Mở rộng cánh cửa xuất khẩu văn hóa Việt Nam (Bài 4):

“Mang chuông đi đánh xứ người” là phải tinh hoa

THU TRANG - THÚY HIỀN - THÙY TRANG - NGỌC NHIÊN - ĐÌNH TOÁN (thực hiện)

VHO - Giới chuyên gia cùng nhiều văn nghệ sĩ cho rằng, để hiện thực hóa khát vọng đưa văn hóa Việt Nam ra khắp năm châu, cần có một chiến lược đột phá, trong đó tập trung vào lĩnh vực có tiềm năng cạnh tranh. Lý tưởng hơn nữa là việc xây dựng một hệ thống hỗ trợ toàn diện. Bên cạnh đó cần sự bắt tay chặt chẽ, hiệu quả giữa giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa, âm nhạc… với văn nghệ sĩ và nhà sản xuất.

“Đưa Việt Nam lên bản đồ điện ảnh toàn cầu”

“Mang chuông đi đánh xứ người” là phải tinh hoa - ảnh 1

Bản sắc dân tộc chính là sức mạnh giúp điện ảnh Việt Nam tạo dấu ấn riêng trên trường quốc tế. Cho đến nay, những giá trị nhân văn, lòng trắc ẩn không chỉ thể hiện trong các tác phẩm điện ảnh kinh điển như Cánh đồng hoang hay Bao giờ cho đến tháng Mười mà tiếp tục được khai thác trong những bộ phim đương đại, với góc nhìn và cách thể hiện mới mẻ.

Việt Nam có cảnh quan thiên nhiên độc đáo, di sản văn hóa phong phú, cùng nguồn nhân lực tài năng. Tuy nhiên, kể từ sau Kong: Skull Island, Việt Nam vẫn chưa đón thêm các dự án lớn từ Hollywood.

Nhìn nhận thực trạng này, với nhiều hoạt động được triển khai, VFDA mong muốn thu hẹp khoảng cách giữa các nhà làm phim trong và ngoài nước, kết nối họ với các địa phương để thúc đẩy sản xuất phim tại Việt Nam.

Chúng tôi không chỉ quảng bá hình ảnh Việt Nam mà còn mong muốn kết nối các đối tác trong và ngoài nước, thúc đẩy hợp tác sản xuất nhằm đưa Việt Nam lên bản đồ điện ảnh toàn cầu.

Tuy nhiên, điện ảnh Việt Nam không thể chỉ dựa vào lợi thế về bối cảnh quay phim mà cần có một hệ sinh thái điện ảnh hoàn chỉnh để thu hút hợp tác quốc tế. Công nghệ, chính sách ưu đãi, đào tạo nhân lực và chiến lược phát hành là những yếu tố then chốt để nâng cao vị thế của điện ảnh Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Bên cạnh đó, cần chú trọng việc kết hợp giữa truyền thống và đổi mới công nghệ như ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất phim, điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng phim mà còn tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

(TS NGÔ PHƯƠNG LAN)

“Công tác đào tạo đưa nghệ thuật nước nhà ngày một vươn xa”

“Mang chuông đi đánh xứ người” là phải tinh hoa - ảnh 2

Những giảng viên, nghệ sĩ trực tiếp giảng dạy đánh giá cao giá trị quan trọng của những Đề án đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Đặc biệt, các Đề án này đã mang lại những giải thưởng danh giá, góp phần khẳng định vị thế của nghệ thuật Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Thời gian qua, số lượng giảng viên, nghệ sĩ, sinh viên nghệ thuật được Nhà nước gửi đi đào tạo, nhận học bổng ở nước ngoài rất lớn... Họ đã truyền cảm hứng cho những người trẻ muốn đi đến thành công bằng sức lao động sáng tạo.

Sâu xa hơn, sự thành danh của họ cũng có ý nghĩa như là một “sứ giả văn hóa”, mang hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Đồng thời là minh chứng cho hoạch định chiến lược phát triển nghệ thuật của Việt Nam từ đào tạo là hoàn toàn đúng hướng, nâng tầm nghệ thuật nước nhà ngày một vươn xa.

