Quảng Ngãi tập huấn, truyền dạy trình diễn nghệ thuật bài chòi
VHO - Sáng 28.10, Trung tâm Văn hoá - Nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi tổ chức khai mạc lớp tập huấn, truyền dạy trình diễn nghệ thuật bài chòi. Tham gia tập huấn có gần 60 học viên đến từ các đơn vị, câu lạc bộ dân ca - bài chòi các địa phương trong tỉnh.
Phát biểu khai mạc, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi Trần Như Tuấn cho biết, ngày 7.12.2017, Ủy ban liên chính phủ Công ước Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) 2003 về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 đã nhất trí ghi danh hồ sơ “Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm vinh dự lớn lao nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi của khu vực Trung bộ nói chung và tỉnh Quảng Ngãi nói riêng.
“Với kinh nghiệm truyền dạy của nghệ nhân ưu tú Trần Tám sẽ giúp các học viên hiểu sâu hơn về nghệ thuật trình diễn, từng bước nắm vững về cách thức tổ chức hội bài chòi dân gian, phương pháp diễn xướng, kỹ năng hô, hát các làn điệu dân ca và bài chòi. Góp phần thực hiện tốt Đề án Bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030", ông Tuấn nhấn mạnh.
Trong thời gian 15 ngày, từ 28.10 – 15.11, các học viên đến từ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, Câu lạc bộ Dân ca - Bài chòi tỉnh, TP Quảng Ngãi, thị xã Đức Phổ, huyện Bình Sơn, huyện Sơn Tịnh, huyện Tư Nghĩa và huyện Mộ Đức sẽ dần được tiếp cận với các làn điệu dân ca Khu V và bài chòi.
Đặc biệt các học viên sẽ được nghệ nhân ưu tú Trần Tám hướng dẫn tiếp cận với bài chòi cổ, một hình thức diễn xướng dân gian độc đáo trong Hội Bài chòi. Đồng thời, giúp cho đội ngũ làm công tác văn hóa cơ sở và những người yêu thích bộ môn bài chòi được tìm hiểu, tiếp xúc, thực hành phương pháp diễn xướng, cách thức tổ chức Hội Bài chòi dân gian.
Kỹ năng hô, hát các làn điệu bài chòi để đưa bộ môn nghệ thuật này phát triển trên địa bàn tỉnh và tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho mọi lứa tuổi trong các dịp Lễ, Tết.
Bên cạnh đó, tạo ra sản phẩm phục vụ các điểm du lịch tại địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Bài chòi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.