Tranh cãi nhiều chiều về “diện mạo” mới Chùa Cầu sau trùng tu:
“Dư luận có ý kiến là việc rất bình thường”
VHO - Theo lãnh đạo Sở VHTTDL Quảng Nam, việc dư luận, nhiều người quan tâm có ý kiến khác nhau về kết quả trùng tu Chùa Cầu là việc rất bình thường. Qua đó cho thấy rất nhiều người yêu mến di tích này và Hội An.
Chiều ngày 29.7, ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam đã có những chia sẻ liên quan đến những thông tin, ý kiến nhiều chiều nhận xét về “diện mạo” trước và sau trùng tu di tích chùa Cầu- biểu tượng xuyên suốt 4 thế kỷ của Hội An được tranh luận sôi nổi những ngày qua.
Theo ông Hồng, việc dư luận, nhiều người quan tâm có ý kiến khác nhau về kết quả trùng tu Chùa Cầu là việc rất bình thường. Qua đó cho thấy rất nhiều người yêu mến Chùa Cầu, Hội An, nhất là hình ảnh cổ kính của Chùa Cầu.
Chùa Cầu là công trình kiến trúc, lịch sử, văn hoá đặc biệt, là di tích thành phần đặc biệt trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt Đô thị cổ Hội An, vừa là Di sản văn hoá thế giới.
“Chùa Cầu đã được trùng tu nhiều lần chứ không phải lần đầu tiên. Việc trùng tu lần này là cấp bách vì nếu không công trình có nguy cơ sụp đổ khi mùa mưa bão đến.
Việc trùng tu lần này đã được UBND TP Hội An tiến hành rất kỹ lưỡng về mặt khoa học, lịch sử, văn hoá và các quy trình, thủ tục pháp lý. Đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế, tham vấn ý kiến cộng đồng, lãnh đạo Hội An qua các thời kỳ, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu phía Nhật Bản (Jica, Đại sứ quán và các đối tác) và đã được UBND tỉnh, Bộ VHTTDL phê duyệt trên cơ sở thẩm định của các cơ quan chuyên môn”, ông Hồng cho biết.
Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam cũng thông tin thêm, theo báo cáo của Hội An và thực tế tại di tích Chùa Cầu hiện nay sau khi trùng tu cho thấy Hội An đã thực hiện đúng như thiết kế dự án đã được phê duyệt và đảm bảo các quy định pháp lý về trùng tu di tích.
Với vai trò quản lý ngành Băn hóa tỉnh, ông Hồng khẳng định, ngành văn hoá và thành phố Hội An luôn cầu thị, lắng nghe, tiếp thu, tham khảo để công tác trùng tu các di tích nói riêng và công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích tại Hội An cũng như trên địa bàn tỉnh được tốt hơn.
Đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý, gợi mở mang tính xây dựng để ngành văn hóa tiếp tục nghiên cứu, tham khảo và ứng dụng vào thực tiễn.
Như Văn Hóa phản ánh, từ ngày 25.7, đơn vị thi công tháo dỡ toàn bộ phần nhà bao che bằng khung sắt và mái tôn nên người dân và du khách dễ dàng chiêm ngưỡng toàn cảnh di tích Chùa Cầu sau 19 tháng trùng tu.
Ngay sau khi “lộ diện” sau cuộc đại trùng tu, diện mạo mới của di tích Chùa Cầu nhận nhiều ý kiến khác chiều từ dư luận.
Trong đó, có luồng ý kiến cho rằng “diện mạo” của chùa Cầu sau khi trùng tu quá mới, “quá trẻ”, lạ lẫm so với trước đây.
Theo ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An: Màu sắc hoàn thiện sau tu bổ của Chùa Cầu được quyết định giữ nguyên màu hiện trạng của tất cả cấu kiện gỗ, không sơn vẽ gì thêm; cấu kiện hay mới hoặc thành phần gia cố chỉ quét phủ chất bảo quản không màu. Tương tự phần thân mố, trụ cầu cũng hoàn toàn giữ nguyên không can thiệp về màu sắc.
Riêng đối với phần tường và chi tiết trang trí trên mái cần phải được phục hồi, bởi hiện trạng gần như đã phai màu hoàn toàn, trong khi cấu trúc vật liệu của chúng đều được làm từ gạch ngói, vữa vôi phần lớn đã bị mục mủn, mất liên kết nên phải được thay thế hoặc gia cố chắp vá để tận dụng.
“Việc phục hồi màu sắc, dù thế nào cũng không thể tránh làm cho di tích có phần “mới” ra, nhưng điều quan trọng hơn là đã giữ gìn được tính nguyên gốc, đảm bảo tính nguyên tắc trong tu bổ di tích phù hợp với bản chất vốn có của di tích. Để rồi theo thời gian, Chùa Cầu lại trở về với nét cổ kính, trầm mặc như đã từng trải qua trong lịch sử sau những lần trùng tu, hay trong mỗi dịp cúng tế, lễ hội, tết đến xuân về hằng năm”, ông Ngọc cho biết.
Qua nhiều tư liệu, từ khi được xây dựng đến cuối thế kỷ 20, Chùa Cầu đã được tu bổ ít nhất 7 lần vào các năm 1763, 1817, 1875, 1915, 1962, 1986, 1996.
Dù vậy, do những hạn chế về điều kiện kỹ thuật và nhiều yếu tố khác nên những lần tu bổ trong các năm gần đây nhất vẫn chưa giải quyết căn cơ đối với những nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp di tích. Vì vậy, vấn đề tu bổ Chùa Cầu tiếp tục được đặt ra và ngày càng cấp thiết.
Ngày 24.7.1999, Hội nghị tư vấn Trùng tu Chùa Cầu được tổ chức với sự quan tâm của nhiều chuyên gia nghiên cứu và bảo tồn di sản kiến trúc trong nước. Trong hơn một thập niên tiếp theo, những nội dung liên quan đến việc tu bổ cứu nguy Chùa Cầu liên tục được thảo luận, bàn bạc.
Song, xuất phát từ quan ngại sẽ làm Chùa Cầu “mới đi và trẻ ra”; và cũng do chưa tìm được giải pháp phù hợp nhất cho việc trùng tu một công trình mang tính biểu tượng, có giá trị đặc sắc như Chùa Cầu… nên trong suốt thời gian dài, việc tu bổ chỉ dừng lại ở mức gia cố, chống đỡ để tránh nguy cơ sụp đổ di tích.
Trước sự xuống cấp ngày càng nghiêm trọng của Chùa Cầu, ngày 16.8.2016, Hội thảo quốc tế về trùng tu Chùa Cầu được tổ chức quy mô với sự tham dự của nhiều nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu về tu bổ di tích kiến trúc gỗ trong nước và Nhật Bản.
Ngày 28.12.2022, dự án tu bổ di tích chùa Cầu có tổng mức đầu tư hơn 20,2 tỉ đồng chính thức khởi công. Dự án do UBND TP Hội An làm chủ đầu tư, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An thực hiện, Trung tâm Tư vấn bảo tồn di tích, Viện Bảo tồn di tích là đơn vị tư vấn. Ngày 3.8.2024, TP Hội An sẽ tổ chức khánh thành dự án trùng tu di tích Chùa Cầu.