Mở rộng cánh cửa xuất khẩu văn hóa Việt Nam (Bài 3):
Cần giải pháp đột phá những điểm nghẽn
VHO - Trong khi nhiều cường quốc về công nghiệp văn hóa như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… luôn xác định văn hóa là nguồn tài nguyên bất tận để gia tăng tiềm lực kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh và mở rộng tầm ảnh hưởng thì chúng ta dường như vẫn loay hoay mở cửa hành trình xuất khẩu văn hóa. Dẫu giàu có về tiềm năng nhưng bản sắc văn hóa Việt Nam có lẽ chưa thực sự nổi bật, chưa dễ nhận diện trên bản đồ toàn cầu.
Có nhiều “điểm nghẽn”, từ định hướng chiến lược, cơ chế chính sách đến triển khai thực hiện... được chỉ rõ là nguyên nhân của nghịch lý trên.

Tìm “điểm nghẽn” để xây dựng giải pháp
Nhìn lại số ít phim Việt đã có hành trình đi xa trên trường quốc tế, Những đứa trẻ trong sương hiếm hoi là tác phẩm đột phá, với thành tích góp mặt tại gần 100 LHP quốc tế, ra mắt tại nhiều rạp của Mỹ, Hà Lan, Singapore…, giành hàng chục giải thưởng và đề cử danh giá.
Thế nhưng, trên hành trình của Những đứa trẻ trong sương hay một số tác phẩm từng tạo tiếng vang trên bản đồ nghệ thuật thế giới, phải thẳng thắn thấy rằng đó là nỗ lực tự thân của hầu hết những nhà làm phim.
Nữ đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm từng hoang mang sau hàng chục lần bị từ chối hồ sơ xin hỗ trợ kinh phí trước khi nhận được sự hỗ trợ từ Quỹ điện ảnh Busan và một số quỹ khác trong khu vực châu Á, cho các khâu dịch tiếng Mông, dựng phim, hậu kỳ…
Giới mộ điệu điện ảnh cũng chưa quên thời điểm năm 2016, khi bộ phim Đảo đầu lâu - Skull Island tạo hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ với việc dựng bối cảnh tại Việt Nam.
Đạo diễn phim Jordan Vogt-Roberts nhiều lần chia sẻ cảm xúc mê đắm bởi cảnh quan tươi đẹp của Việt Nam và việc lựa chọn những danh thắng làm bối cảnh cũng đơn thuần bởi sự mê đắm đó.
Việc ê kíp thực hiện bộ phim không nhận được chính sách khuyến khích đáng kể nào ở thời điểm đó dường như hoàn toàn trái ngược với chính sách “trải thảm đỏ” của nhiều quốc gia lớn, nhằm tận dụng sức ảnh hưởng của nghệ thuật điện ảnh trong việc quảng bá bản sắc văn hóa quốc gia.
TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA) chia sẻ, nhìn sang Thái Lan, một năm thu hút trên dưới 100 đoàn làm phim lớn nhỏ thì tại Việt Nam, ở thời điểm này tính đi tính lại vẫn chưa hết được hai bàn tay.
“Các đoàn phim đến quay cảnh tại Việt Nam nhưng không được nhiều ưu đãi thì họ sẽ sang nơi có cảnh quan tương tự như Thái Lan, Philipinnes… Việt Nam có cảnh quan thiên nhiên độc đáo, di sản văn hóa phong phú, cùng nguồn nhân lực tài năng.
Tuy nhiên, kể từ sau Kong: Skull Island, Việt Nam vẫn chưa đón thêm các dự án lớn từ Hollywood…”, TS Ngô Phương Lan chia sẻ.
Nhận thức rõ tiềm năng quảng bá hình ảnh quốc gia, xuất khẩu văn hóa và thu hút du lịch từ điện ảnh, VFDA thời gian qua đã triển khai nhiều chương trình xúc tiến, quảng bá nhằm đưa Việt Nam lên bản đồ điện ảnh toàn cầu.
Chương trình xúc tiến điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ do Hiệp hội triển khai cũng là hoạt động thiết thực, nhìn thẳng vào “điểm nghẽn” để đưa ra giải pháp. Các chuyên gia đã thảo luận về cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực sản xuất phim, bao gồm việc khai thác lợi thế bối cảnh Việt Nam, chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, tiềm năng phát triển ngành công nghiệp hậu kỳ…
“Mục tiêu của chuyến đi này nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các nhà làm phim trong và ngoài nước, kết nối họ với các địa phương để thúc đẩy sản xuất phim tại Việt Nam. Chúng tôi không chỉ quảng bá hình ảnh Việt Nam mà còn mong muốn kết nối các đối tác trong, ngoài nước, thúc đẩy hợp tác sản xuất và đưa Việt Nam lên bản đồ điện ảnh toàn cầu”, bà Lan nhấn mạnh.
