Lần đầu thăm dò, khai quật di tích quốc gia tháp đôi Liễu Cốc
VHO - Bộ VHTTDL vừa có quyết định cho phép thăm dò, khai quật khảo cổ tại di tích quốc gia tháp đôi Liễu Cốc tại tổ dân phố Xuân Tháp, phường Hương Vân, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế).
Hiện trạng di tích Tháp đôi Liễu Cốc tại phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế
Đây là công trình kiến trúc đặc trưng của văn hóa Chăm Pa, có niên đại hơn 1.000 năm tuổi. Di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia năm 1994. Đợt khai quật khảo cổ này do Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia thực hiện từ ngày 9.4 đến 5.7. Diện tích thăm dò, khai quật khảo cổ là 80m2, trong đó thăm dò trên diện tích 20m2 với 4 hố và khai quật khảo cổ trên diện tích 60m2 với 3 hố (20m2/hố).
Trong thời gian thăm dò, khai quật khảo cổ, cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; cótrách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa. Những hiện vật thu thập được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ, Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc và báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTTDL phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó. Sau khi kết thúc đợt thăm dò, khai quật khảo cổ, Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huếvà Bảo tàng Lịch sử quốc gia phải có báo cáo sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã thăm dò, khai quật khảo cổ trong thời gian chậm nhất một tháng vàbáo cáo khoa học trong thời gian chậm nhất một năm đến Bộ VHTTDL.
Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế, đây là lần đầu tiên tổ chức thăm dò, khai quật khảo cổ tại di tích quốc gia tháp đôi Liễu Cốc. Hiện trạng di tích này tồn tại không còn nguyên vẹn và đang bị xuống cấp, hoang phế theo thời gian và khí hậu khắc nghiệt. Tháp đôi Liễu Cốc gồm 2 tháp (một lớn, một nhỏ) nằm gần nhau trên hai trục song song hướng Đông - Tây. Chân móng tháp vùi lấp dưới lòng đất, hiện chưa xác định được nền móng ban đầu của tháp. Đặc trưng kết cấu của tháp là các công trình kiến trúc văn hóa tôn giáo thời Chăm Pa. Cuối năm 2023 vừa qua, chính quyền địa phương đã đầu tư chỉnh trang không gian cảnh quan, lát nền đường dẫn vào di tích quốc gia Tháp đôi Liễu Cốc.
S.THÙY