Quan điểm, nguyên tắc và giải pháp áp dụng trong tu bổ di tích Chùa Cầu

KHÁNH CHI

VHO - Trùng tu di tích là chuyên ngành khoa học. Ngoài việc tuân thủ các quy định trong nước còn phải tuân theo các công ước, quy định Quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Ngày 30.7, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An – đơn vị được giao chủ trì thực hiện dự án trùng tu di tích Chùa Cầu đã thông tin cụ thể về quan điểm, nguyên tắc, giải pháp đã áp dụng trong quá trình tu bổ di tích này.

Quan điểm, nguyên tắc và giải pháp áp dụng trong tu bổ di tích Chùa Cầu - ảnh 1
Di tích Chùa Cầu sau trùng tu

Theo Trung tâm QLBTDSVH Hội An, trước hết phải khẳng định trùng tu di tích là chuyên ngành khoa học ngoài việc tuân thủ các qui định trong nước chúng ta phải tuân theo các công ước, quy định Quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Quan điểm áp dụng trong quá trình tu bổ tuân thủ thực hiện đồng thời bảo tồn giá trị và duy trì chức năng của di tích.

Mọi hoạt động can thiệp đều được tính toán trên cơ sở tôn trọng lịch sử, đảm bảo tính khoa học và khách quan. Hạn chế tối đa sự can thiệp không cần thiết lên di tích

Bên cạnh việc đưa ra những giải pháp nhằm bảo tồn đặc điểm, các giá trị của di tích, các giải pháp can thiệp cần đảm bảo gia tăng độ ổn định, bền vững lâu dài cho di tích trong điều kiện bảo tồn, duy trì toàn vẹn công năng từng thành phần cấu thành (miếu, cầu) của di tích.

Quan điểm, nguyên tắc và giải pháp áp dụng trong tu bổ di tích Chùa Cầu - ảnh 2
Quá trình tu bổ di tích Chùa Cầu 

Quá trình tu bổ đảm bảo giữ lại tối đa các dấu tích vật chất hiện hữu, xác thực hàm chứa các giá trị lịch sử văn hóa của di tích Chùa Cầu.

Qua đó, bảo tồn nguyên vẹn các giá trị kiến trúc, nghệ thuật đã tạo nên hình ảnh biểu tượng của Hội An.

Hoạt động tu bổ được thực hiện với cách tiếp cận khoa học trong tính toán các giải pháp can thiệp, dựa trên cơ sở nghiên cứu đầy đủ, xác thực và các đánh giá khách quan, toàn diện về di tích.

Quan điểm, nguyên tắc và giải pháp áp dụng trong tu bổ di tích Chùa Cầu - ảnh 3

Hạn chế tối đa sự can thiệp không cần thiết lên di tích

Bảo tồn kiến trúc gắn với tổng thể cảnh quan xung quanh. Việc tu bổ di tích Chùa Cầu được xem xét trong tổng thể, không tách rời việc tu bổ các thành phần kiến trúc của di tích với tôn tạo cảnh quan khu vực xung quanh.

Giải quyết triệt để các vấn đề về kết cấu để đảm bảo sự ổn định lâu dài của di tích. Các giải pháp gia cố, bảo quản và tu bổ phải loại bỏ các yếu tố gây hại đến hệ khung gỗ, cấu trúc cơ bản của di tích và hệ thống nền móng chịu lực, bờ kè bảo vệ nhằm đảm bảo sự ổn định của tổng thể công trình.

Quan điểm, nguyên tắc và giải pháp áp dụng trong tu bổ di tích Chùa Cầu - ảnh 4

Lối vào mặt trước di tích Chùa Cầu trước trùng tu

Theo ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm QLBTDSVH Hội An, quá trình tu bổ di tích Chùa Cầu theo những nguyên tắc cơ bản như:  Bảo tồn tối đa các yếu tố nguyên gốc cấu thành di tích (miếu, cầu, dòng chảy, các cấu trúc khảo cổ, thành phần giao thông gắn liền). 