Để đạt mục tiêu đặt ra trên con đường xuất khẩu văn hóa, điện ảnh Việt Nam không chỉ cần thu hút các dự án quốc tế mà còn phải tạo ra những sản phẩm mang tầm vóc toàn cầu. Trong đó, hợp tác với Hollywood là hướng đi giúp nâng cao tay nghề, mở rộng thị trường và đưa điện ảnh Việt Nam vươn xa.
Những chính sách tốt, tính ưu đãi cao sẽ tương hỗ với lợi thế sẵn có về thiên nhiên, di sản, kiến trúc, ẩm thực…, đưa Việt Nam trở thành một phim trường lớn trên thế giới.
Từ khía cạnh này, tại buổi làm việc với đoàn đạo diễn điện ảnh Hollywood do Giám đốc sản xuất toàn cầu của Riot Studios (nhánh của Riot Games) Rose Lam dẫn đầu sang khảo sát bối cảnh quay phim tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Chính phủ Việt Nam, Bộ VHTTDL sẵn sàng tiếp tục hợp tác cùng các đối tác Hoa Kỳ để phát triển điện ảnh, du lịch, đóng góp cho sự phát triển chung của hai quốc gia.
Ông Nicholas Simon, Giám đốc điều hành và nhà sản xuất của Indochina Productions cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia được ưu tiên tìm kiếm khi du lịch hoặc làm phim. Có được lượng khán giả đông đảo và ổn định, việc một bộ phim của Riot Games được quay tại Việt Nam sẽ đem lại hiệu ứng rất tích cực.
Cần sự đầu tư và chiến lược dài hạn
Các chuyên gia nhìn nhận, “điểm nghẽn” cơ bản hiện nay là chiến lược phát triển xuất khẩu văn hóa chưa rõ ràng và đồng bộ, dẫn đến chưa tận dụng hết tiềm năng.
Bên cạnh đó là việc thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng về văn hóa, ngoại giao, du lịch và thương mại; thủ tục hành chính liên quan đến tổ chức sự kiện, biểu diễn nghệ thuật ở nước ngoài còn phức tạp và thiếu tính linh hoạt, gây khó khăn trong triển khai.
Xiếc Tre À Ố Show (thuộc Công ty CP Lune Production) không còn xa lạ với người yêu nghệ thuật Việt Nam và cũng đã trở nên quen thuộc với khán giả nước ngoài. “Xuất ngoại” từ năm 2015 và đến nay, À Ố Show là chương trình nghệ thuật Việt được lưu diễn nhiều nhất.
Cho đến nay À Ố Show đã có hơn 200 suất diễn phục vụ khoảng hơn 200.000 khán giả tại hơn 50 thành phố ở 13 quốc gia, 4 châu lục. Các quốc gia đã lưu diễn bao gồm Pháp, Đức, Slovenia, Hy Lạp, Australia, New Zealand, Brazil, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc), Oman, Saudi Arabia, Hungary...

Chương trình không chỉ giúp khán giả quốc tế hiểu rõ hơn về văn hóa Việt Nam mà còn là một trong những ví dụ điển hình của việc xuất khẩu văn hóa nghệ thuật. Đạo diễn, nhà sáng tạo Tuấn Lê chia sẻ, một yếu tố quan trọng giúp các chương trình nghệ thuật như À Ố Show thành công khi diễn ở nước ngoài là sự hỗ trợ về tài chính từ Chính phủ.
Các quốc gia châu Âu, đặc biệt là Pháp đã xây dựng hệ thống nhà hát quốc gia, nơi các chương trình nghệ thuật quốc tế có thể biểu diễn. Nhà nước tài trợ kinh phí cho các nhà hát này để bù đắp chi phí sản xuất và giảm giá vé, giúp người dân tiếp cận nghệ thuật với mức giá hợp lý.
Thêm vào đó, thói quen đi xem nghệ thuật cũng đã trở thành một phần trong đời sống văn hóa của người dân tại các thành phố lớn, đặc biệt là ở Pháp, nơi mà việc thưởng thức các chương trình nghệ thuật trở thành một phần trong sinh hoạt thường ngày. Điều này giúp xây dựng một lớp khán giả có nền tảng và thói quen thưởng thức nghệ thuật.
Đạo diễn Tuấn Lê cho rằng: “Muốn phát triển xuất khẩu văn hóa, yếu tố đầu tiên là phải có tác phẩm tốt. Tác phẩm cần giữ được bản sắc nhưng phải sáng tạo và có tinh thần đương đại để thu hút khán giả quốc tế. Và điều quan trọng nhất là phải chạm được cảm xúc người xem”.
Xuất phát từ thực trạng còn nhiều khó khăn để đưa múa rối đến với các thị trường lớn trên thế giới, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, NSND Nguyễn Tiến Dũng đề nghị cần giải pháp để có nguồn nhân lực dồi dào, đáp ứng nhu cầu biểu diễn trong nước và quốc tế.
