Mở rộng cánh cửa xuất khẩu văn hóa Việt Nam (Bài 2):
Còn đó những khe cửa hẹp
VHO - Chỉ sau sáu ngày ra mắt, MV Bắc Bling của Hòa Minzy đã lọt top hai video được xem nhiều nhất thế giới trong 24h, top hai MV thịnh hành toàn cầu theo YouTube Charts ngày 5.3 vừa qua.
Thành công của Bắc Bling và một số sản phẩm của nghệ sĩ Việt từng lọt top trending YouTube thế giới cho thấy Việt Nam có thể tự tin tạo ra sản phẩm văn hóa, nghệ thuật chất lượng, vươn tầm quốc tế.
Tuy nhiên, những “cú hích” như vậy vẫn còn ít ỏi, và chúng ta vẫn chưa thực sự xuất khẩu được văn hóa rộng rãi.
Việc đưa văn hóa, nghệ thuật ra thế giới hiện nay còn manh mún, thiếu tính hệ thống và chuyên nghiệp, chủ yếu do cá nhân, tổ chức nhỏ lẻ thực hiện, khiến công nghiệp văn hóa (CNVH) Việt Nam chưa phát triển và mở rộng ra quốc tế đúng với tiềm năng.

Đường ra “biển lớn” còn gian truân
Dù đã có nhiều hoạt động, sự kiện đưa văn hóa truyền thống Việt ra thế giới, nhưng nhìn nhận một cách thẳng thắn thì thấy rằng, xuất khẩu văn hóa vẫn chưa được đặt trong một chiến lược phát triển cụ thể để trở thành mũi nhọn, đem lại lợi ích kinh tế cũng như khẳng định vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
Dẫu đã có những ngôi sao vụt sáng nhưng thiếu lộ trình đường xa đã khiến cho cánh cửa xuất khẩu văn hóa Việt Nam vẫn chỉ như một cánh cửa hẹp. Các chuyên gia chỉ rõ, đã đến lúc cần có cách tiếp cận mới, với tầm nhìn chiến lược, lâu dài để xuất khẩu văn hóa đóng góp mạnh mẽ vào sức mạnh mềm quốc gia, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, chúng ta có thể cảm nhận rõ niềm khát khao cháy bỏng từ những nghệ sĩ, nhà sản xuất và người làm văn hóa khi muốn đưa các chương trình, sản phẩm nghệ thuật của Việt Nam ra thế giới.
Ca khúc See tình của Hoàng Thùy Linh từng “làm mưa làm gió” trên các nền tảng mạng xã hội khi liên tục được các sao quốc tế và người dùng nhảy cover. Quang Hùng MasterD cũng là nam ca sĩ tên tuổi có độ viral khắp đất nước Thái Lan, với rất nhiều ca khúc được giới trẻ yêu thích.
Trước đó, Hãy trao cho anh của Sơn Tùng M-TP đã tạo nên hiện tượng âm nhạc khi cán mốc một triệu lượt xem chỉ trong vòng 8 phút, 10 triệu lượt xem sau 3 tiếng 47 phút và liên tục chiếm lĩnh thứ hạng cao trong bảng xếp hạng.
Những điểm sáng trong bức tranh phát triển CNVH bên ngoài biên giới quốc gia ít nhiều mang đến những hứng khởi, khẳng định nỗ lực không ngừng nghỉ của nhiều nghệ sĩ, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ. Thế nhưng, những cánh én nhỏ vẫn chưa thể làm nên mùa xuân.
Dù đã có những buổi biểu diễn mang tầm quốc tế như chương trình của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM (HBSO) tại châu Âu, hay dự án cá nhân của một số nghệ sĩ tiên phong như À Ố Show của Lune Production… nhưng tất cả chỉ là “đốm sáng” đơn lẻ.
Bức tranh tổng thể về xuất khẩu văn hóa vẫn còn khoảng trống lớn, bộc lộ rõ qua những chương trình riêng lẻ, tự phát mà thiếu một chiến lược bài bản, một hệ sinh thái hỗ trợ đủ mạnh.
Bên cạnh đó, không có sự kết nối giữa nghệ sĩ, nhà quản lý và doanh nghiệp để tạo thành một dòng chảy lâu dài. Dường như, chúng ta vẫn đang loay hoay với câu hỏi, làm thế nào để văn hóa Việt Nam bước ra sân khấu toàn cầu mà không chỉ dừng lại ở những “lát cắt” đó?

