Khai quật khảo cổ di tích quốc gia Tháp đôi Liễu Cốc:

Nhiều phát hiện mới, quan trọng

SƠN THÙY

VHO - Các chuyên gia nhận định Tháp đôi Liễu Cốc là di tích đền tháp Champa duy nhất ở miền Trung có 2 tháp thờ chính. Ngoài ra, đoàn khảo cổ cũng đã làm rõ kết cấu địa tầng và phát hiện khối lượng di vật đồ sộ bên dưới lòng đất khi tiến hành thăm dò và khai quật khảo cổ tại di tích quốc gia này.

Nhiều phát hiện mới, quan trọng - ảnh 1

Các hố đào thăm dò, khai quật khảo cổ tại di tích Tháp đôi Liễu Cốc nhìn từ trên cao

 Di tích đặc biệt, duy nhất…

Tháp đôi Liễu Cốc là một trong những di tích Champa quan trọng còn tồn tại trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Mặc dù với hiện trạng đã bị xuống cấp, hư hại nghiêm trọng, nhưng so với các ngôi đền tháp Champa được biết đến từ Bắc Mỹ Sơn (Quảng Nam) trở ra, thì tháp Phú Diên và Tháp đôi Liễu Cốc là các di tích có tình trạng bảo tồn tốt nhất.

Ông Nguyễn Ngọc Chất, Phó Phòng Nghiên cứu sưu tầm, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết: Đoàn chuyên gia đã đào các hố khai quật ở độ sâu từ 102 - 215cm, qua đó đã xuất lộ kết cấu địa tầng của di tích Tháp đôi Liễu Cốc. Diễn biến địa tầng có thể phân thành 4 lớp, cho thấy Tháp đôi Liễu Cốc được xây dựng trên một gò đất phù sa của sông Bồ, cao hơn mực nước biển từ 3,7 - 4m. Trong quá trình khai quật, đoàn khảo cổ đã cho mở rộng và nối thông 3 hố khai quật lại với nhau tạo thành 1 hố lớn (9,4 x 10,3m), bao quanh nền móng kiến trúc tháp Bắc. Qua đó đã xác định rõ mặt bằng, quy mô và kết cấu của kiến trúc đền tháp Bắc. Đồng thời, ở 5 hố thăm dò (diện tích 20m2), cũng đã xác định được vị trí của tháp Cổng, tháp Hỏa, hệ thống tường bao phía đông và đường đi nối từ tháp Nam sang tháp Bắc.

Tháp Bắc gồm có 4 phần: Móng, đế tháp, thân tháp và mái tháp. Trong đó, mái tháp đã bị sụp đổ, không thể nhận diện; thân tháp cũng đã bị sụp đổ mất quá nửa, nên việc nhận diện cũng hạn chế. Từ móng đến thân tháp đều được xây xếp thuần nhất bằng gạch, gạch xếp so le ngang dọc, trong đó phần phủ bì bên ngoài và mặt trong của móng, tường tháp đều sử dụng gạch lành, riêng phần lõi tường thì được sử dụng đa phần là gạch vỡ, có lẫn đất sét vàng, thuần...

Theo ông Nguyễn Ngọc Chất, di tích Tháp đôi Liễu Cốc khác với các di tích đền tháp Champa ở miền Trung Việt Nam bởi chỉ có 2 đền tháp chính. “Qua kết quả khai quật và quan sát bề mặt hiện trạng, bước đầu chúng tôi chỉ xác định được hai đền tháp chính trong di tích, không thấy dấu hiệu của đền tháp thứ 3. Nếu đúng như vậy thì Tháp đôi Liễu Cốc là di tích đặc biệt, duy nhất thuộc hệ thống di tích đền tháp Champa có 2 tháp thờ chính; bởi thường các di tích đền tháp Champa phân bố trải dọc miền Trung chỉ ghi nhận về hệ thống di tích có 1 tháp thờ chính hoặc 3 tháp thờ chính” - ông Nguyễn Ngọc Chất thông tin.

Trong quá trình khai quật, đoàn khảo cổ cũng phát hiện và thu được khối lượng lớn di vật với 4.807 tiêu bản. Trong đó tập trung chủ yếu là các loại vật liệu kiến trúc, trang trí kiến trúc, các mảnh bia và phù điêu đá, đồ gốm men, đồ sành, đồ đất nung và tiền kim loại. Đặc biệt, trong đó có một phù điêu đầu tượng Phật được chế tác khoảng thế kỷ XI - XII; 3 chiếc bình vôi của Champa thế kỷ IX - XI còn tương đối nguyên vẹn; nhiều di vật đồ gốm thô, đồ đất nung, đồ sành, kim loại...

Đợt khảo cổ cũng làm rõ một phần bình đồ kiến trúc tổng thể đền tháp Liễu Cốc với những đặc trưng kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc, bia ký… thể hiện rõ nét đây là công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng của người Chăm. Những kết quả sơ bộ tại đợt thăm dò, khai quật khảo cổ cùng với các tư liệu nghiên cứu, đoàn khảo cổ nhận định niên đại xây dựng tháp Bắc Liễu Cốc vào giai đoạn thế kỷ IX, tương ứng với niên đại của tháp Mỹ Sơn C2, nằm trong giai đoạn đầu của phong cách nghệ thuật Đồng Dương.