Cùng với đó là nhu cầu về trang thiết bị hiện đại, phòng thu, âm thanh, ánh sáng… để nhà hát có thể tự sản xuất những sản phẩm đủ sức chinh phục thị trường nghệ thuật quốc tế.
Xác định sản phẩm chủ lực
PGS.TS Nguyễn Văn Thăng Long (Đại học RMIT Việt Nam) phân tích, “điểm nghẽn” lớn trong xuất khẩu văn hóa của Việt Nam là chiến lược phát triển. Đảng, Nhà nước và các Bộ, ban, ngành đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về tài chính, hệ thống văn bản luật về đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính…
Tuy nhiên, chúng ta dường như vẫn còn loay hoay trong việc xác định sản phẩm văn hóa chủ lực, các sản phẩm văn hóa phụ trợ của quốc gia, vùng để tính bài toán xuất khẩu.
Nhìn sang Hàn Quốc, thời gian gần đây đã xác định hai sản phẩm chủ lực là âm nhạc, phim ảnh để xuất khẩu văn hóa và quảng bá “Hallyu”, qua đó hỗ trợ việc phát triển các sản phẩm phụ trợ như mỹ phẩm, dịch vụ làm đẹp, du lịch.
Thái Lan cũng áp dụng chính sách “5F” để thúc đẩy xuất khẩu văn hóa, gồm: Food (ẩm thực), Film (phim ảnh), Fashion (thời trang), Fighting (võ thuật) và Festival (lễ hội). Việc thiếu định hướng chiến lược chi tiết về sản phẩm văn hóa khiến xác định đầu tư trọng điểm còn gặp nhiều khó khăn.
Do đó, nhiều chuyên gia đề xuất, Chính phủ và các địa phương cần xác định rõ những sản phẩm văn hóa có tiềm năng xuất khẩu cao, ví như âm nhạc, lễ hội...
Cùng với đó, những sản phẩm văn hóa hỗ trợ cũng cần được định hướng, như chương trình du lịch, trải nghiệm ẩm thực, thủ công mỹ nghệ, thời trang… Việc xác định rõ sẽ góp phần tạo dựng thương hiệu quốc gia, đưa văn hóa Việt Nam dễ dàng được nhận diện và tạo dựng uy tín trên trường quốc tế.
“Từ định hướng đó, chúng ta có thể xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ban, ngành liên quan đến văn hóa, du lịch, thương mại... để tạo sự đồng bộ trong việc xây dựng và triển khai chính sách, chiến lược phát triển và xuất khẩu văn hóa”, PGS.TS Nguyễn Văn Thăng Long gợi ý.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, một “điểm nghẽn” cần nhanh chóng được khơi thông là nhận thức đúng về tầm quan trọng của “sức mạnh mềm” thông qua xuất khẩu văn hóa.
Nhiều người không nhận ra rằng các chất liệu, sản phẩm văn hóa độc đáo có thể được xuất khẩu dưới dạng sản phẩm hiện đại, như phim ảnh, âm nhạc, thời trang…, mang lại nguồn thu khổng lồ nếu đi đúng hướng.
Ông Long cũng nhìn nhận: “Sự tràn ngập thông tin tiêu cực về văn hóa đã làm giảm khả năng tiếp cận của công chúng đối với các khía cạnh hiện đại và kinh tế của văn hóa, những giá trị tích cực bị lu mờ. Nhận thức chưa đúng sẽ khiến chúng ta tự ti, có tâm lý giữ gìn cho riêng mình hơn là phát triển và hướng tới việc xuất khẩu văn hóa”.
Trong bối cảnh này, giải pháp triển khai các chiến lược truyền thông dài hạn nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về giá trị, tiềm năng xuất khẩu văn hóa được giới chuyên gia tập trung đề xuất.
Các chiến dịch truyền thông có thể tập trung vào việc giáo dục công chúng về lợi ích của xuất khẩu văn hóa, chẳng hạn như đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và nâng cao vị thế quốc gia. Cùng với đó, Chính phủ cần thúc đẩy hợp tác quốc tế với các quốc gia có văn hóa xuất khẩu thành công.
Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm sản xuất và quảng bá các sản phẩm văn hóa một cách hiệu quả, chẳng hạn như Hàn Quốc với thành công trong việc quảng bá trang phục truyền thống Hanbok qua phim ảnh, âm nhạc; Thái Lan xây dựng thương hiệu ẩm thực “Thai Select” nổi bật trên toàn cầu…
Một yếu tố quan trọng khác là tận dụng sự ảnh hưởng của các nghệ sĩ nổi tiếng để tham gia tích cực vào các hoạt động giáo dục, giúp giới trẻ hiểu rõ hơn về tiềm năng và cơ hội xuất khẩu văn hóa.
Cuối cùng, việc chia sẻ câu chuyện thành công về hành trình đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới cũng sẽ tạo động lực, niềm tin về tương lai phát triển xuất khẩu văn hóa của quốc gia.
(Còn nữa)