Còn đó những tiếc nuối
NSND Lệ Ngọc, Giám đốc Sân khấu Lệ Ngọc thẳng thắn, có rất nhiều chương trình nghệ thuật của nghệ sĩ Việt Nam ra nước ngoài biểu diễn chất lượng rất kém, lem nhem và chắp vá, tạo nên góc nhìn xấu về nghệ thuật Việt.
“Khi ra nước ngoài biểu diễn, các đơn vị phải xác định rằng mình là đại diện thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế. Các chương trình phải chuyên nghiệp, là những tinh hoa của văn hóa, nghệ thuật Việt Nam. Cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm duyệt chặt chẽ hơn đối với các chương trình nghệ thuật, các nhóm nghệ sĩ ra biểu diễn ở nước ngoài”, NSND Lệ Ngọc bày tỏ.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, điều gây tiếc nuối là nghệ thuật Việt Nam không thiếu những tác phẩm có thể làm lay động trái tim khán giả quốc tế. Từ những vở múa đương đại kết hợp với chất liệu dân gian như Sương sớm hay Làng tôi, đến những chương trình ca trù, quan họ, cải lương… đều có thể làm say đắm bất cứ ai yêu nghệ thuật. Nhưng khi thiếu đi sự đầu tư đồng bộ, thiếu một kế hoạch quảng bá dài hạn thì những tinh hoa này vẫn chỉ quanh quẩn trong biên giới đất nước.
Đồng quan điểm, NSND Quốc Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam nhận định, sự thiếu hụt cơ chế quản lý và hỗ trợ từ Nhà nước đang tạo ra rào cản lớn trong xuất khẩu văn hóa.Vấn đề tài chính cũng là trở ngại lớn khi chi phí tổ chức biểu diễn, quảng bá ở nước ngoài rất cao, trong khi nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp còn hạn chế.
Dẫn chứng cụ thể, NSND Thanh Hoa cho biết, chỉ riêng trong lĩnh vực âm nhạc, quá trình ra thế giới là chặng đường vô cùng khó khăn.
“Chúng tôi chưa có được sự hỗ trợ về kinh phí. Việc vận động, huy động nguồn lực xã hội hóa cũng rất khó khăn. Khi tham gia tổ chức thực hiện chương trình ở nước ngoài, chính tôi cũng phải bỏ tiền túi để mua vé máy bay, cộng với sự hỗ trợ của các hội đoàn về chi phí ăn ở. Nhưng vì yêu nghề, và mong muốn văn hóa Việt Nam được lan tỏa nên nhiều nghệ sĩ vẫn chấp nhận”, giọng ca Tàu anh qua núi bộc bạch.
Thiếu hệ sinh thái hỗ trợ
Thực trạng trên cho thấy chúng ta vẫn chưa thực sự đánh giá hoặc khai thác các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đúng tầm của các ngành công nghiệp giàu tiềm năng. Khi tư duy vẫn dừng ở chỗ văn hóa chỉ để thưởng thức thay vì văn hóa có thể tạo ra giá trị kinh tế, thì những chương trình nghệ thuật dù xuất sắc đến đâu cũng khó có cơ hội vươn xa.
Thế giới đã chứng minh rằng, văn hóa có thể trở thành ngành công nghiệp tỉ đô nhưng ở Việt Nam, đây vẫn còn là một khoảng trống, vẫn còn bị bó buộc trong tư duy cũ, thiếu vắng hệ sinh thái hỗ trợ bài bản.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu rõ, không thể phủ nhận rằng trong những năm gần đây, Nhà nước đã có những bước đi quan trọng nhằm nỗ lực đưa văn hóa, nghệ thuật nước nhà ra thế giới.
Thế nhưng chúng ta vẫn thiếu hụt về cơ chế, chính sách hỗ trợ dài hơi. Những nghệ sĩ, nhà sản xuất của Việt Nam phần lớn đang “tự bơi” trên hành trình đưa nghệ thuật ra thế giới. Họ thiếu vốn, thiếu kết nối, thiếu một chiến lược bài bản về truyền thông và quảng bá.
Ngay cả khi có những sản phẩm nghệ thuật chất lượng cao, họ cũng không có đủ nguồn lực để tổ chức các tour diễn quốc tế, để tiếp cận các thị trường tiềm năng hay đơn giản là để duy trì sự hiện diện lâu dài trên thị trường quốc tế.
