Họp Ban Tổ chức, Ban Giám khảo chung kết toàn quốc Cuộc thi Đại sứ văn hoá đọc năm 2024

ĐÌNH TOÁN - THANH MAI

VHO - Chiều 29.8 tại Hà Nội, Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) đã chủ trì cuộc họp Ban Tổ chức, Ban Giám khảo chung kết toàn quốc Cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc năm 2024 nhằm triển khai và thảo luận công tác tổ chức cuộc thi trong thời gian tới.

Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024 là hoạt động trọng tâm, có ý nghĩa thiết thực góp phần tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, giai đoạn 2021 - 2025.

Họp Ban Tổ chức, Ban Giám khảo chung kết toàn quốc Cuộc thi Đại sứ văn hoá đọc năm 2024 - ảnh 1
Vụ trưởng Vụ Thư viện Kiều Thủy Nga phát biểu tại buổi làm việc

Thông qua cuộc thi, BTC mong muốn tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng, những giá trị tốt đẹp của văn hóa đọc trong việc nâng cao năng lực tiếp cận thông tin và tri thức của người dân Việt Nam; đặc biệt là phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, khơi dậy ý chí, khát vọng, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của thế hệ trẻ.

Cùng với đó, khơi dậy niềm đam mê đọc sách đối với thế hệ trẻ; trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm của việc đọc sách và phát triển văn hóa đọc. Từ đó, khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc trong nhà trường và cộng đồng, hình thành thói quen và nâng cao kỹ năng đọc sách cho học sinh, sinh viên.

Phát biểu tại buổi họp, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) Kiều Thuý Nga chia sẻ: “Đây là năm thứ 5 tổ chức cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc. Sau một khoảng thời gian triển khai, cuộc thi đã nhận được sự quan tâm của đông đảo học sinh, sinh viên trên toàn quốc. Qua vòng sơ khảo, tổ chức từ tháng 4 đến tháng 6, đã có 61 thư viện tỉnh, thành phố tham gia. Vòng chung kết bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 10.2024, do Bộ VHTTDL tổ chức. Lễ trao giải cuộc thi dự kiến diễn ra tại tỉnh Phú Thọ.”

Thành phần Ban Giám Khảo gồm 11 thành viên, đều là những người có chuyên môn từng tham gia chấm cuộc thi những năm trước đây. Bên cạnh đó, BTC cũng mời thêm giảng viên từ trường đại học.

Họp Ban Tổ chức, Ban Giám khảo chung kết toàn quốc Cuộc thi Đại sứ văn hoá đọc năm 2024 - ảnh 2
Toàn cảnh buổi làm việc

Trong khuôn khổ chung kết cuộc thi, bên cạnh hoạt động trao giải, BTC cuộc thi cũng dự kiến tổ chức nhiều hoạt động bên lề như triển lãm trưng bày các tác phẩm dự thi; buổi toạ đàm, gặp gỡ Đại sứ văn hoá đọc của các năm, nhằm giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm đọc và lan toả niềm đam mê đọc sách đến cộng đồng.

“Rút kinh nghiệm từ những năm trước, điểm mới của cuộc thi năm nay là các bài đăng ký dự vòng chung kết phải là các bài đạt giải cao ở vòng sơ khảo. Điều này không chỉ tạo nên chất lượng cuộc thi mà còn giảm áp lực chấm thi của Ban Giám khảo”, bà Kiều Thuý Nga nhấn mạnh.

Theo thông tin từ BTC, cuộc thi năm nay được tổ chức dành cho học sinh, sinh viên trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam, chia làm 2 nhóm đối tượng là nhóm học sinh tiểu học, THCS và nhóm học sinh THPT, sinh viên.

Nội dung bài dự thi phải trả lời đầy đủ 2 câu hỏi được đặt ra trong đề, có nội dung lành mạnh, trong sáng, phù hợp với thuần phong mỹ tục và văn hóa Việt Nam; đảm bảo tính chính xác, an toàn thông tin và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Họp Ban Tổ chức, Ban Giám khảo chung kết toàn quốc Cuộc thi Đại sứ văn hoá đọc năm 2024 - ảnh 3
Nhiều địa phương đã tổ chức thành công Cuộc thi đại sứ Văn hóa đọc năm 2024

Các cuốn sách được chia sẻ trong bài dự thi phải được phát hành hợp pháp tại Việt Nam (khuyến khích thí sinh chia sẻ các cuốn sách được xuất bản trong thời gian gần đây mang tính thời sự, có đề tài sát với cuộc sống, thể hiện khát vọng cống hiến cho xã hội), lưu ý có giới thiệu cụ thể, đầy đủ nguồn xuất bản của cuốn sách.

Các thí sinh gửi kèm theo bài dự thi giấy xác nhận đã tham gia hoạt động khuyến đọc tại trường học, địa phương, cộng đồng về BTC sẽ được cộng điểm khuyến khích.

Mỗi thí sinh tham gia gửi bài dự thi độc lập (không làm bài dự thi theo nhóm), ngôn ngữ trình bày bằng tiếng Việt và có thể sử dụng một trong hai hình thức viết hoặc dựng video.

Đối với hình thức viết (đánh máy, viết tay), độ dài bài dự thi viết không quá 5.000 từ (15 trang đánh máy).

Với dựng video, thời lượng tối thiểu là 5 phút, tối đa là 10 phút; có thể sử dụng các hiệu ứng, kỹ xảo và đảm bảo về chất lượng hình ảnh, âm thanh. Dung lượng tối đa là 2GB, có độ phân giải tối thiểu là 480px. Khung hình tối thiểu 854 x 480 trở lên; được lưu bằng định dạng phổ biến .mp4, .avi, .mpeg, .mkv, .klv... và phù hợp với việc đăng tải trên YouTube.

BTC cũng yêu cầu bài dự thi phải là sản phẩm sáng tạo của cá nhân thí sinh (các video dự thi phải do chính thí sinh thể hiện, bao gồm cả giọng đọc và dẫn chuyện), chưa gửi trưng bày, triển lãm, đăng tải trên các ấn phẩm, mạng Internet hoặc dự thi ở cuộc thi nào. 

Các trường hợp sử dụng các nội dung, đoạn trích, câu nói, tranh, hình ảnh, … của người khác trong bài dự thi phải có trích dẫn nguồn đầy đủ. Các video dự thi sử dụng hình ảnh, bài hát hoặc âm thanh phải thực hiện theo quy định về quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả và quyền liên quan. Thí sinh chịu trách nhiệm nếu có tranh chấp về pháp lý liên quan đến các vi phạm bản quyền (nếu có).

Dự kiến, BTC sẽ trao 4 danh hiệu Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu, 8 giải Nhất; 16 giải Nhì, 32 giải Ba và 64 giải Khuyến khích. Ngoài ra, BTC cũng trao 4 giải tập thể cho trường có nhiều thí sinh tham gia nhất; 1 giải cho trường có nhiều thí sinh đoạt giải nhất và 10 giải cho đơn vị tổ chức tốt vòng sơ khảo.

Tại buổi làm việc, các thành viên BTC đã cho ý kiến về công tác tổ chức vòng chung kết, công tác chấm bài dự thi và tăng cường truyền thông về cuộc thi…

Đối với công tác truyền thông, ông Nguyễn Hữu Ngọc, Phó Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL mong muốn cuộc thi sẽ nhận được sự ủng hộ, quan tâm của các cơ quan báo chí. Hình thức tuyên truyền cũng cần đổi mới, đa dạng thông qua các bài viết, phóng sự, đồ họa…

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc