Di tích chùa Cầu sau công tác trùng tu:
Tranh cãi nhiều chiều về “diện mạo” mới
VHO - Sau thời gian dài được che chắn để thực hiện tu bổ, tôn tạo, những ngày qua di tích chùa Cầu, Hội An (Quảng Nam) bắt đầu “lộ diện”, chuẩn bị khánh thành vào ngày 3.8 tới, và đã vấp phải những ý kiến nhiều chiều.
Ngay khi nhà khung bao che được tháo dỡ, hình ảnh chùa Cầu sau trùng tu ngay lập tức được dư luận quan tâm. Nhiều hình ảnh, ý kiến nhận xét về “diện mạo” trước và sau trùng tu di tích chùa Cầu, biểu tượng hơn 400 năm tuổi của Hội An được tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội, các diễn đàn…
“Lạ lẫm” và “điều dễ hiểu”
Hai luồng ý kiến hiện rõ trong dư luận những ngày qua là, một bên tỏ ra gay gắt, phản đối và cho rằng “diện mạo” của chùa Cầu sau khi trùng tu quá mới, “quá trẻ” so với trước đây. Một số chi tiết được thay thế, phục dựng trong quá trình trùng tu như hoa văn trên đỉnh mái, màu hoa văn, màu vôi, tường, ngói… quá mới, tạo cảm giác “khập khiễng”, không ăn khớp với phần giữ nguyên cũ. Phần đỉnh mái được thay thế bằng vật liệu mới, độ bền cao nhưng cũng được cho là quá hiện đại. “Nhiều du khách tới “check-in” chùa Cầu sau trùng tu như chúng tôi đã có cảm giác “sốc” vì thấy bề ngoài di tích mới quá. Phần cấu kiện gỗ, các chi tiết cụ thể bên trong như mặt sàn chùa Cầu, chỉ mới quan sát bên ngoài thấy tạm ổn, không khác mấy so với cũ. Nhưng “phiên bản” bên ngoài thấy sáng quá, hiện đại quá nên lạ lẫm”, anh Đặng Văn Tuấn, một KTS đến từ TP.HCM chia sẻ.
Trong khi đó, một luồng ý kiến khác lại đánh giá cao sự nỗ lực của thành phố, các chuyên gia trong việc bảo tồn di tích đặc biệt này và cho rằng trước và sau trùng tu không có gì quá khác biệt về mặt kết cấu. Việc phải thay thế các cấu kiện, chi tiết quá hư hại, không thể sử dụng được nữa trong quá trình tháo dỡ để trùng tu là điều không thể tránh khỏi. “Với một công trình đặc biệt như chùa Cầu, đơn vị trùng tu đã tuân thủ quy trình chặt chẽ, triển khai tỉ mỉ, công phu. Trong quá trình trùng tu hơn một năm rưỡi đã bao che thực hiện; khi tháo dỡ nhà bao che, những chi tiết “mới” sẽ khiến những người quan tâm di tích cảm thấy bất ngờ, thậm chí “sốc”, phản ứng thái quá là chuyện dễ hiểu. Trong tâm tưởng nhiều người, sau trùng tu, chùa Cầu vẫn phải y như cũ, nhuốm màu thời gian”, chị Lê Thị Thanh Hải, một người dân ở Hội An chia sẻ. “Quan sát bằng mắt thường vẫn thấy rõ ràng là về mặt kết cấu vẫn nguyên vẹn như xưa. Còn những cái mới như màu sắc chi tiết hoa văn, vôi tường… sáng hơn so với bản cũ cũng là điều dễ hiểu. Mới thì từ từ sẽ cũ, qua thời gian, tác động của khí hậu, nắng, mưa sẽ dần dần cũ và hòa hợp với không gian của phố cổ, di tích. Muốn chùa Cầu “cũ” thì chờ thời gian sẽ cũ, sẽ đẹp như trước thôi”, anh Nguyễn Đức Thịnh, một du khách đến từ Đà Nẵng nói.
“Thời gian sẽ nhanh mà”
“Kỹ thuật bây giờ vẫn có thể xử lý để những phần mới của công trình có thể mang màu sắc “giả cũ” như chùa Cầu trước trùng tu. Tại sao đơn vị thi công không thực hiện theo cách đó để hòa hợp, không gây “phản ứng” trong dư luận. Theo tôi nghĩ, việc trùng tu di tích là theo nguyên tắc, quy định. Hơn nữa, chùa Cầu là di tích sống, không phải là phế tích, di tích này đang sống, hiện hữu trong đời sống hằng ngày của cư dân phố cổ và cũng trải qua không ít lần trùng tu. Việc trùng tu lần này cũng sẽ là một câu chuyện trong hành trình lịch sử của di tích này. Theo thời gian, di tích sẽ lại cũ, đồng bộ, hòa hợp với không gian sống của di tích trong lòng di sản”, ông Phạm Văn Tâm, một người dân ở Hội An bày tỏ.
