Mở rộng cánh cửa xuất khẩu văn hóa Việt Nam (Bài 1):

Định vị giá trị văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế

THU TRANG - THÚY HIỀN - THÙY TRANG - NGỌC NHIÊN - ĐÌNH TOÁN

VHO - Trong thời đại ngày nay, văn hóa ngày càng khẳng định vai trò cầu nối giữa các dân tộc, nâng cao hiểu biết lẫn nhau, không chỉ là động lực của sự phát triển bền vững mà còn góp phần tăng cường uy tín quốc gia, tạo tiền đề thúc đẩy hợp tác phát triển. Sức mạnh văn hóa được ví như “sức mạnh mềm” được nhiều quốc gia sử dụng thành công để truyền bá hình ảnh của mình ra thế giới.

Phát huy “sức mạnh mềm” như một thành tố quan trọng trong sức mạnh tổng hợp quốc gia, xuất khẩu văn hóa Việt Nam được xác định là hướng đi quan trọng nhằm định vị thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước trong chuỗi giá trị toàn cầu.

 Con đường chinh phục khán giả thế giới ở các loại hình văn hóa, nghệ thuật Việt từ chỗ chỉ trông cậy vào yếu tố may rủi thì nay, đã không còn hiếm tên tuổi những ngôi sao điện ảnh, âm nhạc, danh họa… chiếm lĩnh thị trường quốc tế, bao gồm cả những thị trường có nền công nghiệp văn hóa phát triển mạnh mẽ. Không chỉ là những ngôi sao may mắn, tín hiệu vui cho thấy con đường quốc tế hóa các giá trị văn hóa Việt trên khắp năm châu đang dần rộng cánh cửa.

 Định vị giá trị văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế - ảnh 1
Việt Nam đã có những show diễn tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế. Trong ảnh: Concert “Anh trai vượt ngàn chông gai”

Đâu chỉ có nón lá, áo dài

Chừng hơn thập niên trước, văn hóa Việt vốn chỉ được quốc tế biết đến với phổ biến là hình ảnh nón lá, áo dài, phở... Những năm gần đây, văn hóa nghệ thuật Việt Nam đã và đang vươn ra thế giới, góp phần xây dựng hình ảnh quốc gia giàu bản sắc và hội nhập mạnh mẽ.

Nổi bật có thể kể đến là âm nhạc và điện ảnh, nơi các nghệ sĩ và tác phẩm Việt đã bắt đầu khẳng định được vị thế trên trường quốc tế.

Đánh giá từ Cục Điện ảnh, Phim Việt những năm qua xuất hiện rất ít trong mạng lưới phát hành phim ở nước ngoài, chủ yếu được biết đến qua một số liên hoan phim quốc tế và khu vực.

Dẫu còn nhiều gập ghềnh nhưng chính những nhà làm phim cũng thừa nhận sự phát triển của điện ảnh Việt đang dần bước qua biên giới quốc gia, đến với nhiều thị trường tại các quốc gia, châu lục.

Đạo diễn, nhà sản xuất Lương Đình Dũng chia sẻ, phim Việt Nam hiện nay đã xuất hiện ở nhiều LHP lớn trên thế giới, đó là điều không dễ dàng và là một thành tựu lớn mà các đạo diễn đã mang lại cho điện ảnh Việt Nam.

Thị trường điện ảnh quốc tế trước đây vốn chưa mặn mà với phim Việt, nhưng gần đây cũng chứng kiến những bước tiến rõ nét. Phim Mai của Trấn Thành không chỉ tạo những kỷ lục trong nước mà còn trở thành phim Việt đầu tiên thu về 1 triệu USD (hơn 23 tỉ đồng) trong tuần công chiếu đầu tiên tại thị trường nước ngoài.

Bộ phim thu về 917.000 USD (22,7 tỉ đồng) tại 154 rạp ở Bắc Mỹ và thu thêm 133.000 USD (3,3 tỉ đồng) tại các nước châu Âu gồm: Anh, Pháp, Đức, Na Uy, Ba Lan, Cộng hòa Czech, Slovakia. Sự thu hút từ bộ phim ít nhiều đã mở ra cơ hội lớn hơn cho điện ảnh Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Trước đó, cũng theo Cục Điện ảnh, chỉ có một số ít phim Việt bán được cho nước ngoài như Hai Phượng, Bố già… Một số phim sau khi công chiếu trong nước đều tìm đường phát hành ở hải ngoại phục vụ kiều bào.

