Hương vị bánh lá đót của đồng bào Cor Quảng Ngãi
VHO - Trong các dịp lễ hội hay các ngày trọng đại của gia đình, làng xóm của đồng bào Cor ở huyện miền núi Trà Bồng (Quảng Ngãi), loại bánh trên mâm cỗ không thể thiếu là bánh lá đót (bánh a cót). Đây là một loại bánh truyền thống của đồng bào Cor, thể hiện sự no đủ, đầm ấm.
Bánh lá đót đặc trưng của đồng bào Cor ở Quảng Ngãi
Được ví như bánh chưng, bánh tét của người Kinh, bánh đót bánh truyền thống không thể thiếu trong những ngày lễ Tết của người Cor. Để làm nên chiếc bánh đót, người Cor phải vào rừng chọn hái những chiếc lá đót to, đẹp nhất đem về gói bánh. Nguyên liệu chính làm bánh đót là gạo nếp. Bánh sau khi gói bằng lá đót được cột thành từng cặp rồi ngâm nước 2 tới 3 giờ mới đem đi luộc. Theo quan niệm của người Cor, cây đót là một loài cây sạch và thanh cao. Chính vì vậy mà bánh đót luôn xuất hiện trong mâm lễ cúng Giàng, các vị thần linh và ông bà, tổ tiên. Chỉ có lá đót gói bánh tro ăn vừa dẻo, vừa có mùi thơm đặc trưng của bánh tro và màu vàng hấp dẫn…
Già làng Hồ Văn Nghĩa xã Trà Thủy chia sẻ: “Không biết từ xa xưa bao đời truyền lại, với người đồng bào chúng tôi, lễ cúng nào cũng đều có gói bánh lá đót dâng lên mâm lễ. Ngày xưa, những lễ hội làng lớn như đâm trâu, Tết Ngã rạ dân làng gói cả ngàn chiếc bánh lá đót vừa để cúng vừa phục vụ phần hội cho bà con”.
Chiếc bánh đẹp là chiếc bánh được gói cân đối, gọn gàng
Bánh lá đót ngày xưa được làm từ gạo nếp rẫy, nay thì được gói bằng cả nếp rẫy hoặc nếp ruộng, nhưng gói bằng nếp rẫy vẫn ngon hơn cả. Nếp được vo gút nước sạch rồi đem đi gói. Người Cor quan niệm đồ cúng lễ không nêm nếm gì nên không bỏ muối hay bất kì gia vị gì vào gạo nếp.
Bánh gói bằng lá của cây đót, một loài cây được xem là sản vật của núi rừng ban tặng đồng bào, mọc trên núi cao, rất thanh cao, tinh khiết. Bánh hình tam giác cân, dài dài, dẹp dẹp. Những người phụ nữ dân tộc Cor khéo léo quấn lá, rồi gói bánh. Chiếc bánh đẹp là chiếc bánh được gói cân đối, gọn gàng. Bánh gói xong được buộc bằng dây lạt chuốt thật mỏng từ cây lồ ô.
Theo đồng bào ở đây, lá đót được dùng để gói bánh là những lá to, đều, đẹp. Lá không già cũng không non khi nấu chín, bánh mới có được mùi thơm đặc trưng của lá đót. Mỗi lần ở làng chuẩn bị có lễ cúng hay gia đình có việc cúng tế quan trọng, những người phụ nữ mang gùi lên núi xa để tìm hái những chiếc lá đót đẹp nhất đem về gói bánh. Họ làm việc với tất cả lòng thành kính, thiêng liêng.
Bánh gói xong được cột thành từng chùm lớn rồi bỏ bào nồi to, đổ nước ngập bánh, nấu trên lửa lớn khoảng 2 giờ đồng hồ rồi vớt ra rổ, để nguội.
Trong các lễ cúng, cùng với các lễ vật khác, bánh lá đót được mở dây buộc, bày trang trọng trên mâm cúng. Khi cúng lễ xong, bánh được dọn ra cho mọi người thưởng thức. Bà con thường ăn bánh với thịt gà, thịt heo trong lễ cúng hay chấm muối ớt, muối mè đen…
Các bạn trẻ trong trang phục đồng bào Cor cùng với bánh lá đót
Bánh lá đót là một nét đẹp truyền thống của đồng bào Cor Trà Bồng. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay đang diễn ra, đó là, cùng với sự phát triển của xã hội, với những loại thực phẩm làm sẵn, bánh kẹo phong phú, đa dạng. Giao thương miền xuôi miền ngược cũng thuận lợi nhiều nên người dân có nhiều sự lựa chọn. Đặc biệt, trong thế hệ trẻ, nhiều người trẻ không còn mặn mà với những loại bánh truyền thống của dân tộc.
Để giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc mình, những năm gần đây, các địa phương đã có nhiều hoạt động thiết thực như tổ chức các hội thi gói bánh truyền thống, tổ chức các lễ hội, Tết ngã rạ. Các trường học vùng cao của huyện cũng thường tổ chức các hội thi về ẩm thực dân tộc Cor trong các dịp lễ đặc biệt.
Thi nấu bánh lá đót trong trường học
Điều rất vui là những hội thi, sự kiện này được mọi người nhiệt tình hưởng ứng. Những hoạt động ý nghĩa này đã góp phần gìn giữ, lưu truyền những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, để hương vị của bánh lá đót còn mãi với thời gian, lưu luyến thực khách sau mỗi hội mùa, hội làng.
Bánh lá đót thể hiện sự khéo léo và tinh tế của đồng bào Cor. Bánh lá đót không chỉ là một món ăn quen thuộc mà còn lưu giữ nét độc đáo trong văn hóa truyền thống được đồng bào Cor ở huyện Trà Bồng trân trọng, giữ gìn đến tận ngày nay.
NHƯ ĐỒNG