Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Chăm-pa trên đất Thừa Thiên Huế
VHO- Đó là nội dung trọng tâm được các đại biểu thảo luận tại Hội thảo khoa học vừa được Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức ngày 6.12. Các đại biểu cũng thống nhất kiến nghị UBND tỉnh sớm thành lập Bảo tàng văn hóa Chăm-pa nhằm phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể thời Chăm-pa đang còn lưu dấu rất nhiều tại địa phương này.
Di tích tháp Chăm Phú Diên được phát hiện ở độ sâu 5-7m dưới cồn cát ven biển.
Thừa Thiên Huế từng là không gian một phần lãnh thổ của vương quốc Chăm-pa trong khoảng thế kỷ II đến đầu thế kỷ XIV, và ở đây đã hình thành nên một di sản văn hóa đồ sộ. Qua thống kê, trên địa bàn tỉnh có 44 dấu tích, công trình liên quan đến văn hóa Chăm-pa, gồm: 17 đền, tháp, 3 thành lũy và nhiều công trình như mộ, bia giếng cổ…; cùng 251 hiện vật Chăm-pa được kiểm kê, lập hồ sơ khoa học. Trong đó, có các di tích quốc gia Tháp Chăm Phú Diên (xã Phú Diên, huyện Phú Vang); Thành Lồi (phường Thủy Xuân và Thủy Biều, TP.Huế); Tháp đôi Liễu Cốc (phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà); và hai bảo vật quốc gia là: bệ thờ Vân Trạch Hòa, và chóp- bệ tháp Linh Thái. Các hiện vật của nền văn hóa Chăm-pa được bảo quản và lưu giữ ở nhiều nơi như: Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Bảo tàng Lịch sử tỉnh, Trung tâm Văn hóa- thông tin và thể thao TP.Huế, Khoa Lịch sử của Đại học Khoa học Huế…
Hội thảo "Văn hóa Chăm-pa trên đất Thừa Thiên Huế" thu hút nhiều nhà nghiên cứu ở các địa phương Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng...
TS. Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, nói rằng: Hầu hết các di tích Chăm-pa trên địa bàn tỉnh đã trải qua thời gian tồn tại hàng ngàn năm, chịu sự tác động của thiên nhiên khắc nghiệt và chiến tranh ác liệt nên đã trở thành phế tích. Chính vì thế cần thiết ưu tiên tập trung nguồn lực để giữ gìn, bảo quản những gì còn lại đến hôm nay.
“Các hiện vật hiện cũng đang lưu lạc nhiều nơi, cả trong nước và nước ngoài, riêng trong tỉnh Thừa Thiên Huế cũng do nhiều tổ chức, cơ quan quản lý, bảo quản. Do đó cần phải tập hợp lại về một đầu mối, nhằm có các phương pháp kỹ thuật để giữ gìn và đưa ra trưng bày, phục vụ khách tham quan. Đối với nước ngoài, một số các bảo tàng thông qua tư liệu, thông qua trao đổi về văn hóa, kinh tế để chúng ta tiếp cận được những bản sao để làm phong phú hơn cho hoạt động trưng bày của các bảo tàng. Tiếp tục lập hồ sơ để văn hóa Chăm-pa tại Thừa Thiên Huế là di sản văn hóa quốc gia, đồng thời định hướng thành lập một không gian trưng bày riêng về nền văn hóa này, có thể là Bảo tàng văn hóa Chăm-pa hoặc Bảo tàng Văn hóa Huế nhưng có không gian riêng để trưng bày về văn hóa Chăm-pa”- ông Phan Tiến Dũng cho biết.
Bệ thờ Vân Trạch Hòa là bảo vật quốc gia, hiện đang được bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở VHTT, di sản văn hóa Chăm-pa là một lớp trầm tích văn hóa và là một trong những thành tố có vị trí khác đặc biệt trong việc hình thành bản sắc văn hóa Huế. Văn hóa Chăm-pa ở Thừa Thiên Huế khác với các địa phương từ Quảng Nam trở vào, bởi vùng đất Thuận Hóa xưa (tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị ngày nay) là món quà sính lễ mà vua Chăm-pa Chế Mân tặng nhà Trần để cưới công chúa Huyền Trân. Đi liền với đất, người Chăm bản địa đã ở lại chung sống với người Việt mới di dân đến, hiện tượng sống cộng cư Việt- Chăm, dần tiến tới hôn nhân Việt-Chăm, Chăm-Việt, tạo nên một sự dung hợp văn hóa. Chính vì thế, Thừa Thiên Huế không chỉ là sự tồn tại đa dạng về các di tích, di sản vật thể của nền văn hóa Chăm-pa mà nhiều yếu tố văn hóa phi vật thể như tín ngưỡng, ẩm thực, ngôn ngữ, hoạt động sản xuất… cũng được người Huế tiếp nhận và phát triển phù hợp trong dòng chảy văn hóa cho đến bây giờ.
“Việc thành lập Bảo tàng văn hóa Chăm-pa không chỉ thuần túy là để trưng bày, phát huy giá trị di sản vật thể mà còn quảng bá, giới thiệu đến công chúng những giá trị văn hóa phi vật thể thời Chăm-pa còn lưu dấu và hiện hữu trong đời sống văn hóa của xứ Huế”- nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa nói.
Tại hội thảo lần này, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều nội dung về những đóng góp quan trọng của văn hóa Chăm-pa tạo nên bản sắc văn hóa Huế; các giá trị tiêu biểu của văn hóa Chăm-pa tại Thừa Thiên Huế; và phát huy hiệu quả văn hóa Chăm-pa trong giai đoạn hiện nay. Các đại biểu đã thống nhất đề xuất UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc thành lập Bảo tàng Văn hóa Chăm-pa, đồng thời xây dựng hồ sơ di tích quốc gia đối với thành Hóa Châu (huyện Quảng Điền).
Di tích tháp Chăm Phú Diên được xác định xây dựng vào thế kỷ VIII
TS.Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian qua ngành văn hóa và các địa phương đã đánh giá, thống kê các di tích, dấu tích về văn hóa Chăm-pa trên địa bàn tỉnh, đồng thời từng bước số hóa các hiện vật, sưu tầm các giá trị văn hóa phi vật thể liên quan. Trước đó, ngành văn hóa cũng đã triển khai đề tài về thống kế và bản đồ hóa hệ thống di tích Chăm-pa tại Thừa Thiên Huế; đây là cơ sở dữ liệu nền để có thể tiến tới đưa vào hệ thống dữ liệu của tỉnh và quốc gia để khai thác, phát huy hiệu quả di tích.
“Chúng tôi rất mong muốn trong thời gian tới, Chính phủ, Bộ VHTTDL, UBND tỉnh sẽ có sự quan tâm đặc biệt để đầu tư, có những thiết chế để bảo tồn và khai thác những di sản văn hóa Chăm-pa một cách hiệu quả. Trong đó, có thể thành lập Bảo tàng văn hóa Chăm-pa như các nhà nghiên cứu đề xuất hoặc một Trung tâm diễn giải về văn hóa Chăm-pa tại Thừa Thừa Thiên Huế. Vị trí các thiết chế này có thể đặt ở khu vực thành Hóa Châu hoặc thành Lồi, vừa có không gian cảnh quan và gắn liền với di tích Chăm-pa trên đất Thừa Thiên Huế”, ông Phan Thanh Hải nói.
Bài, ảnh: SƠN THÙY