Đây cũng là một đầu ra của những tác phẩm điện ảnh Việt bên cạnh các nền tảng thu phí trong và ngoài nước. Những thành công này không chỉ giúp nâng cao giá trị văn hóa dân tộc mà còn thúc đẩy sự giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.

Sự phát triển mạnh mẽ của âm nhạc Việt Nam trong những năm gần đây đặc biệt thu hút sự chú ý từ cộng đồng quốc tế. Các sự kiện âm nhạc lớn như lễ hội âm nhạc quốc tế Hò dô, các concert quy mô lớn của các nghệ sĩ Việt đã thu hút hàng ngàn người tham gia.

Thế hệ nghệ sĩ trẻ như Quang Hùng MasterD, AMEE, Vũ, Mỹ Anh, HIEUTHUHAI, TLinh,… không chỉ sở hữu những ca khúc bắt tai, dễ tiếp cận, mà còn thể hiện phong cách âm nhạc riêng biệt. Các ca khúc của họ thường xuyên góp mặt trên các bảng xếp hạng quốc tế, chứng minh sự kết nối mạnh mẽ giữa âm nhạc Việt và khán giả toàn cầu.

Nhiều nghệ sĩ Việt cũng đã thành công trong việc đưa âm nhạc Việt Nam ra thế giới, cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm âm nhạc quốc tế đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Âu Mỹ. Việc này giúp nâng cao giá trị nghệ thuật của âm nhạc Việt, đồng thời góp phần truyền bá văn hóa Việt đến bạn bè quốc tế.

Với sức lan tỏa, Việt Nam ngày nay đã trở thành điểm đến của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thế giới, với các chương trình như Bond Live in Vietnam trong chuỗi concert Good Morning Vietnam; tour lưu diễn The Music of ABBA (Âm nhạc của ABBA) của nhóm nhạc Arrival From Sweden; chương trình Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert 2024 với màn biểu diễn của Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Nga; chuỗi chương trình Musical Seasons 2024 - 2025 với sự tham gia của Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Hoàng gia Versailles, Dàn nhạc Les Musiciens du Louvre…

Sự xuất hiện của các nghệ sĩ quốc tế tại thị trường trong nước là tín hiệu tích cực cho thấy đang dần có sự hội nhập mạnh mẽ của nền nghệ thuật biểu diễn Việt. Những cầu nối mang âm nhạc đỉnh cao thế giới đến với khán giả trong nước còn giúp lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa, vẻ đẹp con người Việt Nam, góp phần quảng bá, thúc đẩy phát triển du lịch.

Thị trường âm nhạc Việt Nam năm qua cũng chứng kiến những thay đổi ngoạn mục, ghi dấu ấn và trở thành hiện tượng với các thương hiệu đình đám - Anh trai vượt ngàn chông gai, Anh trai say hi…, những “hot search” tạo hiệu ứng không chỉ trong nước mà cả thị trường quốc tế.

Cùng với đó, một làn sóng âm nhạc Việt Nam mạnh mẽ tiến ra biển lớn, với những đêm diễn tại các sân khấu quốc tế: Ca sĩ Hà Anh Tuấn với dự án Sketch a Rose, tại Esplanade (Singapore) và Sydney Opera House (Australia); ca sĩ Bằng Kiều với Bằng Kiều live in Tokyo, ca sĩ Văn Mai Hương với màn biểu diễn thành công tại TKO CONCERT, Tokyo, Nhật Bản…

Sự thành công bước đầu của các nghệ sĩ tại thị trường quốc tế đã chứng tỏ sức hút của âm nhạc Việt Nam và kỳ vọng được tiếp nối mạnh mẽ.

Điều này không chỉ mang lại niềm tự hào cho các nghệ sĩ mà còn hứa hẹn tạo ra nhiều cơ hội hợp tác, biểu diễn và kinh doanh âm nhạc, tăng nguồn thu cho nghệ sĩ và ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam, giúp âm nhạc trong nước tiếp cận với những xu hướng âm nhạc hiện đại trên thế giới.