Xoay quanh câu chuyện về dư luận trái chiều giữa “cũ” và “mới” trước và sau khi trùng tu của di tích chùa Cầu những ngày qua, ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An chia sẻ: “Trùng tu có nguyên tắc của nó. Khi sơn phết lại nhìn phải khác cũ trước đây. Mình phải tôn trọng màu nguyên gốc, để tự nhuốm màu tự nhiên. Thời gian sẽ nhanh ấy mà”. Ông Ngọc cho biết thêm, những nguyên tắc cơ bản và định hướng giải pháp tu bổ di tích chùa Cầu là bảo tồn tối đa các yếu tố nguyên gốc cấu thành di tích (miếu, cầu, dòng chảy, các cấu trúc khảo cổ, thành phần giao thông gắn liền). Tôn trọng và giữ lại cho được sự hòa nhập của các thành phần kiến trúc thay thế và bổ sung qua các thời kỳ; tôn trọng thực thể khách quan và tuổi tác, niên đại, màu thời gian của công trình. Hạn chế tối đa sự can thiệp không cần thiết, tránh làm thay đổi những đặc điểm cơ bản tạo nên các giá trị của di tích. Trong trường hợp buộc phải can thiệp, ưu tiên bảo quản, gia cường trước khi áp dụng các giải pháp tu bổ, tôn tạo, phục hồi; sử dụng chủ yếu các thủ pháp và kỹ thuật tu sửa truyền thống, đặc biệt tuân thủ thuộc tính lắp ghép của cấu trúc nhằm không gây ra sự xáo trộn thể tĩnh học công trình. Không cản trở các thế hệ sau trong việc nghiên cứu cũng như duy tu, bảo dưỡng di tích.
Nguyên tắc này được cụ thể hóa thành các giải pháp kỹ thuật cơ bản trong quá trình trùng tu: Giữ lại tối đa các thành phần, cấu kiện cổ và cũ, không loại bỏ nếu vẫn còn khả năng cứu vãn bằng các kỹ thuật nối, vá, chắp, gắn kết hoặc gia cường bằng phương pháp khoa học. Trong điều kiện bắt buộc phải thay thế thì phải sử dụng những chủng loại vật liệu tương tự vật liệu gốc, không sử dụng vật liệu làm giả. Việc gia công và lắp ghép các cấu kiện mới này vào cấu trúc cũ sử dụng những phương thức truyền thống. Duy trì ở mức cao nhất các thành phần, cấu kiện cổ và cũ sau tu bổ, sau khi đã được xử lý bảo quản, gia cường để đảm bảo tính bền vững, ổn định. Các mảng sơn thếp còn sót lại, nếu ở tình trạng khả dĩ, dù không toàn vẹn, cũng không cạo xóa đi mà phải giữ lại, bên cạnh những mảng mới sơn phủ. Sự lạm dụng các chất liệu tạo màu hoặc chất liệu sơn thếp sẽ làm mất các thông tin, dữ liệu xác thực về lịch sử, độ tuổi của di tích.
“Các thành phần thay thế, bổ sung phải được phân biệt với các thành phần gốc để tránh sự nhầm lẫn, đặc biệt là các cấu kiện gỗ. Không sử dụng những kỹ thuật, thủ pháp dễ tạo ra sự nhầm lẫn giữa cái cũ và cái mới (chẳng hạn đẽo gọt cấu kiện cũ cho khít với phần ghép nối sau đó nhuộm màu phần cũ cho giống màu phần mới,...); “công khai hóa” phần mới thay vào, bộc lộ rõ quan điểm và kỹ thuật trùng tu, để chúng tự nhuốm màu thời gian một cách tự nhiên, không gượng ép”, ông Ngọc chia sẻ. Ngói lợp và trang trí nề ngõa trên mái tuy là vật liệu làm bằng đất nung, vôi vữa và dễ phục chế, song chúng cũng là nhân chứng của thời gian, của các đợt duy tu, cho nên cần được tái sử dụng tối đa. Các giải pháp đề xuất đều phải dựa trên căn cứ xác thực, không xuất phát từ các giả thuyết; không đặt mục tiêu phục hồi di tích về một thời điểm nào đó trong lịch sử, không đặt vấn đề tái tạo hình ảnh di tích trên cơ sở giả định sự thống nhất trong phong cách kiến trúc, nghệ thuật,…
Dự án tu bổ di tích chùa Cầu có tổng mức đầu tư hơn 20,2 tỉ đồng. Dự án do UBND TP Hội An làm chủ đầu tư, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An thực hiện, Trung tâm Tư vấn bảo tồn di tích, Viện Bảo tồn di tích là đơn vị tư vấn. Dự án khởi công vào cuối năm 2022, tiến độ thực hiện 360 ngày.
Trong quá trình tu bổ đã tổ chức nhiều lần tham vấn ý kiến của các chuyên gia về một số hạng mục quan trọng. Sau đó, tháng 5.2024, UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất gia hạn thời gian thi công tu bổ công trình bởi tính chất quan trọng của di tích này để nhằm hoàn thành các công việc, khối lượng còn lại của dự án.