Hỗ trợ hơn 23,6 tỉ đồng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Bài chòi
VHO - Đề án quy định mức hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2024-2030 đã được thông qua tại kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X .
Trò chơi dân gian hô Bài chòi tổ chức tại phố cổ Hội An được người dân và du khách yêu thích
Tổng kinh phí đề án hơn 23,6 tỉ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hơn 17,8 tỉ đồng, còn lại là ngân sách từ các địa phương, được triển khai tại 18 huyện, thị xã, thành phố trên toàn địa bàn tỉnh. Thời gian thực hiện từ năm 2024-2030, chia thành 2 giai đoạn 2024-2025 và 2026-2030.
Mục tiêu của đề án nhằm tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị của Bài chòi. Từ nâng cao quy mô, số lượng, chất lượng các CLB, đội Bài chòi, góp phần quảng bá, tôn vinh những giá trị đặc sắc của nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh đến trợ lực cho việc tiếp tục gìn giữ, lưu truyền, phổ biến, phát huy cho các thế hệ mai sau. Đồng thời cũng nhằm tạo điều kiện để phát huy giá trị nghệ thuật Bài chòi thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, góp phần phát triển kinh tế, xã hội. Đối tượng áp dụng là các CLB, Đội, Nhóm Bài chòi được cấp có thẩm quyền ban hành quyết định thành lập, có quy chế, điều lệ, tổ chức các hoạt động và duy trì sinh hoạt thường xuyên.
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến mức hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2024-2030. Các nội dung hỗ trợ như nghiên cứu, kiểm kê, sưu tầm; số hóa, tư liệu hóa di sản nghệ thuật Bài chòi. Hỗ trợ xây dựng hồ sơ xét đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú; các trang thiết bị và duy trì hoạt động các CLB, Đội, Nhóm Bài chòi; Truyền dạy, bồi dưỡng, thực hành di sản phi vật thể nghệ thuật Bài chòi,… cho đội ngũ làm công tác văn hóa các cấp, cộng đồng, trường học, nghệ sĩ, diễn viên trẻ kế cận. Hỗ trợ sáng tác các tác phẩm dân ca Bài chòi về truyền thống lịch sử, văn hóa và vùng đất, con người Quảng Nam; Tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi. Các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật Bài chòi khi triển khai phải có sự tham gia, giám sát của cộng đồng; tôn trọng cộng đồng, lấy cộng đồng làm chủ thể trong việc bảo tồn, phát huy.
Trong nghệ thuật Bài chòi có trò chơi dân gian khá phổ biến ở khu vực Trung Bộ nói chung, các địa phương ở vùng đồng bằng Quảng Nam nói riêng, thường được tổ chức vào các dịp lễ hội và đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán; trong dịp này, người dân dựng chòi, mở hội chơi cho đến qua Rằm tháng Giêng. Tại Quảng Nam hiện có 78 CLB, Đội, Nhóm Bài chòi được Trung tâm Văn hóa các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn, Hiệu trưởng các Trường Tiểu học, Trung học cơ sở ra quyết định thành lập. Đây là một con số còn khá khiêm tốn so với tiềm năng và nhu cầu của đời sống xã hội; các nghệ nhân nòng cốt đang sinh hoạt tại các CLB, Đội, Nhóm Bài chòi hầu hết đã lớn tuổi và nguy cơ mai một rất cao nếu những kinh nghiệm, kỹ năng thực hành di sản không được trao truyền.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam cho biết, việc bảo vệ và phát huy di sản nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là rất cần thiết, cần có sự quan tâm, định hướng để bảo tồn và phát huy giá trị di sản một cách bền vững, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, sinh hoạt, vui chơi của xã hội, thúc đẩy du lịch địa phương phát triển. Việc Đề án được thông qua và triển khai giai đoạn tới sẽ góp phần bảo tồn và phát huy di sản nghệ thuật Bài chòi một cách có chất lượng và hiệu quả, nâng cao khả năng thực hành nghệ thuật Bài chòi tại các địa phương trong tỉnh Quảng Nam, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa - nghệ thuật của các tầng lớp nhân dân và phục vụ nhu cầu thưởng thức của người dân, du khách trong và ngoài nước.
THU HOÀI