 Định vị giá trị văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế - ảnh 2
Đêm nhạc BlackPink tại sân Mỹ Đình để lại nhiều bài học quý giá cho Việt Nam trong xuất khẩu văn hóa. Ảnh: BTC

Chinh phục thị trường quốc tế

Các chuyên gia và “người trong cuộc” cũng chỉ rõ, trước khi có thể hiện thực hóa một cách nhuần nhuyễn khát vọng xuất khẩu văn hóa Việt Nam ra thị trường quốc tế thì những nỗ lực để từng bước ghi dấu ấn, chinh phục nhiều đối tượng khán giả ở nhiều quốc gia, châu lục, trong đó có những thị trường khó tính được xem là một bước đi quan trọng.

Đạo diễn, nhà sản xuất Lương Đình Dũng - cái tên không mấy xa lạ ở một số liên hoan phim trên thế giới, cũng là người “chịu khó” đưa phim đến với các thị trường năm châu, chia sẻ: “Để bán phim ra được vài chục quốc gia một cách đúng nghĩa thì cũng khó chứ không phải dễ dàng. Nhiều khi ta tặng hay cho không họ cũng không nhận vì phim trên thế giới nhiều lắm, và cũng rất hay. Vì thế việc chiếu phim hay bán phim mà thu tiền được ở nước ngoài cho chính người nước ngoài xem là một thách thức khó khăn…”.

Ở lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn những năm gần đây, Việt Nam đã chủ động đăng cai tổ chức nhiều sự kiện về nghệ thuật biểu diễn có tầm cỡ khu vực và quốc tế, thu hút nhiều quốc gia có nền nghệ thuật phát triển mạnh.

Những liên hoan sân khấu đã thành thương hiệu như Liên hoan Xiếc quốc tế, Liên hoan Múa rối quốc tế, Cuộc thi tài năng xiếc trẻ 3 nước Đông Dương, Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm… ngày càng thu hút đông đảo các đoàn nghệ thuật quốc tế tham gia.

Điều đặc biệt là qua các cuộc thi này, nghệ thuật Việt Nam có cơ hội quảng bá và lan tỏa, các đơn vị Nhà hát Múa rối Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam… nhận được nhiều đơn đặt hàng biểu diễn của nhiều nước, nhiều cuộc liên hoan nghệ thuật quốc tế trên thế giới. Có những chương trình lưu diễn dài ngày ở nhiều quốc gia, thậm chí cả năm như: Làng tôi, Sông trăng

Sân khấu Lệ Ngọc trong 5 năm trở lại đây năm nào cũng có những chuyến lưu diễn tham gia các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật sân khấu quốc tế. Chỉ tính riêng năm 2024 đã có 7 chuyến lưu diễn nước ngoài tham gia các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật sân khấu quốc tế.

Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã định vị đánh dấu trên bản đồ xiếc thế giới bởi nhiều thành tích đáng nể. Bên cạnh đó, thị trường biểu diễn thế giới cũng ghi dấu ấn tên tuổi của nhiều nghệ sĩ Việt, gắn liền với hành trình đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Xu thế quốc tế hóa cũng thịnh hành trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn hiện nay là thông qua các phương tiện truyền thông, website, mạng xã hội, các tour du lịch, khách quốc tế đã tự tìm tới với một số địa chỉ như Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam...

Điển hình là Nhà hát Múa rối Thăng Long - Nhà hát duy nhất ở châu Á biểu diễn kín 365 ngày trong năm. Trung bình mỗi ngày, đơn vị biểu diễn 5 suất, thu hút hơn 300 khách mỗi suất, có thời điểm lên tới 8 suất/ngày.

Hầu hết du khách nước ngoài khi đến Hà Nội đều ghé thăm Nhà hát để thưởng thức chương trình múa rối. Năm 2024, Nhà hát nhận được hàng loạt đánh giá 5 sao từ khách du lịch quốc tế trên TripAdvisor - nền tảng du lịch lớn nhất thế giới; lọt vào top 10% hoạt động giải trí trên toàn cầu và được trao giải thưởng Tripadvisor Travelers’ Choice Awards 2024 (cấp 2)…

Tuy vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nước nhà còn rất nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được phát huy để phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa cũng như chinh phục mạnh mẽ thị trường quốc tế. Một trong những khó khăn lớn nhất là sự cạnh tranh khốc liệt từ các nền công nghiệp giải trí lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Âu Mỹ…

Dù đã có những sản phẩm âm nhạc, phim ảnh chất lượng cao, nhưng chúng ta vẫn còn thiếu sự đa dạng và tính chuyên nghiệp trong việc sản xuất, quảng bá và phân phối các tác phẩm.

