Khánh thành Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

VHO - Sau 19 tháng đại trùng tu, chiều 3.8, UBND TP Hội An, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Lễ khánh thành Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu.

Khánh thành Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu - ảnh 1

Các đại biểu cắt băng khánh thành Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu

Theo đại diện Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, đơn vị được giao thực hiện trùng tu Chùa Cầu, vào ngày 28.12.2022, cũng tại nơi này, UBND TP Hội An tổ chức thành công lễ khởi công Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều) với tổng kinh phí được phê duyệt 20,2 tỉ đồng, trong đó ngân sách tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 50%, ngân sách TP Hội An bố trí 50%.

Phát biểu tại Lễ khánh thành, Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết, đây là lần đầu tiên công trình tu bổ di tích được "giải phẫu mở", thực hiện giữa lòng một đô thị di sản du lịch nhộn nhịp. Người dân, du khách được quan sát, tiếp cận và theo dõi, tìm hiểu toàn bộ quá trình thực hiện tu bổ di tích Chùa Cầu.

"Với sự khảo sát tỉ mỉ hiện trạng, cân nhắc kỹ lưỡng quan điểm, giải pháp tu bổ, cùng với sự tận tâm của đội ngũ trực tiếp tham gia dự án và ý kiến đóng góp của các chuyên gia về bảo tồn trong nước lẫn ngoài nước, nhất là chuyên gia đến từ Nhật Bản, Dự án tu bổ Chùa Cầu đã hoàn thành một cách bài bản, khoa học.

Khánh thành Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu - ảnh 2

Dự  án tu bổ Chùa Cầu được giới chuyên môn đánh giá đã thực hiện một cách bài bản, khoa học

Việc hoàn thành tu bổ di tích Chùa Cầu còn mang ý nghĩa to lớn trong dịp kỷ niệm lần thứ 20 sự kiện Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản", ông Sơn nói.

Phát biểu tại Lễ khánh thành, ông Phan Thái Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam cho biết:

Khánh thành Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu - ảnh 3

Dư luận và người dân, du khách kỳ vọng, sau khi Chùa Cầu được đưa trở lại hoạt động, chính quyền TP Hội An xử lý rốt ráo tình trạng ô nhiễm khu vực này

Chùa Cầu là Di tích quốc gia, có giá trị đặc biệt trong quần thể kiến trúc Di sản văn hóa hóa thế giới đô thị cổ Hội An; là công trình lưu giữ những dấu ấn lịch sử tiêu biểu, chiều sâu văn hóa đặc sắc, biểu thị cho truyền thống giao lưu văn hóa quốc tếcủa mảnh đất và con người Hội An, Quảng Nam nói riêng, cả nước nói chung.

Đây không phải là lần đầu Chùa Cầu được trùng tu. Công trình này đã trải qua ít nhất 7 lần tu bổ lớn vào các năm 1763, 1817, 1875, 1917, 1962, 1986, 1996.

Khánh thành Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu - ảnh 4

Chủ tịch UBND TP Hội An tặng Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tu bổ di tích Chùa Cầu

Việc trùng tu lần này là cấp bách vì nếu không công trình có nguy cơ sụp đổ khi mùa mưa bão đến. Vì lẽ đó, việc tu bổ di tích Chùa Cầu đặt ra yêu cầu rất cao về nhiều mặt cả trong quá trình chuẩn bị và triển khai thi công.

Theo Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình, quá trình trùng tu được UBND thành phố Hội An tiến hành rất kỹ lưỡng về mặt khoa học, lịch sử, văn hóa và các quy trình, thủ tục pháp lý.

“Có nhiều ý kiến khác nhau về kết quả trùng tu Chùa Cầu là việc rất bình thường, qua đó cho thấy rất nhiều người yêu mến Chùa Cầu, Hội An. Ngành Văn hóa, TP Hội An, lãnh đạo tỉnh luôn cầu thị, lắng nghe, tiếp thu, tham khảo để công tác trùng tu các di tích nói riêng và công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích tại Hội An cũng như trên địa bàn tỉnh được tốt hơn.

Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý, gợi mở mang tính xây dựng để ngành Văn hóa tiếp tục nghiên cứu, tham khảo và ứng dụng vào thực tiễn”, ông Bình chia sẻ.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch Phan Thái Bình ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương mọi sự đóng góp của tất cả các tổ chức, cá nhân, các nghệ nhân đã tham gia Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu trong thời gian qua.

Đồng thời bày tỏ lời cảm ơn tới các bạn Nhật Bản đã quan tâm, tư vấn hiệu quả cho Dự án, góp phần làm cho mối quan hệ giao lưu, hữu nghị giữa Việt Nam - Nhật Bản nói chung, Hội An - Nhật Bản nói riêng đã được gắn bó trong quá khứ trở nên bền chặt trong hiện tại và ngày càng tươi đẹp trong tương lai.

Hy vọng rằng, sau khi được tu bổ, Chùa Cầu sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, mang lại nhiều giá trị văn hóa và kinh tế cho Hội An.

Đây cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh một Hội An năng động, giàu truyền thống và luôn hướng tới tương lai; đặc biệt là dịp để đúc kết những kinh nghiệm thực tiễn về quy trình, kỹ thuật, giải pháp tu bổ nhằm phục vụ tham chiếu cho những công trình tu bổ di tích quan trọng sắp tới, không chỉ của địa phương mà còn đối với các di sản ở trong và ngoài nước.

Theo ghi nhận của P.V, trong buổi chiều diễn ra Lễ khánh thành, rất đông người dân địa phương và du khách đã có mặt ở khu vực gần Chùa Cầu để chiêm ngưỡng di tích sau khi được trùng tu.

Mặc dù di tích được xem là biểu tượng xuyên suốt 4 thế kỷ của phố cổ Hội An đã hoàn thành trùng tu, đảm bảo sự kiên cố, song vấn đề ô nhiễm tại khu vực Chùa Cầu vẫn khiến nhiều người lo ngại.

Nhiều  du khách cũng như các đại biểu dự Lễ khánh thành không giấu nổi sự khó chịu bởi mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ con lạch dưới chân Chùa Cầu. Dòng nước đen ngòm, bốc mùi ô nhiễm.

Dư luận và người dân, du khách kỳ vọng, sau khi Chùa Cầu được đưa trở lại hoạt động, chính quyền TP Hội An xử lý rốt ráo tình trạng ô nhiễm nói trên, trả lại vẻ đẹp vốn có khu vực Chùa Cầu.