(PGS.TS NGUYỄN HUY PHƯƠNG)

“Hội nhập bằng “tinh hoa” của sân khấu Việt Nam”

“Mang chuông đi đánh xứ người” là phải tinh hoa - ảnh 3

Qua quá trình giao lưu, các nghệ sĩ sân khấu Lệ Ngọc hiểu sâu hơn về cách phát huy vai trò xã hội của nghệ thuật sân khấu. Chúng tôi luôn xác định mang đi giới thiệu nước ngoài phải là hình ảnh đại diện cho văn hóa đất nước. Muốn giành giải thưởng cao thì chương trình nghệ thuật mang đi phải là tinh hoa của sân khấu Việt Nam.

Với các chương trình nghệ thuật quy mô lớn, nhà nước cần hỗ trợ về các thủ tục giấy tờ cũng như điều kiện kinh tế để có thể đưa được các chương trình nghệ thuật chất lượng, mang tầm cỡ quốc gia tới khán giả khắp năm châu.

(NSND LỆ NGỌC)

“Sản phẩm xuất khẩu văn hóa là hàng hóa đặc biệt”

“Mang chuông đi đánh xứ người” là phải tinh hoa - ảnh 4

Cần phải coi mỗi sản phẩm nghệ thuật khi biểu diễn ở quốc tế như một loại hàng hóa đặc biệt. Chúng ta không nên áp đặt chủ quan trong dàn dựng tác phẩm ra nước ngoài mà cần nghiên cứu kỹ thị trường để xem sản phẩm mình làm ra có thật sự được khán giả quan tâm hay không.

Qua kinh nghiệm biểu diễn và tham gia ban giám khảo của các cuộc thi nghệ thuật xiếc quốc tế, tôi nhận thấy các chuyên gia quốc tế nhìn nhận về mặt kỹ thuật, các nghệ sĩ xiếc Việt Nam không thua kém các nghệ sĩ xiếc quốc tế.

Hơn thế, chúng ta có lợi thế bởi sự khác biệt trong sáng tạo đạo cụ cũng như các tiết mục luôn mang dấu ấn bản sắc văn hóa dân tộc đậm đà. Đây là điều thu hút, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

(NSND TỐNG TOÀN THẮNG)

“Xác định “mũi nhọn” trong chiến lược xuất khẩu văn hóa”

“Mang chuông đi đánh xứ người” là phải tinh hoa - ảnh 5

Mặc dù hiện nay chúng ta đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển và xuất khẩu văn hóa Việt Nam ra thế giới, nhưng thách thức cũng không nhỏ. Chúng ta mới chỉ bắt đầu bước vào lĩnh vực này, một lĩnh vực đã được nhắc đến nhiều nhưng chưa có những hành động rõ ràng và cụ thể.

Điều quan trọng là liệu chúng ta đã thực sự hiểu rõ cách thức phát triển, lựa chọn đúng ngôn ngữ văn hóa, hoặc ít nhất xác định được những loại hình có thể trở thành mũi nhọn trong chiến lược xuất khẩu văn hóa hay chưa. Tôi lo ngại rằng chúng ta chưa thể tiệm cận được những chuẩn mực quốc tế và xu hướng hiện đại.

Nếu không có một chiến lược rõ ràng, chúng ta dễ dàng rơi vào “ma trận” của việc đầu tư phân tán vào quá nhiều loại hình văn hóa cùng một lúc, điều này sẽ khó giúp đạt được hiệu quả cao. Hãy nhìn Hàn Quốc, họ đã lựa chọn phim ảnh và âm nhạc là lĩnh vực trọng điểm để xuất khẩu.

Trong phim, họ cũng chọn phim truyền hình trước, sau đó mới đến điện ảnh. Tương tự, âm nhạc cũng cần phải có những thể loại, phong cách đi đầu để có thể tạo dựng được vị thế vững chắc trên trường quốc tế.

Vì vậy, để phát triển xuất khẩu văn hóa Việt Nam, chúng ta cần có chiến lược bài bản, tập trung vào những lĩnh vực có tiềm năng lớn, và quan trọng hơn, xác định được những yếu tố có thể trở thành xu hướng toàn cầu trong tương lai.