 Định vị giá trị văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế - ảnh 3

 Mặc dù các nghệ sĩ và nhà sản xuất có tài năng và nhiệt huyết, nhưng việc thiếu nguồn lực tài chính để đầu tư vào sản xuất, quảng bá, và phát hành sản phẩm ra thế giới đã dẫn đến việc tiếp cận thị trường quốc tế bị hạn chế.

Hiện nay, các tác phẩm vẫn chủ yếu được phát hành tại các cộng đồng người Việt ở nước ngoài, thay vì được tiếp cận rộng rãi với khán giả quốc tế.

Việc thiếu chiến lược tiếp cận đối tượng khán giả toàn cầu, cùng với sự hạn chế trong việc tạo dựng mối quan hệ với các đối tác quốc tế, cách thức vận hành và quản lý chưa chuyên nghiệp khiến cho các sản phẩm Việt chưa thể phát huy tối đa tiềm năng.

(Nhạc sĩ NGUYỄN QUANG)

Nhạc sĩ Nguyễn Quang chia sẻ: “Mặc dù các nghệ sĩ và nhà sản xuất có tài năng và nhiệt huyết, nhưng việc thiếu nguồn lực tài chính để đầu tư vào sản xuất, quảng bá, và phát hành sản phẩm ra thế giới đã dẫn đến việc tiếp cận thị trường quốc tế bị hạn chế. Hiện nay, các tác phẩm vẫn chủ yếu được phát hành tại các cộng đồng người Việt ở nước ngoài, thay vì được tiếp cận rộng rãi với khán giả quốc tế. Việc thiếu chiến lược tiếp cận đối tượng khán giả toàn cầu, cùng với sự hạn chế trong việc tạo dựng mối quan hệ với các đối tác quốc tế, cách thức vận hành và quản lý chưa chuyên nghiệp khiến cho các sản phẩm Việt chưa thể phát huy tối đa tiềm năng”.

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cũng cho rằng hiện nay, chúng ta đang dường như thiếu vắng những tác phẩm lớn, có tầm vóc thời đại, tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, chưa đủ sức, có tiếng vang, lay động và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho xã hội.

Do ảnh hưởng của thị trường và sản phẩm ngoại lai, một bộ phận sáng tác chạy theo thị hiếu tầm thường, thiếu chiều sâu, làm phai nhạt bản sắc văn hóa dân tộc. Điều này đang khiến việc phát triển các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam gặp phải rào cản, nhất là trong quá trình lựa chọn chất liệu để xây dựng được những sản phẩm mang tính thương hiệu quốc gia. 

 Thị trường âm nhạc Việt Nam năm qua chứng kiến những thay đổi ngoạn mục, ghi dấu ấn và trở thành hiện tượng với các thương hiệu đình đám - Anh trai vượt ngàn chông gai, Anh trai say hi…, những “hot search” tạo hiệu ứng không chỉ trong nước mà cả thị trường quốc tế.

Cùng với đó, một làn sóng âm nhạc Việt Nam mạnh mẽ tiến ra biển lớn, với những đêm diễn tại các sân khấu quốc tế: Ca sĩ Hà Anh Tuấn với dự án Sketch a Rose, tại Esplanade (Singapore) và Sydney Opera House (Australia); ca sĩ Bằng Kiều với Bằng Kiều live in Tokyo, ca sĩ Văn Mai Hương với màn biểu diễn thành công tại TKO CONCERT, Tokyo, Nhật Bản…

Sự thành công bước đầu của các nghệ sĩ tại thị trường quốc tế đã chứng tỏ sức hút của âm nhạc Việt Nam và kỳ vọng được tiếp nối mạnh mẽ. Điều này không chỉ mang lại niềm tự hào cho các nghệ sĩ mà còn hứa hẹn tạo ra nhiều cơ hội hợp tác, biểu diễn và kinh doanh âm nhạc, tăng nguồn thu cho nghệ sĩ và ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam, giúp âm nhạc trong nước tiếp cận với những xu hướng âm nhạc hiện đại trên thế giới.