Cao Bằng:

Bảo tồn nghi thức điệu múa, hát trong lễ hội Nàng Hai ở Quảng Hòa

QUỲNH VY

VHO - Nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp các dân tộc, mới đây Sở VHTTDL Cao Bằng đã tổ chức chương trình báo cáo đánh giá kết quả lớp truyền dạy và hướng dẫn thực hành nghi thức điệu múa, hát trong lễ hội Nàng Hai tại xã Tiên Thành, huyện Quảng Hòa.

Bảo tồn nghi thức điệu múa, hát trong lễ hội Nàng Hai ở Quảng Hòa - ảnh 1
Lớp truyền dạy và hướng dẫn thực hành nghi thức điệu múa, hát trong lễ hội Nàng Hai với sự tham gia của 20 học viên dân tộc Tày xóm Hợp Thành, xã Tiên Thành. Ảnh: Minh Tuyền

Lễ hội Nàng Hai của xã Tiên Thành được tổ chức đậm màu sắc văn hóa dân tộc, thể hiện tín ngưỡng “thờ Mẫu” của người Việt. Là một trong những lễ hội dân gian truyền thống mang đậm nét đặc sắc của dân tộc Tày nói chung và dân tộc Tày ở tỉnh Cao Bằng nói riêng, thể hiện tín ngưỡng phồn thực.

Lễ hội được sáng tạo từ cuộc sống sinh hoạt và lao động sản xuất của người nông dân miền núi. Các nghi lễ tại lễ hội là tổng hòa các hình thức văn hóa văn nghệ dân gian, có giá trị về văn hóa, lịch sử sâu sắc, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân lao động, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Năm 2017, lễ hội Nàng Hai xã Tiên Thành đã được Bộ VHTTDL công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc bảo tồn lễ hội Nàng Hai không chỉ đơn thuần là duy trì một nghi lễ cầu mùa thông thường, mà còn nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Lễ hội Nàng Hai là một sinh hoạt văn hóa có sức lan tỏa, ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần cộng đồng người Tày nói chung và của cộng đồng người Tày ở xã Tiên Thành, huyện Quảng Hòa nói riêng, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa và được cộng đồng gìn giữ qua nhiều thế kỷ, không bị biến mất trong đời sống hiện đại.

Để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của lễ hội Nàng Hai, mới đây Sở VHTTDL Cao Bằng đã tổ chức lớp truyền dạy và hướng dẫn thực hành nghi thức điệu múa, hát trong lễ hội Nàng Hai với sự tham gia của 20 học viên dân tộc Tày xóm Hợp Thành, xã Tiên Thành. Các học viên chủ yếu là học sinh, thanh thiếu niên, có  có độ tuổi từ 10 - 60 tuổi có năng khiếu, yêu thích di sản của cộng đồng.

Bảo tồn nghi thức điệu múa, hát trong lễ hội Nàng Hai ở Quảng Hòa - ảnh 2
Điệu múa truyền thống trong lễ hội Nàng Hai. Ảnh: Hoài Nam

Thông qua lớp truyền dạy và hướng dẫn thực hành nghi thức, điệu múa, hát trong lễ hội Nàng Hai, giúp học viên trang bị kỹ năng cơ bản trong thực hành múa, hát. Các học viên được 3 nghệ nhân Đinh Thị Toàn, Đinh Thị Tuyển và Đinh Thị Gấm truyền dạy quy trình tổ chức lễ hội, nghi thức thực hành trong lễ hội như nghi thức mời Hai; nghi thức hằng đêm diễn ra lễ hội, như soi hương, biên lệ, xỉnh Hai, khay pác, khay hênh, cằm tạ, gieo hạt; các động tác cơ bản trong lễ hội như múa quét, múa cầu mùa, múa quạt...

Đây là hoạt động mang ý nghĩa, thiết thực, nhằm góp phần xây dựng thêm các đội múa, hát Nàng Hai tại địa phương làm nền tảng để nhân rộng và gìn giữ vốn văn hóa truyền thống của dân tộc, giúp thế hệ trẻ tiếp tục kế thừa, nâng cao nhận thức trong việc phát huy di sản văn hóa dân tộc.

Dịp nàySở VHTTDL Cao Bằng đã trao tặng hỗ trợ 20 bộ trang phục Tày truyền thống, 20 đôi giày nhung, 20 quạt giấy, 50m vải dựng trại Mẻ mành để phục vụ cho các hoạt động tổ chức bảo tồn, lưu giữ giá trị văn hóa đặc sắc của lễ hội Nàng Hai, góp phần quảng bá du lịch, văn hóa, nâng cao đời sống cho người dân địa phương.