(Nhạc sĩ HUY TUẤN)

“Xây dựng hệ thống quảng bá văn hóa Việt Nam toàn cầu”

“Mang chuông đi đánh xứ người” là phải tinh hoa - ảnh 6

Quảng bá văn học, văn hóa Việt Nam ra thế giới là xu hướng cần được thúc đẩy để tăng cường hội nhập toàn cầu, khẳng định dấu ấn và tiếng nói của dân tộc trên bản đồ văn hóa quốc tế. Mặc dù đã có những nỗ lực, song hoạt động này vẫn chưa hiệu quả.

Chẳng hạn, độc giả ở Mỹ chủ yếu hình dung văn học Việt Nam chỉ viết về chiến tranh, trong khi tác phẩm của chúng ta rất đa dạng về đề tài, khuynh hướng và giá trị biểu đạt.

Việt Nam cần tổ chức hoạt động quảng bá có tính hệ thống, chặt chẽ và gắn kết các bên liên quan như nhà văn, dịch giả, Nxb, đơn vị truyền thông trong và ngoài nước, độc giả trong nước và quốc tế.

Điều lý tưởng là thành lập Viện Dịch thuật Văn học Việt Nam để quy tụ nhà văn, dịch giả, chuyên gia, tuyển chọn tác phẩm phù hợp, liên kết với NXB và tổ chức sự kiện quốc tế. Hoạt động của Viện cần tập trung vào mục tiêu và chuyên môn, lựa chọn tác phẩm phản ánh bản sắc dân tộc và vấn đề nhân loại, kết hợp tính địa phương, toàn cầu và sáng tạo nghệ thuật.

Công tác giới thiệu, quảng bá cũng rất quan trọng. Cần tổ chức sự kiện giới thiệu sách, đưa sách đến các trường đại học, tổ chức tọa đàm, hội thảo chuyên môn. Điều này giúp độc giả quốc tế, cả đại chúng và chuyên gia, hiểu sâu hơn về văn học Việt Nam và lan tỏa rộng rãi tác phẩm.

(TS HỒ KHÁNH VÂN)

“Mỗi sản phẩm âm nhạc là một sứ giả văn hóa”

“Mang chuông đi đánh xứ người” là phải tinh hoa - ảnh 7

Ngay từ những sản phẩm đầu tiên, tôi đã tự đặt cho mình sứ mệnh, mỗi sản phẩm âm nhạc không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, mà còn là một sứ giả văn hóa, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt Nam, truyền tải thông điệp tích cực đến cộng đồng trong và ngoài nước.

MV “Bắc Bling” gặt hái nhiều thành công là một minh chứng cho con đường đó. Tôi ấp ủ một kế hoạch dài hơi để tiếp tục hành trình lan tỏa những giá trị văn hóa quý báu, khai thác và lan tỏa kho tàng văn hóa Việt Nam, sáng tạo những tác phẩm góp phần định vị thương hiệu quốc gia trên bản đồ nghệ thuật thế giới.

Với mỗi nghệ sĩ, việc truyền tải chân thực những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của từng địa phương, dân tộc vô cùng quan trọng. Thành công của một sản phẩm nghệ thuật phụ thuộc vào nhiều yếu tố, và “Bắc Bling” đã đạt được những thành tích vượt ngoài mong đợi, không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế. Tôi tin rằng thành công lớn nhất sẽ được đo lường bằng sự tăng trưởng của ngành du lịch Bắc Ninh trong thời gian tới.

(Ca sĩ HÒA MINZY)

“Kết hợp truyền thống, hiện đại để đưa âm nhạc Việt vươn xa”

“Mang chuông đi đánh xứ người” là phải tinh hoa - ảnh 8

Văn hóa không chỉ là giá trị truyền thống cần được gìn giữ, mà còn là cội nguồn sức mạnh, nguồn cảm hứng bất tận trong sự nghiệp. Xuất thân trong gia đình có truyền thống về âm nhạc, tôi luôn ấp ủ mong muốn đưa những giai điệu quê hương đến gần hơn với khán giả, đặc biệt là giới trẻ.

