Phát triển văn hóa đọc trên địa bàn TP Hà Nội:

Nét đẹp văn hóa của người dân Thủ đô

NAM ANH

VHO - Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Thủ đô thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025, TP Hà Nội đã đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực văn hóa…

Nét đẹp văn hóa của người dân Thủ đô - ảnh 1
Nhiều cuộc thi hưởng ứng phát triển văn hóa đọc được TP Hà Nội tổ chức trong thời gian qua

 Trong đó, ở lĩnh vực thư viện, năng lực phục vụ bạn đọc không ngừng được nâng cao với nhiều hoạt động khuyến đọc hấp dẫn. Việc phát triển văn hóa đọc ở Thủ đô cũng vì thế thu về nhiều kết quả khả quan.

Nhân lên tình yêu với văn hóa đọc

Theo Kế hoạch số 176/KH-UBND của UBND TP Hà Nội về việc thực hiện Chương trình 06, một trong những nội dung quan trọng được đề cập là phải nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thư viện, tiếp tục đổi mới phương thức, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ; chú trọng đến 3 hình thức phục vụ tại chỗ, phục vụ lưu động và thông qua không gian mạng, trong đó nhóm đối tượng hướng tới chủ yếu là thanh, thiếu niên; phát triển mô hình đọc sách thúc đẩy phát triển văn hóa đọc, góp phần xây dựng người Thủ đô thanh lịch, văn minh.

Thời gian qua, TP Hà Nội đặc biệt chú trọng đến việc phát triển hệ thống thư viện công cộng ở các cấp, phòng đọc cộng đồng và hỗ trợ cả thư viện tư nhân trên địa bàn; coi đây là những “mắt xích” quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Cũng nhờ sự vào cuộc với tinh thần “chung tay mới hay tiếng vỗ”, hệ thống thư viện, phòng đọc đã có nhiều đổi mới với các mô hình hay, hoạt động hấp dẫn, hiệu quả. Qua đó, góp phần gieo mầm tri thức, xây dựng người Hà Nội phát triển toàn diện, xứng tầm với vị thế của Thủ đô.

Tại phường Vạn Phúc (quận Hà Đông), có một phòng đọc sách được đặt ngay tại Khu di tích miếu Vạn Phúc, được cải tạo từ nguồn xã hội hóa để phục vụ người dân và du khách. Đến với mô hình này, tất cả mọi người đều có dịp tham quan, tìm hiểu về di tích, lịch sử làng cách mạng thông qua nguồn sách, tài liệu tại chỗ, trải nghiệm các hoạt động thú vị, từ đó, hun đúc tình yêu quê hương, đất nước và niềm tự hào dân tộc…

UBND phường Vạn Phúc cũng giao các đơn vị liên quan xây dựng, triển khai thực hiện Đề án “Văn hóa đọc kết nối lịch sử và du lịch làng nghề” với các nội dung như: Đưa vào tour du lịch tham quan làng Vạn Phúc hoạt động tìm hiểu văn hóa làng nghề, thông qua không gian sách kết hợp trải nghiệm ghép tranh lụa tại Khu di tích miếu Vạn Phúc; tổ chức những trò chơi dân gian, trò chơi tìm hiểu về lịch sử, văn hóa qua nội dung những cuốn sách hay có tại phòng đọc...

Theo chị Nguyễn Thị Huyền, công chức Văn hóa - xã hội phường Vạn Phúc, từ khi triển khai Đề án, phòng đọc đã trở thành địa chỉ văn hóa thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách đến tham quan, đọc sách. Nhiều hoạt động khuyến đọc kết hợp với tìm hiểu lịch sử địa phương được triển khai đã góp phần mạnh mẽ vào xây dựng phong trào học tập.

Hay Thư viện thôn Bình Vọng (xã Văn Bình, huyện Thường Tín) do Chi hội Người cao tuổi quản lý đã trở thành địa chỉ quen thuộc với nhiều người dân. Thư viện hoạt động theo mô hình mạng lưới viên, các hội viên cao tuổi quản lý, sắp xếp và vận động đóng góp sách không một đồng thù lao, với mong muốn có thể nhân lên tình yêu sách trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Mô hình hoạt động cũng rất chuyên nghiệp khi thường xuyên tổ chức họp rút kinh nghiệm để đưa ra các giải pháp thu hút bạn đọc đến với thư viện.

Nét đẹp văn hóa của người dân Thủ đô - ảnh 2
Thư viện Hà Nội luôn thu hút đông đảo bạn trẻ đến đọc sách, học tập

Tạo lập thế hệ công dân Thủ đô yêu sách

Không chỉ là những hoạt động giúp nâng cao năng lực phục vụ của thư viện, nhiều cuộc thi phát triển văn hóa đọc cũng được thành phố chú trọng triển khai với nhiều hình thức đổi mới, sáng tạo. Còn nhớ cách đây không lâu, Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc TP Hà Nội năm 2024 đã gây bất ngờ khi thông điệp về tình yêu với sách, văn hóa, con người Thủ đô được các thí sinh, đội thi thể hiện rất trẻ trung, hấp dẫn. Từ việc BTC khuyến khích sự sáng tạo ở các phần thi hùng biện, những câu thơ, hát, vè, điệu trống, nhịp phách... đã được các thí sinh sáng tạo nên một không gian của tri thức mang đậm dấu ấn văn hóa Thủ đô.

Với phong trào phát triển văn hóa đọc trong mỗi tổ ấm, cuộc thi Gia đình đọc sách - Phát triển tủ sách gia đình kết nối yêu thương vừa qua đã lan tỏa tình yêu sách vào từng “tế bào xã hội”; hướng tới xây dựng và hình thành nét đẹp trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập. Anh Nguyễn Bảo Tuấn, phụ huynh em Nguyễn Nhã Linh (lớp 5K, Trường Tiểu học Dịch Vọng A), một trong những gia đình tham gia cuộc thi cho biết, các hoạt động phát triển văn hóa đọc của thành phố những năm trở lại đây, trong đó có cuộc thi Gia đình đọc sách - Phát triển tủ sách gia đình kết nối yêu thương đã tạo nên sự cộng hưởng mạnh mẽ để chung tay phát triển văn hóa đọc.

“Tôi mong rằng sau cuộc thi này, thành phố sẽ có nhiều hoạt động hơn nữa để nhân rộng mô hình tủ sách gia đình, giúp tạo dựng thói quen đọc sách cho con trẻ. Những hoạt động phát triển văn hóa đọc sẽ góp phần xây dựng thế hệ công dân Thủ đô yêu sách, yêu tri thức, có ý thức trong rèn luyện bản thân để đóng góp hữu ích cho xã hội”, anh Nguyễn Bảo Tuấn chia sẻ.

Theo Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Thị Vân Anh, việc tổ chức, phát triển hệ thống thư viện sẽ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh theo đúng tinh thần của Chương trình 06. Vì vậy, các cấp, ngành, địa phương cần quan tâm đến công tác thư viện, phát huy sáng kiến xây dựng thư viện công cộng; nhân rộng, lan tỏa những cách làm hay, thiết thực. Sở VHTT Hà Nội, Thư viện Hà Nội sẽ hỗ trợ phát triển hệ thống thư viện công cộng; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để phát triển văn hóa đọc trên địa bàn thành phố.