Hạn chế tối đa sự can thiệp không cần thiết, tránh làm thay đổi những đặc điểm cơ bản tạo nên các giá trị của di tích.

Nguyên tắc này được cụ thể hóa thành các giải pháp kỹ thuật cơ bản sau:  Giữ lại tối đa các thành phần, cấu kiện cổ và cũ, không loại bỏ nếu vẫn còn khả năng cứu vãn bằng các kỹ thuật nối, vá, chắp, gắn kết hoặc gia cường bằng phương pháp khoa học kỹ thuật hiện đại. 

Quan điểm, nguyên tắc và giải pháp áp dụng trong tu bổ di tích Chùa Cầu - ảnh 5

Lối vào mặt trước di tích Chùa Cầu sau trùng tu

Trong điều kiện bắt buộc phải thay thế thì phải sử dụng những chủng loại vật liệu tương tự vật liệu gốc, không sử dụng vật liệu làm giả. Việc gia công và lắp ghép các cấu kiện mới này vào cấu trúc cũ cần sử dụng những phương thức truyền thống.

Duy trì ở mức cao nhất các thành phần, cấu kiện cổ và cũ sau tu bổ, sau khi đã được xử lý bảo quản, gia cường để đảm bảo tính bền vững, ổn định.

Quan điểm, nguyên tắc và giải pháp áp dụng trong tu bổ di tích Chùa Cầu - ảnh 6
Một số chi tiết phía bên trong Chùa Cầu sau trùng tu

Các mảng sơn thếp còn sót lại, nếu ở tình trạng khả dĩ, dù không toàn vẹn, cũng không cạo xóa đi mà phải giữ lại, bên cạnh những mảng mới sơn phủ. Sự lạm dụng các chất liệu tạo màu hoặc chất liệu sơn thếp sẽ làm mất các thông tin, dữ liệu xác thực về lịch sử, độ tuổi của di tích.

Các thành phần thay thế, bổ sung phải được phân biệt với các thành phần gốc để tránh sự nhầm lẫn, đặc biệt là các cấu kiện gỗ.

Không sử dụng những kỹ thuật, thủ pháp dễ tạo ra sự nhầm lẫn giữa cái cũ và cái mới (chẳng hạn đẽo gọt cấu kiện cũ cho khít với phần ghép nối sau đó nhuộm màu phần cũ cho giống màu phần mới...).

“Công khai hóa” phần mới thay vào, bộc lộ rõ quan điểm và kỹ thuật trùng tu, để chúng tự nhuốm màu thời gian một cách tự nhiên, không gượng ép.

Ngói lợp và trang trí nề ngõa trên mái tuy là vật liệu làm bằng đất nung, vôi vữa và dễ phục chế, song chúng cũng là nhân chứng của thời gian, của các đợt duy tu, cho nên đã được tái sử dụng tối đa.

Quan điểm, nguyên tắc và giải pháp áp dụng trong tu bổ di tích Chùa Cầu - ảnh 7
Du khách tham quan phía bên trong Chùa Cầu sau trùng tu

“ Các giải pháp đề xuất đều phải dựa trên căn cứ xác thực, không xuất phát từ các giả thuyết; không đặt mục tiêu phục hồi di tích về một thời điểm nào đó trong lịch sử, không đặt vấn đề tái tạo hình ảnh di tích trên cơ sở giả định sự thống nhất trong phong cách kiến trúc - nghệ thuật”, ông Ngọc thông tin.

Ưu tiên sử dụng vật liệu, kỹ thuật truyền thống, địa phương và giải pháp đã được chứng minh hiệu quả. Áp dụng có chừng mực khoa học công nghệ mới để bổ sung, hỗ trợ nhưng hạn chế công khai hoặc không bộc lộ,…

Những nội dung đã được áp dụng triệt để trong quá trình tu bổ di tích Chùa Cầu sẽ được tập hợp, xuất bản qua cuốn sách “Tu bổ di tích Chùa Cầu” phát hành nhân sự kiện khánh thành di tích này vào ngày 3.8 tới đây.