Bảo tồn di sản diễn xướng then gắn với phát triển du lịch cộng đồng
VHO - Ngày 10.5, huyện Bình Liêu phối hợp với Viện Việt Nam học và khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy diễn xướng then trong bối cảnh phát triển du lịch cộng đồng ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh”.
Hội thảo nhằm nghiên cứu định vị Then Tày Bình Liêu trong dòng chảy văn hóa Việt Nam nói chung, không gian văn hóa Then và văn hóa Tày - Thái nói riêng; nghiên cứu đề xuất các giải pháp bảo vệ, trao truyền, quảng bá, phát huy, phát triển các giá trị Then của người Tày huyện Bình Liêu trong bối cảnh hiện nay. Tôn vinh các giá trị di sản then, tập hợp các ý kiến của chuyên gia thảo luận về vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản diễn xướng then nhằm phát triển du lịch cộng đồng; nêu bật vai trò và giá trị của then trong vấn đề phát triển bền vững văn hóa, xã hội và kinh tế của huyện Bình Liêu.
Hội thảo cũng đề xuất các giải pháp khai thác diễn xướng Then phục vụ phát triển du lịch cộng đồng ở huyện Bình Liêu nói riêng, khu vực cư trú các tộc người nhóm ngôn ngữ Tày - Thái ở Việt Nam nói chung. Đồng thời chỉ rõ các cơ hội và thách thức đặt ra đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản diễn xướng then trong bối cảnh phát triển du lịch cộng đồng như hiện nay, xây dựng mối liên kết và hợp tác giữa các bên liên quan để hỗ trợ phát triển văn hóa của địa phương.
Hội thảo đã nhận được 22 tham luận và nhiều ý kiến trao đổi tại chỗ tập trung làm rõ những nội dung như: Diễn xướng then Bình Liêu trong dòng chảy chung của then; Then với phát triển du lịch cộng đồng; Bảo tồn và phát huy giá trị diễn xướng then trong bối cảnh hiện nay...
Ông Hoàng Ngọc Ngò, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu cho rằng: "Giải pháp bảo tồn và phát huy di sản diễn xướng Then trong bối cảnh phát triển du lịch cộng đồng là một hoạt động cụ thể của huyện Bình Liêu, thể hiện trách nhiệm và tâm huyết với vốn di sản diễn xướng đặc sắc của cộng đồng dân tộc Tày. Chúng tôi mong muốn được các nhà khoa học giúp định vị diễn xướng Then ở Bình Liêu trong vốn văn hóa chung của Việt Nam, khẳng định giá trị của diễn xướng Then Bình Liêu, cũng như chỉ ra những giải pháp để bảo tồn, để phát huy được giá trị quý báu của di sản".
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến đóng góp, tham luận của các nhà khoa học, học giả, nghệ nhân nhằm góp phần bảo tồn, phát huy di sản diễn xướng Then ở huyện Bình Liêu. Qua đó góp phần bảo tồn văn hóa, phục vụ phát triển du lịch, nâng cao thu nhập, đời sống tinh thần của người dân.
Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng việc kết hợp bảo tồn và đưa Then vào phục vụ du lịch sẽ giúp du khách thấy sức hấp dẫn và sự lan tỏa của Then trong đời sống văn hóa cộng đồng. Để thu hút du khách, nội dung diễn đạt cần tập trung vào những câu chuyện, sự tình hấp dẫn (có thể mới sáng tác), gắn với những địa danh nổi tiếng, liên quan đến những sản vật đặc biệt của địa phương; ngôn ngữ dễ tiếp nhận; xây dựng không gian văn hóa Then Tày Bình Liêu để giới thiệu và trưng bày các sản phẩm liên quan đến Then như đàn tính, xóc nhạc, pháp khí (ấn, kiếm, cái xin âm dương...), trang phục và kinh sách. Địa phương có thể xây dựng các sản phẩm liên quan đến Then để bán cho du khách (đồ thủ công mỹ nghệ, các đặc sản địa phương); đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm và phát triển các làn điệu Then cổ, việc giáo dục nghệ thuật truyền thống cho giới trẻ; xây dựng cơ sở dữ liệu về Then Bình Liêu (lịch sử, văn hóa, âm nhạc, và các dạng biểu diễn khác). Chính quyền địa phương cần đưa ra những chính sách liên quan đến việc khuyến khích nghệ nhân giữ nghề; đầu tư, xây dựng Nhà truyền thống của người Tày và khu sân khấu ngoài trời trong quy hoạch tổng thể; phát huy vai trò gia đình, dòng họ và cộng đồng trong việc trao truyền giá trị Then trong đời sống hiện nay…
Việc phát triển Then để phục vụ du lịch là hướng đi đúng và hết sức cần thiết. Then sẽ tăng thêm giai điệu, sắc màu cho du lịch phát triển, và ngược lại, lợi ích thu được từ du lịch sẽ góp phần cổ vũ, nuôi sống Then.
Trước đó, các đại biểu đã tham gia điền dã, khảo sát và tìm hiểu thực tiễn, xem diễn xướng then nghi lễ, hoạt động của các câu lạc bộ hát then - đàn tính, hoạt động chế tác đàn tính, soạn lời then, trưng bày các hiện vật mang giá trị văn hóa gắn liền với then; Ngày hội Then Tày Bình Liêu, biểu diễn các trích đoạn nghi lễ then, trích đoạn sinh hoạt văn hóa gắn liền với then và ẩm thực của dân tộc Tày.
Bình Liêu là một huyện miền núi, biên giới phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh. Là địa bàn sinh sống của đồng bào các dân tộc: Tày, Dao, Sán Chỉ, Kinh, Hoa. Được ví như Sa Pa của vùng Đông Bắc Việt Nam, Bình Liêu nổi tiếng với phong cảnh miền núi, biên giới hùng vĩ, những thửa ruộng bậc thang, các di tích danh thắng như thác Khe Vằn, bãi “Đá thần” ở đỉnh núi Cao Ba Lanh, núi Cao Xiêm... Nơi đây còn có nhiều phong tục tập quán đặc sắc của dân tộc người Dao, Tày, Sán Chỉ.
Bình Liêu đang từng bước khai thác thế mạnh này để tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách. UBND huyện cũng ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển du lịch bền vững gắn với giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội huyện Bình Liêu, các kế hoạch tổ chức hội và lễ hội trên địa bàn huyện. Trong năm 2023, Bình Liêu duy trì và mở rộng quy mô các hội, lễ hội truyền thống như: Lễ hội đình Lục Nà, Hội Soóng Cọ, Hội Kiêng Gió, Hội mùa vàng, Hội hoa sở; phát triển các sản phẩm du lịch lễ hội gắn với bảo tồn văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Đặc biệt, Hội Soóng Cọ năm 2023 được đầu tư quy mô với nhiều hoạt động hấp dẫn đặc sắc, giúp Bình Liêu thu hút gần 30.000 lượt du khách tham quan, trải nghiệm.