Những sản phẩm như “Trống cơm” là minh chứng cho sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Tôi tin rằng, bằng sự sáng tạo và đam mê, chúng ta có thể tạo ra những tác phẩm âm nhạc mang đậm bản sắc Việt Nam và phù hợp với thị hiếu khán giả đương đại.

Hi vọng rằng những sản phẩm như vậy sẽ tiếp tục được đón nhận và lan tỏa mạnh mẽ, góp phần đưa âm nhạc dân gian Việt Nam vươn xa hơn trên bản đồ âm nhạc thế giới.

(Ca sĩ SOOBIN HOÀNG SƠN)

“Bản sắc Việt là điều bạn bè quốc tế muốn khám phá”

“Mang chuông đi đánh xứ người” là phải tinh hoa - ảnh 9

Ước mơ lớn nhất của mỗi nghệ sĩ không chỉ đóng góp cho nghệ thuật nước nhà mà còn là đưa nghệ thuật Việt Nam vươn ra thế giới. Đây là con đường không hề dễ dàng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, tôi tin rằng điều này hoàn toàn khả thi. Sự phát triển của âm nhạc Việt Nam trong 5-10 năm qua đã đạt đến một tầm cao mới. Nhiều người bạn nước ngoài của tôi sau 10 năm trở lại Việt Nam đã thực sự bất ngờ trước thay đổi của thị trường âm nhạc.

Tôi tin rằng với tài năng của các nghệ sĩ Việt Nam, đặc biệt là thế hệ Gen Z, cùng với nền tảng vững chắc từ các thế hệ nghệ sĩ đi trước, chúng ta có thể hiện thực hóa những hoài bão lớn hơn.

Đưa âm nhạc Việt Nam ra thế giới là một mục tiêu lớn nhằm nâng cao hiệu quả ngoại giao văn hóa, đóng góp thiết thực vào quảng bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia. Để hiện thực hóa khát vọng vươn tầm quốc tế, chúng ta sẽ cần có sự cộng hưởng của nhiều yếu tố: Tài năng nghệ sĩ, chính sách hỗ trợ từ nhà nước, sự phát triển của thị trường âm nhạc, các công ty giải trí…

Sự phát triển đồng đều giữa tài năng và chính sách là điều cần thiết. Tôi tin rằng đây không phải là điều xa vời. Bản sắc trong âm nhạc và văn hóa Việt Nam là điều mà bạn bè quốc tế ngưỡng mộ và mong muốn khám phá.

Chúng ta cần tìm cách đưa bản sắc ấy ra khỏi biên giới Việt Nam, đồng thời chú trọng giữ gìn những giá trị cốt lõi. Con đường xuất khẩu văn hóa quốc gia nếu ngày càng mở rộng sẽ là động lực khuyến khích đối với nhạc Việt và các nghệ sĩ trẻ.

(Nghệ sĩ trẻ TRANG PHÁP)

“Đẩy mạnh xuất khẩu văn hóa từ các chương trình giao lưu”

“Mang chuông đi đánh xứ người” là phải tinh hoa - ảnh 10

Để đưa nhạc Việt ra thế giới cần sự hỗ trợ từ nhiều nguồn lực khác nhau. Sản phẩm văn hóa cần phải tạo tiếng vang và xây dựng thương hiệu trong nước trước, việc quảng bá sản phẩm ra thế giới sau đó sẽ trở nên dễ dàng hơn, đặc biệt trong những dịp giao lưu văn hóa quốc tế. Sự hỗ trợ từ Chính phủ và các cơ quan nhà nước cũng sẽ rất quan trọng để thúc đẩy và mở rộng thị trường ra thế giới.

Một trong những giải pháp quan trọng là bắt đầu sự phát triển từ các chương trình giao lưu văn hóa quốc tế. May mắn được tham gia các chương trình giao lưu văn hóa ở nhiều quốc gia, tôi nhận thấy môi trường giao lưu văn hóa quốc tế là bước đệm tốt để đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Với các nghệ sĩ, được tham gia các chương trình giao lưu văn hóa quốc tế thực sự là cơ hội lớn để đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới.

(Ca sĩ PHƯƠNG VY)

(Còn nữa)