 3 đợt quanh cây nêu: cà đáo cho chủ nhà, cà đáo cho làng và cà đáo cho khách. Các điệu múa cà đáo phụ thuộc vào điệu trống, chiêng. Có 3 động tác chính trong múa cà đáo: cà đáo chếch a rếch nghĩa là cà đáo giết cua; cà đáo dâm dắc nghĩa là choàng cõng con; cà đáo khor ta moi nghĩa là cà đáo rừng”, ông Chư chia sẻ.