Chuẩn bị thực hiện tu bổ, phục hồi và tôn tạo điện Cần Chánh

SƠN THÙY

VHO - Sau mấy chục năm nghiên cứu, di tích điện Cần Chánh (Đại Nội Huế) chuẩn bị được triển khai tu bổ, phục hồi với tổng kinh phí gần 200 tỉ đồng. Đây là công trình quan trọng nằm trên trục thần đạo của Kinh thành Huế, là nơi các vua Nguyễn thiết triều và tiếp sứ bộ ngoại giao.

Chuẩn bị thực hiện tu bổ, phục hồi và tôn tạo điện Cần Chánh - ảnh 1
Phối cảnh di tích điện Cần Chánh sẽ được phục hồi

Ngày 13.11, trao đổi với Văn Hóa, ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh” sẽ được động thổ vào dịp kỉ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23.11.2024 sắp tới.

Dự án sẽ được triển khai thực hiện trong 4 năm, với tổng kinh phí gần 200 tỉ từ nguồn ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế. Được biết, tháng 9.2024 vừa qua, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành nghị quyết 78-NQ/HĐND, có phương án sử dụng nguồn vượt thu phí tham quan di tích Huế năm 2023 để bố trí kinh phí 62,7 tỉ đồng cho dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh”.

Theo quyết định 2301/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về phê duyệt dự án này, việc triển khai tu bổ, phục hồi và tôn tạo điện Cần Chánh sẽ được triển khai trên quy mô diện tích khoảng 1ha.

Trong đó, tập trung tu bổ, phục hồi điện Cần Chánh với các hạng mục, như: tu bổ, gia cường nền móng, bó vỉa, bậc cấp theo nguyên trạng; tu bổ, phục hồi hệ chân táng đá thanh; nền lát gạch hoa; bảo quản và chống ẩm mối nền; phục hồi tường bao bằng gạch vồ…

Đặc biệt, phục hồi hệ khung gỗ, hệ mái, ván vách, liên ba, cửa; bảo quản chống ấm và chống mối toàn bộ cấu kiện gỗ; phục hồi sơn son thếp vàng toàn bộ hệ khung gỗ. Với hệ mái, phục hồi mái lợp ngói ống Hoàng lưu ly; bờ nóc, bờ quyết, ô hộc, con giống khảm sành sứ và trang trí mái trước bằng pháp lam.

Chuẩn bị thực hiện tu bổ, phục hồi và tôn tạo điện Cần Chánh - ảnh 2
Điện Cần Chánh ở Đại Nội Huế bị phá hủy năm 1947, chỉ còn lại nền móng

Dự án cũng sẽ tôn tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật, gồm: hệ thống điện chiếu sáng nội thất, đèn lồng, đèn ngoại thất; hệ thống phòng cháy chữa cháy; camera an ninh…

Việc tu bổ, phục hồi điện Cần Chánh theo tư liệu thời vua Khải Định. Qua nghiên cứu, sưu tầm của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, từ khi xây dựng vào năm 1804 dưới thời vua Gia Long cho đến khi bị phá hủy, điện Cần Chánh đã trải qua khoảng 20 lần tu sửa lớn, nhỏ khác nhau.

Ngoài các thông tin từ sử liệu, Châu bản triều Nguyễn, thì còn có nhiều tư liệu về hình ảnh của di tích điện Cần Chánh được chụp từ năm 1885-1945. Trong đó, có các bức ảnh khi vua Khải Định lên ngôi năm 1916, bộ ảnh chụp lễ Tứ tuần đại khánh tiết của vua Khải Định năm 1924, ảnh chụp lễ đăng quang của vua Bảo Đại năm 1926, lễ đón tiếp vua Bảo Đại về nước năm 1932… Nguồn tư liệu này đã góp phần bổ sung cho công tác nghiên cứu, giúp xác định chiều cao hàng cột, hệ khung gỗ, hệ mái và các cấu kiện gỗ cũng như các cách thức trang trí.

Vào năm 2023, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện khảo cổ điện Cần Chánh trong hơn 1 tháng. Qua đó, đã có thêm cơ sở khoa học để xây dựng phương án phục hồi công trình di tích quan trọng này.

Chuẩn bị thực hiện tu bổ, phục hồi và tôn tạo điện Cần Chánh - ảnh 3
Những hình ảnh tư liệu về điện Cần Chánh dưới thời vua Khải Định

Dưới triều Nguyễn, điện Cần Chánh là nơi nhà vua thiết triều vào các ngày 5, 10, 20 và 25 âm lịch hàng tháng; đồng thời, đây cũng là nơi tổ chức tiếp sứ bộ ngoại giao, tổ chức yến tiệc của hoàng gia và triều đình. Theo sử liệu, trước khi bị phá hủy, công trình này có kết cấu: chính điện có 5 gian và 2 chái kép, tiền điện có 7 gian và 2 chái đơn.

Việc nghiên cứu phục hồi điện Cần Chánh đã được thực hiện từ mấy chục năm qua, đặc biệt từ những năm 1990 đến nay. Công trình này cũng đã được nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế nghiên cứu nhằm phục hồi, trong đó nổi bật là các chuyên gia của Đại học Waseda, Nhật Bản.

Ông Hoàng Việt Trung cũng thông tin: Cùng với việc động thổ dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh”, dịp này tỉnh Thừa Thiên Huế cũng sẽ tổ chức Lễ đón nhận bằng của UNESCO ghi danh Di sản tư liệu “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”. Đồng thời, công bố hoàn thành dự án “Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và mở cửa đón khách tham quan.

Các hoạt động tại Khu di sản Huế trong dịp này nhằm hưởng ứng kỉ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam, qua đó góp phần lan tỏa và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng sâu rộng đến cộng đồng.