Thống nhất mở rộng diện tích khai quật khảo cổ di tích Tháp đôi Liễu Cốc

S.THÙY

VHO - UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thống nhất chủ trương mở rộng diện tích khai quật khảo cổ tại di tích quốc gia Tháp đôi Liễu Cốc sau khi nhận được báo cáo và kiến nghị của ngành văn hóa và các chuyên gia, đoàn khảo cổ.

 Thống nhất mở rộng diện tích khai quật khảo cổ di tích Tháp đôi Liễu Cốc - ảnh 1
Hiện trạng tháp Bắc tại di tích Tháp đôi Liễu Cốc sau khi khai quật khảo cổ đã xuất lộ dấu tích nền móng

Ngày 3.7, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý thống nhất chủ trương mở rộng diện tích khai quật khảo cổ tại di tích Tháp đôi Liễu Cốc, tổ dân phố Bàu Tháp, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà.

Việc mở rộng diện tích khai quật khảo cổ nhằm xác định rõ quy mô, kết cấu nguyên gốc, tính chất, đặc điểm, niên đại của di tích quốc gia Tháp đôi Liễu Cốc.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao Sở VHTT thực hiện các thủ tục để xin phép Bộ VHTTDL về việc mở rộng diện tích, tiếp tục khai quât khảo cổ tại Tháp đôi Liễu Cốc để sớm triển khai.

Trong thời gian này, UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND thị xã Hương Trà nghiên cứu, có phương án bảo vệ bền vững di tích nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích Tháp đôi Liễu Cốc phục vụ du lịch và phát triển kinh tế.

Trước đó, từ tháng 4 đến tháng 6.2024, Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai thăm dò và khai quật khảo cổ tại di tích Tháp đôi Liễu Cốc theo quyết định số 898/QĐ-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ VHTTDL.

 Thống nhất mở rộng diện tích khai quật khảo cổ di tích Tháp đôi Liễu Cốc - ảnh 2
Hiện vật trang trí góc tháp, làm bằng đá sa thạch thời Champa thế kỉ IX

Với diện tích hơn 80m2 thăm dò và khai quật, kết quả đã làm xuất lộ hoàn toàn dấu tích nền móng kiến trúc tháp Bắc và xác định được vị trí tháp Cổng, hệ thống tường bao và đường đi nội bộ trong di tích. Đồng thời, đoàn khảo cổ cũng đã đưa lên khỏi lòng đất một số loại hình di vật tiêu biểu, góp phần quan trọng trong quá trình nghiên cứu, nhận thức về di tích…

Đoàn khảo cổ và các chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng có kiến nghị cần tiếp tục nghiên cứu, mở rộng diện tích khai quật để làm sáng rõ toàn bộ quy mô, kết cấu và tính chất của di tích Tháp đôi Liễu Cốc.

Tháp đôi Liễu Cốc là một công trình kiến trúc tôn giáo đặc trưng của người Chăm, là di tích kiến trúc nghệ thuật có nhiều giá trị, đánh dấu một giai đoạn phát triển trong lịch sử, văn hoá dân tộc Việt Nam nói chung, dân tộc Chăm nói riêng.

Năm 1926, di tích Tháp đôi Liễu Cốc đã được Viện Viễn Đông Bác Cổ nghiên cứu và xếp hạng là cổ tích trong toàn cõi Việt Nam và Đông Dương thời bấy giờ. Năm 1994, di tích được Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia.