Cơ hội mới khai thác, phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa từ chuyển đổi số

HUY AN

VHO - Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia, ngày 1.10.2024 tại Hà Nội, Bộ VHTTDL tổ chức Hội thảo: “Định hướng phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình”. Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ VHTTDL dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo.

Cơ hội mới khai thác, phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa từ chuyển đổi số - ảnh 1
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ VHTTDL phát biểu chỉ đạo Hội thảo. Ảnh: Nam Nguyễn

Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình.

Thời gian qua, công cuộc xây dựng, phát triển và chia sẻ dữ liệu số của ngành VHTTDL và Gia đình luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và thúc đẩy mạnh mẽ của lãnh đạo Bộ VHTTDL.

Theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, tài nguyên số là một trong những tài nguyên lớn mà bất cứ quốc gia nào cũng cần tập trung quản trị và khai thác để biến nguồn tài nguyên này trở thành động lực phát triển kinh tế, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung.

Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Bộ VHTTDL đã tập trung triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số và coi đây là yêu cầu tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn mà Chính phủ đã chỉ đạo.

Ở góc độ quản lý, Bộ VHTTDL đã tham mưu, trình Chính phủ cho phép hình thành các hạ tầng cứng trong vấn đề công nghệ thông tin, ban hành các chiến lược, kế hoạch số hóa một số lĩnh vực như thư viện, du lịch, di sản…

Tính đến nay, trên hệ thống ngành VHTTDL đã tạo lập được 6.290 tài khoản cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các đơn vị để kê khai hồ sơ và đã hoàn thành 100% việc kết nối và đồng bộ lên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ công chức viên chức.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương,  Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ VHTTDL nêu rõ, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và đòi hỏi khách quan của sự phát triển trong thời đại ngày nay, mở ra cơ hội cho các quốc gia bứt phá vươn lên.

 Tại Việt Nam, chuyển đổi số đang được Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm. Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh yêu cầu cấp bách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đã có bài viết: “Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”.

Và vừa mới đây, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động chuyển đổi số hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trực tuyến và dựa trên dữ liệu giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030.

 Chính nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và xuyên suốt này giúp Việt Nam tăng 15 bậc về xếp hạng Chính phủ điện tử, đứng thứ 71/193 quốc gia, theo Báo cáo Khảo sát Chính phủ điện tử 2024 vừa phát hành vào trung tuần tháng 9 năm 2024 của  Liên hợp quốc.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết, dữ liệu đã và đang trở thành một trong những nguồn lực quý giá nhất, không chỉ là nền tảng mà còn định hình sự phát triển của các ngành kinh tế số.

Việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước, nhất là dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, các hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương sẽ giúp tối đa hóa giá trị dữ liệu; nâng cao chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân và doanh nghiệp, theo hướng lấy người dùng làm trung tâm.

Người dân và doanh nghiệp không phải cung cấp thông tin thủ công, nhiều lần cho cơ quan nhà nước, đơn vị cung cấp dịch vụ; tránh đầu tư trùng lặp, gây lãng phí.

“Không đứng ngoài xu thế đó, tại Bộ VHTTDL, Ban Cán sự đảng Bộ, lãnh đạo Bộ, đặc biệt là Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng - Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số của Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã quan tâm, chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản triển khai nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi số tại Bộ, cũng như triển khai các nội dung của đề án 06. 

Năm 2024, Bộ đã triển khai rà soát, làm sạch và đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo dữ liệu Đúng – Đủ – Sạch – Sống. Việc xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu hiện đại, đồng bộ và hiệu quả không chỉ giúp ngành quản lý tốt hơn mà còn mở ra những cơ hội mới để khai thác, phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa của đất nước.

Điều đó góp phần hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thể thao thông minh, tiện ích, gia tăng thành tích cho các VĐV; phát triển các dịch vụ du lịch thông minh, nâng cao trải nghiệm cho du khách, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nói.

Thời gian qua, việc triển khai công tác chuyển đổi số tại Bộ VHTTDL đã đạt được các kết quả tích cực. Trong đó, nhận thức và hành động về triển khai chuyển đổi số của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có nhiều chuyển biến; Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm chỉ đạo đáp ứng kịp thời.

Cùng với đó, hạ tầng số được tăng cường đầu tư, tập trung triển khai các nền tảng số dùng chung cho ngành VHTTDL như nền tảng bảo tàng số, nền tảng số về quản trị và kinh doanh du lịch; Dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp được triển khai ngày càng hiệu quả, tăng mức độ hài lòng đối với các dịch vụ công ích; Công tác đảm bảo an toàn, an ninh luôn được chú trọng.

