Phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam:
Nhân rộng những “cây cầu” kết nối liên ngành
VHO - Trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, du lịch văn hóa được xác định cần đẩy mạnh phát triển thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng. Văn hóa là tài nguyên để phát triển du lịch. Du lịch cũng chính là phương thức hữu hiệu để khai thác những giá trị kinh tế của văn hóa.

Tại Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9.6.2014, Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã đề ra mục tiêu, yêu cầu: “Xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam”. Nghị quyết đã thể hiện sự phát triển tư duy lý luận sâu sắc, mang tính thời đại của Đảng khi khẳng định sự cần thiết phải xây dựng, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.
Quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng, ngày 8.6.2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó khẳng định: “Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa”. Chiến lược xác định 12 lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa; đồng thời đề ra mục tiêu triển khai các lĩnh vực này đến năm 2030.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, công tác phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã đạt được một số kết quả nổi bật. Báo cáo đánh giá về kết quả triển khai, thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cho thấy, từ năm 2018-2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỉ đồng (44 tỉ USD). Trong 5 năm qua, bình quân tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa đạt 7,21%/năm.
Với những dấu ấn được ghi nhận thông qua việc triển khai Chiến lược, Việt Nam đang trở thành quốc gia tầm trung về phát triển công nghiệp văn hóa. Công nghiệp văn hóa tại nước ta vẫn còn nhiều dư địa phát triển. Việc 3 thành phố đã gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO gồm Hà Nội, Đà Lạt, Hội An đã đánh dấu căn cứ vững vàng để Việt Nam có thể xác định mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo là trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa thu hút và hội tụ sự sáng tạo tại khu vực Đông Nam Á; tăng cường lan tỏa các giá trị văn hóa Việt ra thế giới.
Mặc dù đạt được kết quả trên, song ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng nổi trội và lợi thế cạnh tranh của đất nước. Trong đó, nổi lên là các nguyên nhân về nhân lực phục vụ ngành Văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng, chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng. Nội dung, hình thức sản phẩm, dịch vụ còn hạn chế, chưa xác định được sản phẩm, dịch vụ trọng tâm; thiếu hệ thống theo dõi, thống kê để chuẩn hóa và đưa ra đánh giá. Công tác truyền thông, quảng bá cần tiếp tục được phát huy, tăng cường sâu, rộng ở các thị trường trọng điểm hơn nữa.
Đặc biệt trong du lịch văn hóa, rõ ràng, muốn du lịch văn hóa trở thành ngành công nghiệp văn hóa chủ chốt, là cầu nối “tình yêu” với các ngành công nghiệp văn hóa khác như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ… yếu tố tiên quyết là phải có được những sản phẩm du lịch sáng tạo mang đến trải nghiệm khác biệt cho du khách. Và chìa khóa để tạo ra sự khác biệt này chính là khai thác những yếu tố văn hóa mang tính bản sắc, đặc trưng của địa phương, điểm đến.
Nhu cầu du lịch văn hóa của du khách trong nước và quốc tế là rất lớn, nhưng nếu cho tất cả các đối tượng khách cùng thưởng thức chung một “món”, hay cùng một khuôn mẫu được sao chép, na ná nhau thì sẽ không thể tạo ra sức hấp dẫn. Vì thế, cần cá biệt hóa trải nghiệm của các nhóm du khách trong hành trình du lịch, chẳng hạn du khách trẻ tuổi quan tâm đến yếu tố giáo dục trong tour, còn du khách trung tuổi trở lên mong muốn các yếu tố mang tính gắn kết, sẻ chia... Chỉ khi chúng ta xây dựng được những sản phẩm tour du lịch mang tính đặc trưng riêng biệt thì khi đó, chúng ta mới có thể thu hút và phát triển ngành công nghiệp văn hóa lên tầm cao mới.
Để có thể tháo được nút thắt trên, điều quan trọng chúng ta phải phát triển du lịch văn hóa theo hướng đặt khách du lịch là trung tâm, từ đó kết nối du khách trong nước, quốc tế khi đến các địa phương. Khách quốc tế đến với Việt Nam phải được thưởng thức các tài nguyên văn hóa đặc sắc của vùng miền, địa phương, quốc gia đó; kết nối trải nghiệm về các sự kiện hoạt động nghệ thuật biểu diễn, các danh lam thắng cảnh, làng nghề thủ công mỹ nghệ, ẩm thực... đặc sắc của Việt Nam. Từ trải nghiệm của du khách và các tour tuyến du lịch sẽ hình thành “cây cầu” kết nối tình yêu của du khách đến các lĩnh vực công nghiệp văn hóa.
Cùng với đó, chúng ta cần thực hiện tốt một số giải pháp như tăng cường công tác truyền thông về các sản phẩm du lịch văn hóa có chất lượng cao của Việt Nam; xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách về phát triển công nghiệp văn hóa nhằm tạo khung pháp lý và khuyến khích sự phát triển của các ngành sản xuất văn hóa.
Ngoài ra, tập trung xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê và cơ sở dữ liệu về các ngành công nghiệp văn hóa. Tiếp tục triển khai thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời nghiên cứu, xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển đối với những ngành chưa có chiến lược, quy hoạch. Dành nguồn lực từ ngân sách để đầu tư, kiến tạo động lực cho sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa; đồng thời tăng cường công tác quản lý.
Xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ văn hóa theo hướng đa dạng, chất lượng cao dựa trên yếu tố đổi mới, sáng tạo; gắn kết giữa giá trị văn hóa truyền thống với giá trị văn hóa hiện đại. Nâng cao giá trị của các sản phẩm văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu thụ hưởng, gia tăng giá trị tiêu dùng văn hóa của người dân, du khách, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, hướng đến xây dựng các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa của Việt Nam trên thị trường văn hóa quốc tế.
Cuối cùng, cần tạo tính kết nối trong hành trình du lịch từ khi du khách đặt chân đến địa phương, khu vực để du khách luôn tạo được điểm nhấn, mới, hấp dẫn trong hành trình trải nghiệm... để du lịch văn hóa thực sự trở thành “Cây cầu tình yêu kết nối phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam”