Chương trình 06 của Thành uỷ Hà Nội:
Nâng cao chất lượng thực hiện hương ước, quy ước
VHO - Kể từ khi thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025, việc thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn Thủ đô đã có nhiều chuyển biến tích cực; góp phần tích cực vào xây dựng đời sống văn hóa tại các khu dân cư.
Hương ước, quy ước là văn bản đóng vai trò quan trọng, phát huy tinh thần tự quản của cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố. Hương ước, quy ước góp phần xây dựng, duy trì và phát triển các quy tắc xử sự văn minh, lành mạnh trong cộng đồng. Nhờ đó mà cộng đồng tăng cường đoàn kết và gắn bó giữa các thành viên.
Với tầm quan trọng, việc xây dựng, triển khai thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân.
Trong đó, Kế hoạch số 176/KH-UBND của UBND TP Hà Nội về thực hiện Chương trình 06 có nêu rõ nhiệm vụ về tổ chức rà soát quy ước, hương ước trên địa bàn Thành phố, phát huy vai trò tự quản của thôn, tổ dân phố, bảo vệ, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp, hạn chế và từng bước loại bỏ phong tục lạc hậu, nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện quy ước hương ước.
Qua đó, phát huy hiệu quả của quy ước, hương ước và các giá trị văn hóa truyền thống trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh.
Hiện nay, các địa phương trên địa bàn Hà Nội đã xây dựng hương ước, quy ước dựa trên những giá trị truyền thống, có sự điều chỉnh phù hợp với thực tế đời sống hiện đại.
Thời gian qua, trên đại bàn Hà Nội, việc triển khai hương ước, quy ước đã được lồng ghép vào các phong trào vận động như Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; đưa các quy định ứng xử xã hội, vệ sinh công cộng, trách nhiệm công dân vào đời sống hàng ngày của người dân.
Những nội dung liên quan đến ứng xử trong gia đình; văn minh trong việc cưới, việc tang; giáo dục con cháu; giữ gìn cảnh quan môi trường đều được tích hợp vào các bản hương ước.
Điển hình, các quận, huyện Mỹ Đức, Hoài Đức, Gia Lâm đã tích cực đưa vào hương ước những quy định về thực hiện Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng và trong gia đình. Đồng thời, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, tác hại của thuốc lá... Các địa phương này đã tổ chức rà soát, kiểm tra và bổ sung những nội dung phù hợp, góp phần đảm bảo sự liên kết chặt chẽ giữa luật pháp và văn hóa địa phương.
Trong bối cảnh hiện đại hóa và đô thị hóa, quy ước, hương ước không chỉ là công cụ quản lý xã hội ở cấp cơ sở mà còn đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị. Nhiều địa phương ở Hà Nội đã cập nhật và bổ sung các nội dung quy ước, hương ước gắn liền với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, giữ gìn trật tự an ninh và các giá trị văn hóa.
Tại huyện Mỹ Đức, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng ban và xã, thị trấn đưa tiêu chí đánh giá hương ước, quy ước vào việc công nhận danh hiệu Làng văn hóa, Tổ dân phố văn hóa.
Còn ở Gia Lâm, việc rà soát và điều chỉnh quy ước, hương ước được thực hiện chặt chẽ, bảo đảm phù hợp với tiêu chí xây dựng phường, quận, qua đó duy trì và phát huy vai trò tự quản của cộng đồng trong việc gìn giữ giá trị văn hóa.
Hương ước, quy ước còn giúp bảo tồn phong tục, tập quán, loại bỏ các hủ tục lạc hậu. Các lễ hội truyền thống được tổ chức theo quy định của hương ước, góp phần gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể.
Ở một số nơi như phường Phú Lương (quận Hà Đông), dù đã đô thị hóa, nhưng các tục lệ truyền thống vẫn được duy trì. Việc tổ chức tiến cử các cụ cao niên hầu Thánh, 3-4 cụ cao tuổi ra trông đình, trông quán mỗi năm là một minh chứng rõ nét cho sự tiếp nối văn hóa làng xã ngay giữa lòng đô thị hiện đại.
Thời gian vừa qua, TP Hà Nội đã tích cực đánh giá, thống kê và tổ chức nhiều chương trình tập huấn về vai trò của hương ước, quy ước trong đời sống văn hóa. Việc tổ chức tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương không chỉ giúp củng cố các nội dung đã đạt được mà còn rút kinh nghiệm những thiếu sót, khuyết điểm, từ đó, cải thiện việc xây dựng và thực hiện hương ước.
Tháng 6.2024, Sở VHTT Hà Nội đã tổ chức tập huấn Nghị định số 61/2023/NĐ-CP về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước. Các buổi tập huấn không chỉ là dịp để các địa phương học hỏi lẫn nhau mà còn giúp nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo. Các nội dung đã được điều chỉnh theo hướng đảm bảo tính hiện đại, phù hợp với các quy định pháp luật, nhưng đồng thời vẫn giữ nguyên giá trị truyền thống.
Bản thân các hương ước tại nhiều địa phương đã trở thành tài liệu sinh động trong việc giáo dục con cháu về tinh thần tự quản, tự giác chấp hành các quy định chung của cộng đồng.
Chẳng hạn, hương ước làng Dừa (xã Yên Sở, huyện Hoài Đức), đã tồn tại gần 30 năm và vẫn giữ nguyên giá trị. Bản quy ước gồm 63 điều, bao quát các lĩnh vực văn hóa, xã hội, kinh tế, giáo dục, đạo đức và an ninh. Sau khi được thảo luận kỹ lưỡng với người dân, quy ước được in và phát tới từng hộ gia đình. Hương ước này là sự kết hợp giữa quy định pháp luật và giá trị văn hóa, truyền thống.
Bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình thực hiện hương ước, quy ước tại một số địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Nhiều bản hương ước, quy ước còn mang nặng tính hình thức; sau khi ban hành chưa được giám sát thực hiện một cách sát sao; tình trạng nể nang, không nhắc nhở khi có vi phạm vẫn còn khá phổ biến.
Nhiều hương ước, quy ước sao chép lặp lại chính sách, pháp luật; thiếu nét đặc trưng văn hoá, xã hội, phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục của các địa phương...
Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát quy ước, hương ước trên địa bàn thành phố, phát huy vai trò tự quản của thôn, tổ dân phố trong bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp. Hạn chế và từng bước loại bỏ phong tục lạc hậu; xử lý ngăn chặn hiệu quả những hiện tượng, hành vi xuống cấp về đạo đức, lối sống; đẩy lùi tiêu cực và tệ nạn xã hội.
Các địa phương cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của hương ước, quy ước trong quản lý xã hội, nhất là trong thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Tăng cường năng lực quản lý, thực thi về hương ước, quy ước theo Nghị định số 61/2023/NĐ-CP của Chính phủ. Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện hương ước, quy ước ở cơ sở đảm bảo dân chủ, khách quan, đúng theo quy định của Nhà nước, mang giá trị văn hóa riêng biệt của mỗi khu dân cư…