Cũng cần phải nhắc đến sự “đứt gãy” trong chuỗi liên kết giữa nghệ sĩ, nhà sản xuất và doanh nghiệp. Ở các nước phát triển, một chương trình nghệ thuật thành công không chỉ dựa vào tài năng của nghệ sĩ mà còn có sự hậu thuẫn của các tập đoàn lớn, các tổ chức văn hóa và Chính phủ.
Họ đầu tư bài bản, xây dựng thương hiệu, tổ chức chuỗi lưu diễn quốc tế. Trong khi đó tại Việt Nam, rất ít doanh nghiệp coi đầu tư vào nghệ thuật là một chiến lược kinh doanh nghiêm túc. Các chương trình nghệ thuật vì thế thiếu đi nguồn lực, thiếu đi sự bền bỉ để duy trì và phát triển.
Và cũng không thể phủ nhận, nhiều lĩnh vực nghệ thuật dù giàu bản sắc nhưng vẫn chưa thực sự thích ứng với thị trường toàn cầu. Những chương trình mang đậm yếu tố truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, quan họ... có giá trị văn hóa rất cao nhưng chưa có cách tiếp cận mới mẻ để thu hút khán giả quốc tế.
Trong khi đó, các chương trình nghệ thuật đương đại phần lớn chưa tạo được dấu ấn riêng biệt, thiếu sức cạnh tranh trước những cường quốc văn hóa. Sự lúng túng trong cách kể chuyện, cách kết hợp giữa truyền thống và hiện đại khiến nghệ thuật Việt Nam dù đẹp, dù hay nhưng vẫn khó tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường thế giới.
Cuối cùng, chúng ta cũng chưa tận dụng hết sức mạnh của truyền thông và công nghệ để đưa văn hóa nghệ thuật Việt Nam ra xa hơn. Khi K-pop của Hàn Quốc bước ra thế giới, họ không chỉ dựa vào những buổi concert hoành tráng, mà còn có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ nền tảng kỹ thuật số, từ các chiến dịch truyền thông toàn cầu, xây dựng cộng đồng người hâm mộ.
Trong khi đó, nghệ thuật Việt Nam vẫn đang “thu mình” đâu đó trong những rạp hát nhỏ, những sân khấu mang tính thử nghiệm, với rất ít chương trình được quảng bá một cách bài bản trên phạm vi quốc tế.
TS Phạm Trí Thành, Chủ tịch Hội đồng trường trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội chia sẻ, muốn lan tỏa hình ảnh nghệ thuật biểu diễn ra nước ngoài, rất cần có những phương tiện quảng bá. Đối với nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam, cái khó nhất chính là chuyển đổi số.
Số hóa giúp cho khán giả trên thế giới có thể theo dõi được các chương trình biểu diễn nghệ thuật, là sợi dây liên kết, tăng tính tương tác giữa các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ với khán giả, đặc biệt là với khán giả nước ngoài...
Thế nhưng hiện nay, chuyển đổi số trong nghệ thuật biểu diễn còn nhiều khó khăn do điều kiện cơ sở vật chất không đồng bộ, đầu tư xây dựng nền tảng công nghệ số còn hạn chế, phân bố còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng nhu cầu.
“Nhà hát, rạp biểu diễn đều có tuổi đời hơn nửa thế kỷ nhưng trang thiết bị nghèo nàn, chưa đáp ứng được yêu cầu thích ứng với cách mạng công nghệ 4.0. Các sản phẩm nghệ thuật online chủ yếu mang tính chất tuyên truyền, chưa hấp dẫn để có thể kiếm tiền. Muốn thu được tiền của khán giả, phải có sự đầu tư về công nghệ để có những sản phẩm nghệ thuật thích ứng với thị trường nghệ thuật”, TS Phạm Trí Thành trăn trở.
Một cách tổng thể có thể thấy, nguyên nhân khiến Việt Nam chưa thể “mở toang” cánh cửa xuất khẩu văn hóa đến từ nhiều yếu tố, từ tư duy, chính sách, sự đầu tư cho đến cách tiếp cận thị trường.
Khoảng trống này nếu không sớm được khắc phục từ gốc rễ, xây dựng cho được một chiến lược dài hạn thì văn hóa nghệ thuật Việt Nam còn tiếp tục đối diện với những gian truân trên đường ra biển lớn, những nốt trầm lặng lẽ sẽ không đủ sức trở thành một bản hòa ca.
(Còn nữa)