Đặc biệt, nguồn lực dành cho chuyển đổi số, dữ liệu số được quan tâm, tăng cường, đặc biệt là kinh phí cho chuyển đổi số phục vụ công tác chuyên môn như triển khai các hệ thống ứng dụng, tạo lập cơ sở dữ liệu, duy trì vận hành, tuyên truyền và đào tạo đã tăng hàng năm.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương cho hay, cho tới nay, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL đã bước đầu hình thành số hóa, chuẩn hóa dữ liệu hiện có của một số lĩnh vực VHTTDL nhằm từng bước hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành như số hóa dữ liệu và cập nhật thông tin di sản văn hóa tại các phần mềm Hệ thống thông tin quản lý được triển khai trên phạm vi toàn quốc; Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam;

Cơ sở dữ liệu về lĩnh vực du lịch và các hệ thống thông tin cốt lõi tạo nền tảng xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới xây dựng, quản lý Chính phủ số đối với lĩnh vực du lịch; Số hóa, chuyển đổi, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Bộ.

Sau khi hoàn thành việc khảo sát cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Bộ VHTTDL đã xây dựng danh mục 17 cơ sở dữ liệu dùng chung theo quy định chung về xây dựng cơ sở dữ liệu và 38 cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ VHTTDL. Trong đó, 23 cơ sở dữ liệu mở cần được cập nhật thường xuyên, định kỳ 6 tháng/lần, bảo đảm cơ sở dữ liệu chính xác, đầy đủ.

Cơ hội mới khai thác, phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa từ chuyển đổi số - ảnh 2
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, một số đơn vị đi đầu trong chuyển đổi số của Bộ VHTTDL đã chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn trong xây dựng, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu.

Cùng với đó, những ý kiến tham luận của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp tại Hội thảo cũng đã làm rõ thêm những mặt tích cực và những khó khăn, hạn chế cần tháo gỡ trong công cuộc chuyển đổi số của ngành VHTTDL.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho rằng, dữ liệu là nguồn tài nguyên quan trọng như đất đai. Ngành nào có nhiều dữ liệu thì ngành đó sẽ có nhiều nguồn tài nguyên mới. Nhưng khác với đất đai hữu hạn, dữ liệu là vô hạn và càng ngày sẽ càng tăng lên. Việc xây dựng và phát triển dữ liệu là tạo ra được nguồn tài nguyên mới và tư liệu sản xuất mới.

Nhấn mạnh 5 nhiệm vụ về xây dựng cơ sở dữ liệu mà Bộ VHTTDL cần thực hiện thời gian tới, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho rằng, cơ sở dữ liệu của Bộ VHTTDL phải nằm trong Khung Kiến trúc CPĐT 3.0. Do vậy, Bộ khi xây dựng Kiến trúc 3.0 thì quy định cơ sở dữ liệu này phải được đồng bộ trong Kiến trúc để kết nối, chia sẻ dữ liệu trong Kiến trúc.

Hai là, phát triển cơ sở dữ liệu bắt buộc mọi hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức để đưa dữ liệu lên môi trường mạng thì dữ liệu mới sống được để đáp ứng mục tiêu 100% dữ liệu đúng, đủ, sạch, sống.

Ba là, phải xác định vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân cần làm gì và ai làm? Khi xác định rõ được vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan để bảo đảm dữ liệu ngành này chính xác thì dữ liệu mới sống được.

Bốn là, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành cần phải tuân thủ nguyên tắc: Dữ liệu đã có trên không gian mạng thì không thu thập lại; Dữ liệu khi thu thập xây dựng phải được kết nối, chia sẻ; Dữ liệu khi thu thập sẽ chia sẻ cho ai, chia sẻ như thế nào. Tránh việc, một công việc mà có nhiều người làm, một dữ liệu mà có nhiều nơi thu thập sẽ dẫn đến sự cát cứ, sai lệch, chồng chéo dữ liệu, tốn thời gian và nguồn lực thu thập dữ liệu.

Thứ năm là, khi có dữ liệu rồi, để dữ liệu được sử dụng, khai thác để phát triển kinh tế - xã hội phát triển thì phải có kịch bản sử dụng dữ liệu, khai thác dữ liệu thì dữ liệu mới có giá trị.

Thứ trưởng Phạm Đức Long cũng cho rằng, cần xây dựng hệ tri thức trợ lý ảo của Bộ VHTTDL để hỗ trợ công việc cho cán bộ, công chức, viên chức. Về việc này, Bộ TTTT sẽ hỗ trợ Bộ VHTTDL.

Cơ hội mới khai thác, phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa từ chuyển đổi số - ảnh 3
Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam trình bày ý kiến tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Nam Nguyễn

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, dữ liệu ngành du lịch hiện đang được lưu giữ tập trung trong hệ thống cơ sở dữ liệu của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.

Thời gian qua, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã triển khai hỗ trợ các bên liên quan như địa phương, điểm đến, doanh nghiệp du lịch, khách du lịch tham gia vào hệ sinh thái du lịch thông minh, khai thác các giá trị tăng thêm từ môi trường kinh tế số.

Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ chính như: Xây dựng Cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam; Xây dựng kết nối hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý ở trung ương, địa phương và doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch, xây dựng bản đồ số du lịch; phát triển ứng dụng du lịch quốc gia "Du lịch Việt Nam – Vietnam Travel" - công cụ hỗ trợ mạnh mẽ cho du khách từ tìm kiếm thông tin, đặt dịch vụ (vé máy bay, phòng khách sạn, vé tham quan…), thanh toán điện tử, tối ưu rải nghiệm du lịch đến hỗ trợ du khách đánh giá/phản hồi chất lượng dịch vụ để được bảo vệ quyền lợi; phát triển nền tảng Quản trị và kinh doanh du lịch nhằm tạo một môi trường số hỗ trợ kết nối các chủ thể trong ngành là cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch và khách du lịch; triển khai hệ thống thuyết minh đa phương tiện (Multi-media Guide) giới thiệu tới du khách các thông tin về các điểm du lịch, di tích, bảo tàng, khu vui chơi giải trí...được tích hợp trên ứng dụng du lịch quốc gia "Du lịch Việt Nam – Vietnam Travel" với hai nền tảng Android và iOS.

Cùng với đó, để hỗ trợ các địa phương chuyển đổi số cũng như giải quyết tình trạng manh mún, thiếu đồng bộ, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã xây dựng và ban hành Tài liệu Hướng dẫn chuyển đổi số trong ngành du lịch với chủ đề "Chuyển đổi nhận thức và thống nhất hành động", đồng thời phối hợp với nhiều tỉnh, thành phố để tổ chức các chương trình tập huấn về chuyển đổi số tại địa phương, qua đó hỗ trợ các địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch có thể tiếp cận, nghiên cứu và áp dụng triển khai, nâng cao chất lượng dịch vụ, định vị thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển theo hướng bền vững.

Đặc biệt, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam  đã hỗ trợ  áp dụng hệ thống vé điện tử “trực tuyến – Liên thông – Đa phương thức” tại nhiều điểm đến nổi bật, trong đó tiêu biểu như Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia…

“Có thể thấy, việc phát triển cơ sở dữ liệu trong ngành du lịch không chỉ hỗ trợ cho việc tối ưu hóa hoạt động trong lĩnh vực du lịch mà còn mở ra cơ hội phát triển cho các ngành kinh tế số khác như công nghệ thông tin, marketing số, dịch vụ trực tuyến… Các doanh nghiệp có thể thu thập, phân tích, áp dụng dữ liệu ddeerr phát triển các sản phẩm và dịch vụ số như phát triển ứng dụng di động, hệ thống đặt phòng trực tuyến, trải nghiệm thực tế ảo… Từ đó, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường và nâng cao trải nghiệm của khách hàng.”, ông Nguyễn Lê Phúc cho biết.

Trong khi đó, theo TS Phạm Thị Khánh Ngân, Cục Di sản văn hóa cho  biết, các hệ thống thông tin quản lý tại Cục Di sản văn hóa hiện nay đều là hệ thống nhằm thu thập, lưu trữ, quản lý, khai thác thông tin. Quá trình xây dựng hệ thống thông tin dựa trên các văn bản hướng dẫn, nghiệp vụ của các lĩnh vực để đưa ra tiêu chí đầu vào, đầu ra.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ trong định hướng chính sách, khó khăn về kinh phí, hạ tầng… đặc biệt, nguồn nhân lực vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng được với nhu cầu phát triển.

Do đó, cần có chính sách khuyến khích đào tạo, từng bước hoàn thiện đội ngũ cán bộ giỏi về chuyên môn, phát huy tối đa năng lực của đội ngũ này trong việc hoàn thành nhiệm vụ được giao với chất lượng cao.

Cơ hội mới khai thác, phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa từ chuyển đổi số - ảnh 4
Nhiều ý kiến, tham luận được trình bày tại Hội thảo

Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, cơ quan chuyên trách về chuyển đổi số của Bộ VHTTDL cho biết, một trong những ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới, Bộ VHTTDL sẽ tập trung hoàn thiện các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin mạng để bảo vệ cơ sở dữ liệu ngành.

Trong đó, Bộ VHTTDL tập trung nâng cấp hệ thống hạ tầng an toàn thông tin và công tác đảm bảo An toàn thông tin trong các dự án, kế hoạch như: Kế hoạch duy trì vận hành môi trường đáp ứng kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Đề án 06) năm 2024 và tới năm 2025, dự kiến sẽ hoàn thành 2 dự án là Dự án nền tảng tích hợp, xử lý dữ liệu trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch và Dự án xây dựng nền tảng, cơ sở dữ liệu quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương  cho biết sau Hội thảo này, để đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục tập trung xây dựng, phát triển nguồn nhân lực về công nghệ thông tin. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành VHTTDL, tạo sự kết nối với các dữ liệu khác, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi số, công tác quản trị, điều hành và hoạch định chính sách trong thời gian tới.

Hội thảo “Định hướng phát triển cơ sở dữ liệu ngành VHTTDL và Gia đình” diễn ra trong 1 ngày (1.10.2024) tại Phòng họp tầng 2, Khách sạn Pan Pacific Hanoi, số 01 Đường Thanh Niên  Quận Ba Đình, Hà Nội).

Trong phiên buổi sáng, Hội thảo có sự tham dự trực tiếp của hơn 150 đại biểu tại hội trường và hơn 1.000 lượt theo dõi trực tuyến tại địa chỉ: Hoithao.cntt.gov.vn.