Nhiều phát hiện mới, quan trọng - ảnh 2

Quá trình khảo cổ khu vực tháp Bắc ở di tích Tháp đôi Liễu Cốc đã nhận định tháp được xây dựng vào thế kỷ IX, tương ứng với niên đại của tháp Mỹ Sơn C2

Cần mở rộng khảo cổ giai đoạn 2

Khi so sánh trang trí trên tường của tháp Bắc và tháp Nam ở Liễu Cốc, các chuyên gia cũng nhận thấy có sự khác biệt về trang trí cột và trụ tường của hai tháp này. Nhiều khả năng hai tháp không cùng một niên đại xây dựng. Điều đó cần tiếp tục bổ sung tư liệu khi có điều kiện nghiên cứu, mở rộng diện tích khai quật.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, văn hóa Huế được cấu thành bởi rất nhiều lớp phù sa văn hóa mà văn hóa Champa là lớp trầm tích. Việc triển khai thăm dò, khai quật khảo cổ ở di tích quốc gia Tháp đôi Liễu Cốc là rất quan trọng bởi đó là yếu tố cấu thành rất đặc biệt của giá trị di sản Huế; đặc biệt trong thời điểm Thừa Thiên Huế đang xây dựng trở thành đô thị di sản quốc gia, phát triển trên nền tảng phát huy giá giá trị văn hóa Huế.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cũng đồng tình với đoàn khảo cổ, kiến nghị sớm nghiên cứu công trình có mái che phù hợp để bảo vệ di tích. Địa phương cần tính toán, lên kế hoạch cho việc triển khai dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích; lưu ý đến công tác quy hoạch, chỉnh trang, kết nối di tích Tháp đôi Liễu Cốc, miếu Dương Phi và các khu vực lân cận. Đồng thời, xem xét triển khai thăm dò khảo cổ ở các khu vực khác tại thôn Bàu Tháp để có kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích; quan trọng hơn là nâng cao nhận thức của người dân trong khu vực để thấy rõ được giá trị văn hóa của di sản để cùng bảo vệ di sản.

Ông Đỗ Ngọc An, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà thông tin, di tích Tháp đôi Liễu Cốc được Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL) công nhận là di tích cấp quốc gia từ sớm vào năm 1994 là niềm tự hào của chính quyền và nhân dân địa phương. Thời gian qua, thị xã đã quan tâm bảo vệ, có đầu tư nhỏ để làm đường giao thông, chỉnh trang cảnh quan, làm tường rào bao quanh di tích. Dù có gặp một số khó khăn trong công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản, đặc biệt là nguồn lực nhưng chúng tôi cũng rất quan tâm đến di sản Champa Tháp đôi Liễu Cốc.

“Chúng tôi rất đồng tình với đề xuất của đoàn khảo cổ và các chuyên gia, nhà nghiên cứu về việc tiếp tục khảo cổ tháp Nam. Trong thời gian chờ đợi công tác này thì cũng cần có phương án bảo vệ tháp Bắc. Và phương án này phải xây dựng phù hợp để bảo vệ tháp Bắc và sau này cũng bảo vệ cả tháp Nam, chứ không thể triển khai từng tháp, từng giai đoạn” - ông Đỗ Ngọc An nêu ý kiến và cho biết thị xã Hương Trà cũng đã chỉ đạo UBND phường Hương Xuân tiếp tục quan tâm, bảo vệ hiện trạng di tích Tháp đôi Liễu Cốc sau khi khảo cổ.

 Tuy phạm vi thăm dò, khai quật khảo cổ hạn chế với 80mnhưng đã có nhiều phát hiện mới và quan trọng ở di tích quốc gia Tháp đôi Liễu Cốc. Sau đợt khảo cổ này, Sở sẽ tiếp tục đề xuất, tham mưu UBND tỉnh và các ngành quan tâm để sớm đầu tư giai đoạn 2 mở rộng khảo cổ để có nhận thức đầy đủ về di tích, làm cơ sở xây dựng các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia Tháp đôi Liễu Cốc lâu dài và bền vững.

(Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế PHAN THANH HẢI)

Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải cho biết: “Thị xã Hương Trà có số lượng di tích không nhiều nhưng một số di tích có giá trị đặc biệt và quan trọng, trong đó có Tháp đôi Liễu Cốc. Trên cơ sở kết quả sau khảo cổ và những nhận thức mới, chúng ta hoàn toàn có thể đưa nơi này trở thành điểm đến tham quan, tìm hiểu thu hút du khách”.

Hiện nay tại Thừa Thiên Huế có 44 di tích, công trình liên quan đến văn hóa Champa; trong đó có 17 đền, tháp; 3 thành lũy và nhiều công trình như mộ, bia, giếng cổ... cùng hơn 250 hiện vật đã được kiểm kê, lập hồ sơ khoa học. Một số các chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng đã từng đề xuất về việc thành lập một Bảo tàng văn hóa Champa tại Huế, song đến nay vẫn chưa thực hiện được. Việc những phát hiện mới và các di vật được tìm thấy trong đợt khảo cổ di tích Tháp đôi Liễu Cốc lần này sẽ bổ sung thêm các thông tin, góp phần lan tỏa cho di tích nói riêng và giá trị văn hóa Champa tại Thừa Thiên Huế nói chung. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc