Chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội:

Động lực phát triển du lịch văn hóa của Thủ đô

ĐÌNH TOÁN – THANH MAI

VHO - Ngành Du lịch Việt Nam luôn xác định, du lịch văn hóa là một trong những nền tảng để phát triển du lịch bền vững, tăng sức hút với du khách. Không ngoại lệ, TP Hà Nội thời gian qua đã chú trọng xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa Hà Nội. Trong đó, trọng tâm là phát huy các giá trị văn hoá gắn với phát triển du lịch, tạo nên sản phẩm du lịch đặc trưng, đồng thời, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá bền vững.

Đây cũng là một trong những nội dung được triển khai thực hiện nhằm bám sát nội dung Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025.

Tận dụng tiềm năng, thế mạnh về văn hóa

Cụ thể, Kế hoạch 176/KH-UBND của UBND TP Hà Nội về thực hiện Chương trình 06 đã nêu rõ, tập trung phát triển du lịch văn hóa, coi du lịch văn hóa, du lịch di sản là trọng tâm, du lịch ẩm thực là động lực.

Động lực phát triển du lịch văn hóa của Thủ đô - ảnh 1
Văn hóa được chú trọng trong các sản phẩm du lịch của Hà Nội. Ảnh: Anh Tùng

Tổ chức chuỗi các hoạt động quảng bá du lịch gắn với giao lưu văn hóa, các hội nghị, hội thảo, hội chợ, các giải thi đấu thể thao quốc tế, gắn với giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch Thủ đô nhằm thu hút đối tượng khách du lịch có khả năng chi tiêu cao và lưu trú dài ngày.

Với định hướng rõ ràng cùng nguồn tài nguyên về di sản văn hóa phong phú, Hà Nội đã phát triển ba tuyến du lịch hiệu quả, mang đầy đủ 4 khía cạnh: di tích - di sản, văn hóa lễ hội, ẩm thực và nghệ thuật dân gian.

Tuyến đầu tiên kết nối Khu di sản Hoàng thành Thăng Long với Quảng trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Tuyến thứ hai mở rộng đến Thăng Long Tứ trấn, Hồ Tây, phố Cổ, chú trọng khai thác nghệ thuật truyền thống như múa rối nước Đào Thục và các di tích liên quan. Cuối cùng, tuyến Ba Vì khám phá hệ thống di tích đền Hạc, đền Trung, Vườn Quốc gia Ba Vì, kết hợp giá trị thiên nhiên và lịch sử.

Vừa qua, Hà Nội đã chính thức công bố và đưa vào khai thác tuyến du lịch văn hóa – làng nghề thứ tư mang tên Con đường di sản Nam Thăng Long, với các điểm đến Thanh Oai, Ứng Hòa và Mỹ Đức. Đặc biệt, tuyến du lịch cộng đồng Bản Miền Ba Vì cũng đã được khai trương, mang chủ đề “Chữa lành - Tịnh tâm - Dưỡng tuệ”, nhằm khai thác giá trị văn hóa bản địa và làng nghề thuốc Nam của người Dao.

Đây là sự hợp tác chặt chẽ giữa Sở Du lịch Hà Nội với các địa phương nhằm nỗ lực làm phong phú thêm trải nghiệm cho du khách, đồng thời, tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương.

Cùng với đó, nhiều tour du lịch được du khách ưa thích như Du lịch Đêm thiêng liêng của Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò; tour đêm Giải mã Hoàng thành Thăng Long; tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám Tinh hoa đạo học; tour du lịch đêm tại đền Ngọc Sơn và hồ Hoàn Kiếm với chủ đề Ngọc Sơn - đêm huyền bí; tour du lịch văn học chữ Tâm, chữ Tài…

Các tuyến phố đi bộ tiếp tục thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo nhân dân và du khách; nhất là vào những dịp kỷ niệm ngày lễ lớn và các sự kiện quan trọng.

Nâng tầm trải nghiệm cho du khách

Chị Yeng Fu (du khách Hồng Kông) chia sẻ: “Khi bước chân vào Hoàng Thành vào buổi tối, tôi cảm thấy như lạc vào một thế giới huyền ảo. Với ánh đèn vàng ấm áp chiếu sáng những bức tường cổ kính, tôi cảm nhận rõ sự hùng vĩ của những kiến trúc xưa, mỗi góc nhỏ đều chất chứa dấu ấn của thời gian. Đây thật sự là một trải nghiệm tuyệt vời, để lại trong tôi những kỷ niệm khó phai về di sản văn hóa và vẻ đẹp của đất nước Việt Nam”.

Động lực phát triển du lịch văn hóa của Thủ đô - ảnh 2
Du khách quốc tế chụp ảnh lưu niệm tại Hoàng thành Thăng Long

Ngoài ra, để tăng cường hiệu quả quảng bá, Hà Nội đã tích cực sử dụng các nền tảng truyền thông số. Các chương trình sự kiện văn hóa - du lịch được tổ chức thường niên như Lễ hội Áo dài Du lịch; Chương trình Du lịch Hà Nội chào 2023, 2024  (Get on Hanoi 2023, 2024); Lễ hội quà tặng du lịch...  đã thu hút sự quan tâm lớn từ du khách. Theo thống kê từ Sở Du lịch, nhờ hiệu quả từ công tác quảng bá, Lễ hội Áo dài Du lịch đã thu hút hàng chục nghìn người tham gia mỗi mùa tổ chức.

Theo đánh giá của Sở Du lịch Hà Nội, việc triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình 06 của Thành ủy và Kế hoạch số 176/KH-UBND của UBND Thành phố Hà Nội đã giúp cho hoạt động du lịch trên địa bàn Hà Nội đạt được những kết quả khả quan, từng bước phục hồi, phát triển ngành Du lịch, góp phần chung vào phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế gặp nhiều khó khăn, thách thức, khi nhiều ngành kinh tế phục hồi và tăng trưởng chậm, ngành Du lịch Thủ đô lại phục hồi và phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả tích cực. Các chỉ tiêu phát triển của ngành đều ở mức tăng trưởng cao, vượt các kế hoạch đề ra, trong đó, chỉ tiêu về tăng trưởng khách du lịch quốc tế có mức tăng trưởng ấn tượng nhất.

Du lịch Thủ đô ngày càng khẳng định được vị trí, hình ảnh, thương hiệu của mình trong khu vực cũng như trên thế giới. Qua các năm, Thủ đô Hà Nội liên tục được các tổ chức, chuyên gia, chuyên trang, tạp chí du lịch uy tín đánh giá cao về mức độ hấp dẫn du lịch.

Bên cạnh những kết quả tích cực, Sở Du lịch Hà Nội cũng thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế. Trong đó, có việc dù TP Hà Nội có tiềm năng, tài nguyên du lịch văn hóa lớn nhưng việc đầu tư khai thác, phát huy giá trị còn mức độ thấp; thiếu sản phẩm du lịch khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa; chất lượng dịch vụ tại một số điểm đến du lịch văn hóa gắn với di tích lịch sử, làng nghề truyền thống chưa cao, thiếu các sản phẩm du lịch trải nghiệm phục vụ du khách.

Ngành Du lịch Thủ đô cũng phải phải đối mặt với nhiều thách thức do một số điểm đến du lịch có dấu hiệu xuống cấp, thiếu cơ chế về thu hút đầu tư xây dựng được những sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo mang thương hiệu Thủ đô.

Để khắc phục một số hạn chế, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, sẽ tập trung phát huy giá trị cảnh quan không gian kiến trúc gắn với văn hóa để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc riêng có của Hà Nội như phố Cổ, phố Cũ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận…; phát triển dịch vụ du lịch gắn với bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử kháng chiến, văn hóa nghệ thuật.

Đồng thời, tập trung hỗ trợ các đơn vị triển khai tiến bộ khoa học trong công tác quản lý, điều hành, xây dựng các sản phẩm du lịch ứng dụng công nghệ cao. Coi trọng xây dựng các ẩn phẩm xúc tiến điện tử phù hợp với thị hiếu của từng khu vực trọng điểm, tổ chức các chiến dịch quảng bá, xúc tiến du lịch trên không gian mạng. 

Đề xuất thêm giải pháp, Chủ tịch Chi hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty lữ hành Asia Sun Travel Lê Thanh Thảo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Hà Nội cần thường xuyên tổ chức các chương trình văn hóa nghệ thuật truyền thống, nhằm tăng sức hấp dẫn của điểm đến, đồng thời, kéo dài thời gian lưu trú của khách quốc tế.

“Để thúc đẩy du lịch Hà Nội phát triển, cần có sự kết nối chặt chẽ giữa các nhà doanh nghiệp lữ hành và các cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, tận dụng các nhà hát và không gian văn hóa công cộng, tích hợp công nghệ vào biểu diễn... để tăng cường sự hiện diện của nghệ thuật truyền thống trong du lịch”, chị Lê Thanh Thảo bày tỏ.